Chính sách mới có hiệu lực trong tháng 1-2014

Cản trở báo chí tác nghiệp bị phạt đến 30 triệu đồng

Theo Nghị định 159 của Chính phủ, ban hành ngày 12-11-2013 quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp. Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng nếu uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; sử dụng máy photocopy và các thiết bị in khác để nhân bản báo chí, xuất bản phẩm, sản phẩm in không phải xuất bản phẩm thuộc loại cấm lưu hành... Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng nếu mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí, lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.

Xóa nợ tiền thuế, tiền phạt khó thu hồi

Từ ngày 17-1-2014, các khoản tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1-7-2007 còn nợ không có khả năng thu hồi, bao gồm cả khoản tiền thuế, tiền phạt phát sinh phải nộp trước ngày 1-7-2007 nhưng phát hiện, ấn định thu sau ngày này sẽ được xóa nợ. Đối tượng được thực hiện xóa nợ là các hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp nhà nước. Thông tư 179 của Bộ Tài chính về việc thực hiện xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi quy định.

Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện xóa nợ đối với trường hợp tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng trở lên; từ 5 đến dưới 10 tỷ do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan xóa nợ đối với các trường hợp dưới 5 tỷ  đồng.

Thêm nhiều đối tượng được miễn thuế GTGT

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế GTGT sửa đổi cùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014, sẽ có thêm nhiều trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, đó là tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh dịch vụ hàng hóa chịu thuế GTGT cho doanh nghiệp, hợp tác xã; sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ sơ chế thông thường  (không phân biệt có phải là hàng hóa tự sản xuất, đánh bắt hay không); hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống; bảo hiểm sức khỏe, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thủy sản; bảo hiểm cho ngư dân; phụ tùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Các hoạt động cung cấp hàng hóa dịch vụ ở ngoài Việt Nam sẽ phải thực hiện kê khai, tính nộp thuế GTGT theo quy định (quy định hiện hành không quy định điều này).

Chậm nộp tiền phạt, phải nộp thêm 0,05%/ngày

Từ ngày 26-1-2014, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về hải quan nếu chậm nộp tiền phạt, ngoài việc phải nộp đủ số tiền phạt thì cứ mỗi ngày chậm nộp phạt phải nộp thêm 0,05%/ngày tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Đây là nội dung mới đáng chú ý tại thông tư 190/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chi tiết thi hành Nghị định số 127/2013/NĐ-CP về  xử phạt VPHC và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần không tính là thời gian chậm nộp tiền phạt.

Ngoài ra, sẽ áp dụng hình thức ra quyết định xử phạt tại chỗ đối với trường hợp phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân và 500.000 đồng đối với tổ chức. Thời hạn ra quyết định xử phạt là 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính (quy định hiện hành là 10 ngày).

Được cho vay bằng ngoại tệ

Từ ngày 1-1-2014 đến hết ngày 31-12-2014, ngân hàng sẽ xem xét, quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ; cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu năm 2014; cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam...

Ngoài ra, các nhu cầu vốn khác thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ cũng sẽ được xem xét cho vay bằng ngoại tệ. Thông tư số 29/2013/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014 quy định.

Tịch thu tiền nghi giả, đổi tiền cũ, rách miễn phí

Từ ngày 20-1-2014, khi giao dịch tiền mặt với khách hàng, nếu phát hiện đồng tiền có dấu hiệu  là tiền giả, nghi giả, ngân hàng sẽ lập biên bản và tạm thu giữ số tiền đó. Nghiêm cấm ngân hàng trả lại tiền giả, tiền nghi giả cho khách hàng. Thông tư 28/2013/TT-NHNN có hiệu lực thì hành từ ngày 20-1-2014 quy định như trên.

Các ngân hàng sẽ thu, đổi các loại tiền không đủ chuẩn lưu thông do bị cũ, rách nát,hư hỏng hoặc biến dạng. Tiền không đủ chuẩn lưu thông nếu do nguyên nhân khách quan (hỏng do quá trình lưu thông) sẽ được thu, đổi ngay, không hạn chế số lượng, không yêu cầu thủ tục giấy tờ. Tiền bị rách nát hư hỏng do nguyên nhân chủ quan (hỏng do quá trình bảo quản như rách mất một phần, thủng lỗ, bị cháy, biến dạng…) thì các đơn vị thu, đổi sẽ xem xét quyết định đổi hay không đổi theo điều kiện do Ngân hàng nhà nước đã quy định. Thông tư 25/2013/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước quy định.

Giảm thời gian tập sự cho luật sư

Theo Thông tư số 19/2013/TT-BTP ngày 28-11-2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề luật sư, từ ngày 15-1-2014, thời gian tập sự hành nghề luật sư sẽ giảm từ 18 tháng xuống còn 12 tháng; giảm xuống còn 4 tháng đối với những đối tượng được giảm 2/3 thời gian tập sự gồm điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính; 6 tháng đối với những đối tượng được giảm ½ thời gian tập sự như nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên (quy định hiện hành là 6 tháng và 9 tháng)

Người tập sự có thể tạm ngừng việc tập sự hành nghề luật sư nhưng không được ngừng quá ba tháng, trường hợp tạm ngừng tập sự quá ba tháng mà không có lý do chính đáng thì người tập sự phải đăng ký lại việc tập sự hành nghề luật sư.

Tạm trú 2 năm mới được đăng ký thường trú

Luật Cư trú, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014 yêu cầu công dân phải tạm trú từ một năm trở lên mới được đăng ký thường trú vào huyện, thị xã và từ hai năm trở lên nếu vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương (luật hiện hành chỉ quy định chung cho các trường hợp là một năm). Nghiêm cấm giải quyết cho đăng ký cư trú và đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình khi biết rõ thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó.  Ngoài ra, người thành niên độc thân được cho phép nhập khẩu khi về ở với ông bà nội, ngoại, anh chị em ruột, cô, dì, chú, bác ruột (luật hiện hành chỉ cho phép khi về ở với ông bà); ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Từ ngày 1-1-2014 áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22% (quy định hiện hành là 25%) và sẽ giảm xuống còn 20% kể từ ngày 1-1-2016. Bổ sung vào diện áp dụng thuế suất ưu đãi 10% đối với các khoản thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo in); thu nhập của DN từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng nông, lâm, thủy sản ở địa bàn khó khăn…Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2013 quy định.

Thời hiệu xử phạt vi phạm về thuế là hai năm

Từ ngày 1-1-2014, vi phạm thủ tục thuế sẽ có thời hiệu xử phạt là hai năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện đến ngày ra quyết định xử phạt. Việc xử phạt VPHC về thuế không lập biên bản và ra quyết định xử phạt tại chỗ được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân và 500.000 đồng đối với tổ chức. Cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về thuế với mức phạt tiền từ ba triệu đồng trở lên, đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa, tai nạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo có quyền đề nghị miễn, giảm tiền phạt VPHC về thuế. Mức miễn, giảm tiền phạt tối đa bằng số tiền phạt còn lại trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại hoặc chi phí khám, chữa bệnh..  Đây là những điểm đáng chú ý quy định tại Thông tư 166/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 15-11-2013.

Siết chặt bán hàng đa cấp

Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa, về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp sẽ bị xử phạt đến 10 triệu đồng (quy định cũ là 5 triệu). Doanh nghiệp bán hàng đa cấp đào tạo người tham gia không đúng địa điểm, không đúng thời gian đào tạo đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động từ một đến ba tháng (quy định hiện hành không quy định điều này). Tổ chức bán hàng đa cấp khi chưa có Giấy đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng (quy định hiện hành chỉ phạt đến 30 triệu) và cũng bị đình chỉ hoạt động từ một đến ba tháng. Đây là nội dung được quy định tại nghị định 185/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014.

Ngoài ra, sẽ phạt đến 40 triệu đồng đối với hành vi giả mạo, hoặc sao chép giao diện website thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để kiếm lợi hoặc gây nhầm lẫn.

Thắt chặt hoạt động kinh doanh du lịch

Từ 1-1-2014, Chính phủ điều chỉnh nâng mức ký quỹ đối với DN kinh doanh lữ hành đưa khách du lịch ra nước ngoài từ 250 triệu đồng lên 500 triệu đồng và giữ nguyên mức ký quỹ 250 triệu đồng đối với DN kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam. Tiền ký quỹ trên là để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp DN không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh lữ hành. Nghị định 180/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật Du lịch quy định.

Thêm một nội dung mới được bổ sung đó là, DN vi phạm một trong các điều bị nghiêm cấm theo Luật du lịch sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh như: làm phương hại truyền thống văn hoá, thuần phong mỹ tục; xâm hại tài nguyên, môi trường du lịch, phân biệt đối xử, thu lợi bất chính từ khách du lịch; tranh giành, nài ép khách; không đổi giấy phép theo quy định; không báo cáo kết quả kinh doanh trong 18 tháng liên tục…

Trợ cấp xã hội hàng tháng cho sáu đối tượng

Từ ngày 1-1-2014, sáu nhóm đối tượng sau sẽ được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng, đó là: trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; người từ 16 tuổi đến 22 tuổi không nguồn nuôi dưỡng mà đang đi học; trẻ em và người bị nhiễm HIV; người thuộc hộ nghèo; ngưởi cao tuổi nghèo, cô đơn, không nơi nương tựa; trẻ em khuyết tật và người khuyết tật. Mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội đối với sáu nhóm đối tượng trên là 270.000 đồng/tháng. Mức chuẩn này sẽ được nhân với các hệ số tương ứng từ 1,0 đến 3,0 tùy theo từng đối tượng để tính mức trợ cấp tối thiểu hàng tháng. Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Ngoài ra, cũng từ ngày 1-1-2014, hỗ trợ tối đa đến 20 triệu đồng/hộ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở; hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/hộ trong trường hợp nhà ở bị hư hỏng nặng. Hỗ trợ 15kg gạo/người đối với các thành viên hộ gia đình thiếu đói trong dịp Tết Âm lịch; 15kg gạo/người/tháng trong thời gian không quá ba tháng trong và sau thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt hoặc lý do bất khả kháng khác.

Rượu phải dán tem trước khi lưu hành

Cũng từ ngày 1-1-2014, rượu lưu hành, tiêu thụ tại Việt Nam phải dán tem trên bao bì sản phẩm. Rượu không dán tem, dán tem giả, dán tem không đúng quy định sẽ bị xử lý theo quy định về hàng lậu, hàng giả, hàng nhái. Tổ chức, cá nhân kinh doanh, tàng trữ rượu không dán tem, dán tem giả sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Thông tư 160 hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với sản phẩm rượu nhập khẩu và rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước do Bộ Tài chính ban hành quy định.

Tăng nặng xử phạt nghệ sĩ hát nhép, ăn mặc hở hang

Từ ngày 1-1-2014, việc sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng hát thật hoặc nhạc cụ thật của người biểu diễn; sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp mục đích, nội dung biểu diễn và thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam sẽ bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng (quy định hiện hành chỉ xử phạt tối đa đến 6 triệu đồng). Xử phạt đến 40 triệu đồng đối với thí sinh ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế mà không có giấy phép theo như quy định (quy định hiện hành chỉ phạt đến 20 triệu đồng). Đây là nội dung của nghị định 158 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch là 50 triệu đồng; trong quảng cáo là 100 triệu đồng. Mức phạt tiền của tổ chức là gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

ĐẶNG LIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều