Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6-2024

(PLO)- Hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự vì vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy; thu hồi giấy phép lái xe trong nhiều trường hợp... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6-2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một số chính sách pháp luật mới nổi bật sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6-2024 dưới đây:

Hướng dẫn xác định tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

Nghị quyết 02/2024 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 313 BLHS 2015 về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18-6-2024.

Điều 313 BLHS 2015 quy định người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp tại khoản 1 Điều này (như: làm chết người, gây thiệt hại về tài sản từ 100 – 500 triệu đồng…) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

Trong đó, “vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” được Nghị quyết 02 hướng dẫn bao gồm: (i) Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy; (ii) Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật khác có liên quan.

chính sách mới
Hiện trường vụ hoả hoạn xảy ra rạng sáng ngày 25-4-2024, tại nhà trọ thuộc phường Trung Hoà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 14 người thiệt mạng, 6 người khác bị thương. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Đáng chú ý, bên cạnh việc xác định các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS), Hội đồng Thẩm phán cũng có hướng dẫn quan trọng về việc truy cứu TNHS trong một số trường hợp.

Cụ thể, trường hợp người phạm tội thực hiện công việc bắt buộc phải tuân theo quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người nhưng trong quá trình thực hiện họ vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người xảy ra cháy và gây thiệt hại thì bị truy cứu TNHS theo quy định tại Điều 313 BLHS mà không bị truy cứu TNHS theo quy định tại Điều 295 BLHS (Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người).

Minh họa cho hướng dẫn này, Nghị quyết nêu ví dụ: A được B thuê hàn mái nhà các phòng Karaoke. Trong quá trình hàn, A không trang bị tấm chắn tia kim loại nóng chảy bắn ra, đồng thời không theo dõi quá trình hàn một cách an toàn nên khi các hạt kim loại nóng mang nhiệt độ cao bắn ra xung quanh đã hình thành các đám cháy lớn gây thiệt hại về tài sản 1 tỉ đồng.

Hành vi của A đã vi phạm quy định tại Mục 2.2.12 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2011/BLĐTBXH ngày 29-7-2011 của Bộ LĐ-TB&XH về an toàn lao động đối với máy hàn điện và công việc hàn điện. Trường hợp này, A bị truy cứu TNHS về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Ngoài ra, cũng theo Nghị quyết 02, trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều lần hành vi phạm tội, nếu mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng đều chưa bị truy cứu TNHS và chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số thiệt hại của các lần phạm tội, còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội từ 02 lần trở lên”.

Nghị quyết 02/2024 được Hội đồng Thẩm phán thông qua ngày 24-4-2024.

Những công việc lĩnh vực tài chính phải định kỳ chuyển đổi vị trí

Ngày 3-5, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 27/2024 quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tài chính tại chính quyền địa phương.

Theo đó, danh mục vị trí phải định kỳ chuyển đổi gồm: Phân bổ ngân sách; kế toán, kế toán trưởng; mua sắm công; thẩm định, kiểm tra và quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và thẩm định, định giá trong đấu giá.

Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc là từ đủ 2 năm đến 5 năm theo quy định (không bao gồm thời gian tập sự của công chức, viên chức).

Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm có quyết định điều động, bố trí phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ.

Đáng chú ý, chưa thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với các trường hợp định lại Điều 38 Nghị định 59/2019 như: Người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; người đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử…

Thông tư 27/2024 nêu trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17-6-2024.

6 trường hợp thu hồi giấy phép lái xe

Thông tư 05/2024 của Bộ GTVT sửa đổi các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2024.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 38/2019/TT-BGTVT) về quy định thu hồi giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ.

Cụ thể, việc thu hồi GPLX thực hiện trong các trường hợp: Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp GPLX; người lái xe tẩy, xoá, làm sai lệch các thông tin trên GPLX; để người khác sử dụng GPLX của mình; cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện; có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng GPLX, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký.

Cuối cùng, nếu thông qua việc khám sức khỏe, Cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy, GPLX cũng sẽ bị thu hồi; trừ trường hợp bị xử lý theo Nghị định 100/2019 vì điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm