Chính thức đề xuất thí điểm nhiều cơ chế đặc thù cho TP.HCM

(PLO)- Trong tờ trình gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế đặc thù để phát huy tiềm năng của TP.HCM.

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ QH dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền TP.HCM và TP Thủ Đức.

Đề xuất thànhlập Sở An toàn thực phẩm

Đáng chú ý, liên quan đến cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy của TP, Chính phủ đề nghị thành lập Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TP.HCM từ Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương.

Cán bộ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả khu vực 2, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lý giải cho đề xuất trên, Chính phủ cho rằng hiện chưa có các quy định pháp luật dành riêng cho cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Một số chức năng, nhiệm vụ như thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm dự kiến giao cho Sở An toàn thực phẩm được quy định tại các luật gồm Luật An toàn thực phẩm, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thú y.

Trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm thành lập Ban An toàn thực phẩm tại TP.HCM cho thấy việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là cần thiết và để thống nhất đầu mối quản lý về an toàn thực phẩm được quy định tại các luật chuyên ngành cho Sở An toàn thực phẩm.

HĐND TP.HCM quyết cơ cấu, số lượng cán bộ cấp xã

Một nội dung quan trọng khác, Chính phủ đề xuất tăng từ hai phó chủ tịch UBND huyện và phường, xã, thị trấn theo quy định hiện nay lên ba phó chủ tịch để đảm bảo nguồn nhân lực lãnh đạo, điều hành, tham mưu giúp việc cho chủ tịch UBND huyện, chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn.

Theo Chính phủ, mật độ dân số của TP.HCM hiện gần 4.300 người/km2, có 48 phường có dân số 80.000 người trở lên và sáu phường có dân số trên 100.000 người. Để có thêm cán bộ giải quyết công việc đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng thì cần phải bổ sung thêm lãnh đạo UBND huyện, xã trên địa bàn”.

TP Thủ Đức đang quản lý 34 đơn vị hành chính cấp phường, 600 cơ sở giáo dục, 154 cơ sở tín ngưỡng, 285 cơ sở tôn giáo.

Trên địa bàn TP Thủ Đức đã và đang triển khai 300 dự án đầu tư ở các lĩnh vực khác nhau...

Chính phủ cũng nêu thực tế TP.HCM đã phát sinh khó khăn do số lượng cán bộ, công chức cấp xã được phân bố chưa phù hợp với các phường, xã, thị trấn đông dân và có địa hình rộng, tính chất phức tạp và đang trong quá trình đô thị hóa.

Hiện TP.HCM thiếu nguồn lực cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại cơ sở; đồng thời không thể chủ động trong việc bố trí cơ cấu, số lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để đáp ứng đúng yêu cầu, nhiệm vụ và đặc điểm phức tạp của từng địa bàn.

Từ đó, Chính phủ đề xuất dự thảo Nghị quyết của QH quy định chính sách phân cấp cho HĐND TP quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn để tạo tính chủ động trong xây dựng nguồn lực tại cơ sở…

Về chi thu nhập tăng thêm, dự thảo nghị quyết quy định chính sách tương tự như Nghị quyết 54 TP.HCM đang thực hiện. Để tránh mâu thuẫn với Nghị quyết 27/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII quy định về chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản, dự thảo nghị quyết quy định chi trả thu nhập tăng thêm 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27.

Ủy quyền một số nhiệm vụ cho TP Thủ Đức

Một nội dung đáng chú ý khác, Chính phủ đề nghị quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP cho HĐND, UBND, chủ tịch UBND TP Thủ Đức.

Chính sách này tạo điều kiện cho TP Thủ Đức chủ động trong giải quyết các thủ tục hành chính, các nội dung công việc thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND và chủ tịch UBND TP.HCM theo quy định.

Cơ chế này cũng tạo ra sự chủ động trong quản lý điều hành, hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của UBND TP Thủ Đức dưới sự giám sát của HĐND TP Thủ Đức.

Theo Chính phủ, việc thí điểm các chức năng, nhiệm vụ này tại Thủ Đức là cơ sở để tổng kết, đánh giá xem xét nhân rộng mô hình chính quyền đô thị “TP thuộc TP” tại một số địa phương khác trong thời gian tới đây.

Chính phủ cũng đề xuất UBND TP.HCM quyết định thành lập tổ chức bộ máy của Thanh tra xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc UBND TP Thủ Đức.

Chính phủ cũng đề xuất thành lập Ban đô thị thuộc HĐND TP Thủ Đức; cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng biên chế của HĐND và UBND TP Thủ Đức nhằm đáp ứng khối lượng công việc của “TP trong TP” trực thuộc trung ương đầu tiên trong cả nước, đáp ứng mục tiêu thành lập TP Thủ Đức theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ QH.

Chính phủ cho rằng cần thiết phải thành lập Ban đô thị thuộc HĐND TP Thủ Đức để thực hiện công tác giám sát về lĩnh vực đô thị, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Mặt khác, theo quy định hiện hành, UBND TP Thủ Đức có ba phó chủ tịch và 13 cơ quan chuyên môn có không quá ba phó trưởng phòng.

Quy định này được đánh giá là chưa phù hợp với tình hình thực tế quản lý hành chính nhà nước tại TP Thủ Đức. Do vậy, Chính phủ đề xuất tăng thêm một phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức, đồng thời đề xuất tăng thêm phụ cấp chức vụ các chức danh lãnh đạo để phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, tránh tâm lý cào bằng như các địa phương khác với tính chất, quy mô công việc đơn giản hơn.•

Đề xuất một số chính sách đáng chú ý khác

+ HĐND TP.HCM được phân bổ nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ mới sau khi bố trí đủ vốn ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương.

TP dự kiến có thể huy động từ các nguồn tăng thu khoảng 119.000 tỉ đồng, ngoài mức vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để bố trí cho các dự án trọng điểm, cấp thiết ngoài các dự án đã được giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

+ TP.HCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD).

Theo đó, TP sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt được cấp thẩm quyền phê duyệt dọc theo tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3 thuộc địa phận TP để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.

+ Đề xuất HĐND TP.HCM được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách TP; ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm.

Các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức, đơn vị và chi thu nhập tăng thêm.

+ Đề xuất UBND TP.HCM xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất) trong trường hợp bảng giá đất đã thu thập thông tin thị trường và xây dựng đến từng thửa đất…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới