Chính sách phải chặt chẽ, không để kẽ hở cho tham nhũng

(PLO)- Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, không để sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng tham nhũng, tiêu cực.

Ngày 24-12, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Hành động mạnh mẽ, không có vùng cấm

Phát biểu tại hội nghị, ông Đoàn Hồng Phong (Tổng Thanh tra Chính phủ) đánh giá sau 5 năm thực hiện Luật PCTN, công tác PCTN tiêu cực đã đạt những kết quả quan trọng, tích cực.

Ông Đoàn Hồng Phong – Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.ĐIỆP

“Công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã làm được nhiều vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được dư luận và xã hội đặc biệt quan tâm như vụ Vạn Thịnh Phát – SCB, AIC, Việt Á, FLC, Phúc Sơn, Thuận An… Qua đó thể hiện rõ quan điểm PCTN với quyết tâm chính trị rất cao, hành động mạnh mẽ, có tính đột phá, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” – ông Phong nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nhất là cơ chế chính sách trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Theo ông Phong, mẫu biểu kê khai tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ quyền hạn hiện rất khó hiểu, rất khó thực hiện. Ông cho rằng mẫu này “đúng nhưng chưa đúng với nghĩa của nó”. Cạnh đó là một số vấn đề như việc giải trình về nguồn gốc tài sản, tài sản hình thành trong tương lai, phạm vi xác minh tài sản… Ông cho biết sẽ có thông tư về kiểm soát TSTN trong thời gian tới.

Thời gian tới, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về PCTN, trong đó phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của đảng về PCTN, tiêu cực.

Đồng thời quán triệt và thực hiện đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, đó là vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Theo báo cáo, có 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát TSTN. Trong kỳ báo cáo, tổng số tài sản (tạm tính) phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng là hơn 26.156 tỉ. Tổng số tài sản đã áp dụng các biện pháp bảo đảm để thu hồi là hơn 6.421 tỉ. Ngoài ra, tạm giữ 346 lượng vàng, kê biên 20 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 1.125 m2…

Các TAND cấp tỉnh, huyện trên cả nước đã thụ lý xét xử sơ thẩm 2.932 vụ án với 7.583 bị cáo về 7 tội danh tham nhũng, trong đó phổ biến nhất là các vụ án về tội tham ô tài sản với 1.429 vụ án (2.418 bị cáo).

Trong đó, sửa đổi bổ các sung quy định của Luật PCTN còn bất cập; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý kinh tế xã hội đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đảm bảo chặt chẽ, không để sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dung tham nhũng, tiêu cực, đồng thời giảm bớt thủ tục gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Cạnh đó, tổ chức thực hiện nghiêm Luật PCTN, trong đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.

Ngành thanh tra tiếp tục nâng cao công tác quản lý nhà nước về PCTN, tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về PCTN, tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra và kịp thời chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra…

Kiến nghị ban hành thông tư về kiểm soát tài sản, thu nhập

Ông Dương Ngọc Hải - Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, cho biết TP.HCM có 3.000 cơ quan tổ chức, đơn vị thuộc diện kiểm soát TSTN, dẫn đến việc xác minh TSTN đối với 2% cơ quan, đơn vị theo quy định của luật PCTN là hết sức khó khăn.

TP.HCM kiến nghị cần ban hành thông tư quy định về trình tự, thủ tục tiến hành kiểm soát TSTN. Trong đó, cần quy định cụ thể chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan kiểm soát TSTN. Đồng thời, quy định việc xác minh cụ thể đối với các trường hợp, từng hành vi kê khai, giải trình không trung thực về tài sản, thu nhập tăng thêm; hành vi kê khai không đầy đủ, không rõ ràng …

Cãnh đó, sớm xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN tập trung, thống nhất, đảm bảo sự quản lý chặt chẽ, đồng thời có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan kiểm soát TSTN.

Đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, cần ban hành thông tư quy định về trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước cũng như có hướng dẫn chung về kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp, tổ chức này.

Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến việc hoàn thiện pháp luật về PCTN như quy định việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, ông chức phải cụ thể, hợp lý hơn trong điều kiện nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện tinh gọn bộ máy, số lượng biên chế ít, nhân sự đảm nhiệm mỗi vị trí chuyên môn đều phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn đặc thù theo từng vị trí việc làm.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về kiểm soát TSTN của người có chức vụ quyền hạn; Sớm ban hành thông tư quy định quy trình xác minh, phạm vi xác minh TSTN; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm soát xác minh được hiệu quả nhất…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới