Chính trường Anh dậy sóng chuyện trả quần đảo chiến lược cho thuộc địa cũ

(PLO)- Anh đồng ý trao trả quần đảo Chagos cho Mauritius nhưng vẫn giữ lại quyền kiểm soát đối với đảo Diego Garcia, nơi có căn cứ quân sự chung Mỹ-Anh.

Giới lãnh đạo Anh đã có nhiều tuyên bố trái chiều sau khi London quyết định trao trả gần như toàn bộ quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương cho Mauritius, tờ The Guardian đưa tin.

Chính quyền Anh hôm 3-10 tuyên bố đã đạt được thoả thuận với Mauritius về việc trả lại quần đảo Chagos cho quốc đảo Ấn Độ Dương này, song vẫn đảm bảo sự kiểm soát của London đối với đảo Diego Garcia và căn cứ quân sự trên đảo.

Vị trí của quần đảo Chagos, phần lãnh thổ còn lại của Mauritius và các quốc gia láng giềng trên Ấn Độ Dương. Ảnh: NEWS DRUM

Các đời lãnh đạo tranh cãi, đổ lỗi cho nhau

Các cuộc đàm phán được bắt đầu vào năm 2022, dưới thời cựu Thủ tướng Liz Truss của đảng Bảo thủ. Tuy nhiên không ít lãnh đạo cấp cao của đảng này không ủng hộ việc trao trả quần đảo Chagos cho Mauritius.

Cựu nghị sĩ Grant Shapps – người giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời bà Truss – cho biết ông đã đặc biệt lưu tâm tới đảo Diego Garcia và kịch liệt phản đối việc Anh từ bỏ quyền kiểm soát đối với quần đảo Chagos.

Người tiền nhiệm của bà Truss là cựu Thủ tướng Boris Johnson (cùng thuộc đảng Bảo thủ) cho rằng quyết định trao trả quần đảo Chagos cho Mauritius là “điên rồ”. Ông cho rằng các chính phủ kế nhiệm đã hành động chỉ để “được coi là người tốt”.

Tuy nhiên, một người được bà Truss uỷ quyền phát ngôn lại nói rằng “chính ông Johnson đã yêu cầu bà Truss nói chuyện [với Thủ tướng Mauritius Pravind Jugnauth]” về vấn đề này vào năm 2021, khi bà Truss là Ngoại trưởng.

Người phát ngôn của bà Truss nhấn mạnh rằng nữ chính trị gia này “hoàn toàn hiểu rõ rằng [Anh] không nên và sẽ không bao giờ nhượng lại lãnh thổ”.

Nghị sĩ Tom Tugendhat – Bộ trưởng An ninh dưới thời bà Truss – chỉ trích rằng thoả thuận với Mauritius sẽ làm suy yếu đồng minh Mỹ-Anh và mở ra khả năng cho Trung Quốc giành thêm chỗ đứng ở Ấn Độ Dương.

Hiện nay, ông Tugendhat là Bộ trưởng An ninh trong “nội các bóng” – tức là những quan chức thuộc phe đối lập trong Quốc hội Anh có nhiệm vụ giám sát, phản biện chính quyền đương nhiệm.

Phản bác lại, ông Jonathan Powell, đặc phái viên của đương kim Thủ tướng Keir Starmer về đàm phán Anh-Mauritius, bác bỏ những chỉ trích bị coi là “ngớ ngẩn” của đảng Bảo thủ.

Ông Powell còn lưu ý rằng ông James Cleverly – Ngoại trưởng trong nội các của bà Truss – đã “hăng hái” dẫn dắt các cuộc đàm phán.

Căn cứ quân sự chung Mỹ-Anh trên đảo Diego Garcia. Ảnh: INDEPENDENT/GETTY IMAGES

Thủ tướng Starmer nhấn mạnh rằng trong thoả thuận với Mauritius, London đã đảm bảo được quyền lợi của mình trong vấn đề “quan trọng duy nhất” là tương lai lâu dài của căn cứ quân sự chung Mỹ-Anh trên đảo Diego Garcia, đồng thời lưu ý rằng quyết định này nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của từ Washington.

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh thoả thuận giữa Anh và Mauritius và tin rằng nó sẽ đảm bảo hoạt động hiệu quả của căn cứ quân sự trên đảo Diego Garcia.

Mauritius, người dân Chagos vui mừng nhưng vẫn còn vấn đề

Quần đảo Chagos là một nhóm các vòng san hô với hơn 60 đảo nhỏ, một số không có người sinh sống, nằm cách các đảo chính của Mauritius khoảng 2.100 km về phía đông bắc. Diego Garcia là đảo lớn nhất trong quần đảo Chagos.

Mauritius tuyên bố độc lập khỏi Anh vào năm 1968, song vì vị trí chiến lược ở giữa Ấn Độ Dương của Diego Garcia, Anh đã tách quần đảo Chagos ra khỏi Mauritius và giữ lại quyền kiểm soát bây giờ.

Quyết định giữa London và Port Louis sẽ cho phép những người bản địa vốn bị Anh trục xuất vào những năm 1960-1970 được hồi hương.

Thủ tướng Mauritius Pravind Jugnauth cho rằng đây là thành quả khi nước này kiên định với “niềm tin vững chắc về việc hoàn thành quá trình phi thực dân hoá nền cộng hoà của mình”.

Ông Olivier Bancoult – lãnh đạo Nhóm Tị nạn Chagos của những người dân Chagos bị buộc di cư sang phần còn lại của Mauritius cách đây khoảng 60 năm – hoan nghênh quyết định của Anh.

“Đây là cuộc đấu tranh kéo dài hơn 40 năm và nhiều người dân [Chagos] đã qua đời. Nhưng hôm nay đánh dấu sự thừa nhận những bất công đối với người dân Chagos, những người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình” – ông Bancoult.

Trong khi đó, Chagossian Voices – một nhóm người gốc Chagos có trụ sở tại Anh – lại thất vọng vì những người dân Chagos không được tham gia vào quá trình đàm phán. Nhóm này đòi hỏi “được tham gia đầy đủ vào việc soạn thảo hiệp ước” thi hành thoả thuận giữa Anh và Mauritius.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới