Mỹ sẽ ra tay ngăn chặn chiến tranh Trung Đông?

(PLO)- Theo chuyên gia, Mỹ là cứu cánh duy nhất ngăn chặn chiến tranh lan rộng ở Trung Đông và Mỹ có rất nhiều lý do phải hành động.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm 1-10, Iran đã phóng ít nhất 180 tên lửa vào Israel để trả đũa cuộc tấn công liên tiếp của Tel Aviv vào các lực lượng được Tehran hậu thuẫn, cũng như những hành động bị coi là “tội ác” ở Palestine và Lebanon.

Phía Iran tuyên bố cuộc tấn công đã đánh trúng 90% mục tiêu của Israel, trong khi Lực lượng Phòng vệ Israel nói một số căn cứ không quân của nước này đã bị tên lửa Iran đánh trúng nhưng không gây ra thiệt hại nào ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng không quân, theo tờ Times of Israel.

Iran phóng tên lửa vào Israel.jpg
Hệ thống phòng không Israel đánh chặn các tên lửa của Iran hôm 1-10. Ảnh: REUTERS

Chuyên gia Ali Vaez – người đứng đầu chương trình nghiên cứu Iran tại Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ISG – có trụ sở tại thủ đô Washington D.C., Mỹ) – lo ngại thế giới “đang đứng bên bờ vực thảm hoạ” trước nguy cơ chiến tranh lan rộng ở Trung Đông, theo đài CBC (Canada).

Mỹ là cứu cánh duy nhất ngăn Trung Đông rơi vào thảm hoạ

Ông Vaez e ngại rằng "không ai đủ sáng kiến ngoại giao hay lòng dũng cảm để cố gắng ngăn chặn” một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và Iran. Tuy nhiên, “chỉ có một bên duy nhất để giải quyết vấn đề [ngăn chiến tranh lan rộng ở Trung Đông] vào lúc này, đó là Mỹ” – ông Vaez nói. Chuyên gia này giải thích thêm rằng Washington được tin là bên duy nhất có thể gây ảnh hưởng và kiềm chế Israel.

Ngược lại, Washington chắc chắn có động cơ để hành động ngăn chiến tranh lan rộng ở Trung Đông. Ông Vaez lưu ý rằng có khoảng 700.000 người Mỹ sống ở Israel và Washington luôn nhấn mạnh cam kết sẽ bảo vệ đồng minh Do Thái.

Trong trường hợp chiến tranh lan rộng ở Trung Đông, bất kỳ nguy cơ nào đối với sự an toàn và tính mạng của người Mỹ, nhất là trong bối cảnh một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần, sẽ buộc Nhà Trắng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trực tiếp tham gia vào xung đột để đánh bại và làm suy yếu Iran.

Ông Vaez chỉ ra rằng nếu các cơ sở hạt nhân của Iran bị tấn công trong chiến sự, Tehran có thể sẵn sàng đáp trả bằng cách rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân và quyết theo đuổi thứ vũ khí huỷ diệt hàng loạt này. Kịch bản này “chắc chắn sẽ dẫn đến đau buồn cho tất cả các bên”.

Israel không thể duy trì chiến tranh nếu không có Mỹ hỗ trợ

TS Randa Slim - nghiên cứu viên cao cấp người Mỹ gốc Lebanon tại Viện Trung Đông (MEI, trụ sở tại Washington D.C. (Mỹ)) - cho rằng Israel sẽ không thể duy trì chiến tranh chống lại Iran nếu không có sự hỗ trợ cả về chính trị lẫn quân sự từ Mỹ, theo đài France24.

Sau khi Iran tấn công tên lửa vào Israel hôm 1-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố “hoàn toàn, hoàn toàn, hoàn toàn ủng hộ Israel” và cho biết ông đang thảo luận với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về cách ứng phó với Iran. Theo TS Randa, mục tiêu của các thảo luận Mỹ-Israel hiện nay không phải là ngăn chặn Israel đáp trả Iran, mà nhằm xác định cách thức và quy mô trả đũa.

Ngày 2-10, ông Biden cho biết Mỹ sẽ thảo luận với Israel về cách mà Israel có thể phản ứng với cuộc tấn công tên lửa của Iran nhưng nhấn mạnh ông phản đối việc Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Theo ông Biden, sau khi điện đàm với các thành viên nhóm G7, nhóm nhất trí rằng Israel nên “phản ứng tương xứng”.

“Đã đến lúc phải chấm dứt vòng xoáy đáng kinh tởm từ hết sự leo thang này tới bước leo thang khác đẩy người dân Trung Đông rơi thẳng xuống vực thẳm” – Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 2-10.

Chuyên gia_Chỉ có Mỹ mới ngăn được chiến tranh lan rộng ở Trung Đông.jpg
Người dân Israel tìm nơi trú ấn khi nghe còi báo động vụ Iran phóng tên lửa hôm 1-10. Ảnh: REUTERS

Trước đó, khi chuẩn bị cho chiến dịch trên bộ ở miền nam Lebanon, Israel được cho là đã thảo luận với phía Mỹ. Hai bên đã thống nhất thu hẹp đáng kể quy mô cuộc tấn công so với kế hoạch ban đầu của Israel, theo tờ The Washington Post. Tuy nhiên, TS Randa lo ngại rằng trong vấn đề đáp trả cuộc không kích của Iran, vẫn có nguy cơ ông Biden không thể thuyết phục ông Netanyahu thực hiện theo phương án mà Nhà Trắng đề xuất.

Cần cẩn thận với ý tưởng định hình lại Trung Đông

Sau khi lãnh đạo lực lượng Hezbollah Hassan Nasrallah thiệt mạng trong cuộc không kích hôm 27-9, giới chức Israel được cho là đang tin tưởng vào “cơ hội ngàn năm có một” để không chỉ tiêu diệt nhóm vũ trang Hamas và Hezbollah, mà còn có thể định hình lại tình hình Trung Đông, theo tờ Politico.

Đại sứ Israel tại Mỹ Mike Herzog nói rằng chính quyền Washington hiểu rằng sau cái chết của ông Nasrallah, “có một tình hình mới ở Lebanon” và có cơ hội để định hình lại vị thế của Israel.

TS Randa cho rằng các quan chức an ninh quốc gia tại Nhà Trắng, kể cả Tổng thống Biden, cũng tin tưởng vào “cơ hội ngàn năm có một” này. Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo Mỹ nên rút ra bài học lịch sử từ sự can thiệp quân sự vào Iraq năm 2003, ám chỉ tình trạng bất ổn còn kéo dài tới hiện nay sau khi Mỹ phát động chiến tranh ở quốc gia Trung Đông này và lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein.

Ông David Hearst – đồng sáng lập, kiêm tổng biên tập trang tin Middle East Eye (có trụ sở tại Anh) – cảnh báo rằng mục tiêu của Israel định hình lại khu vực có thể gây hệ quả tiêu cực đối với chính quốc gia này. Theo ông Hearst, Israel có thể làm dấy lên sự bất mãn trong bộ phận người Hồi giáo ở các quốc gia Trung Đông, trong khi chưa giải quyết triệt để vấn đề Palestine.

Điều này đe doạ đảo ngược tiến trình hoà bình Israel-Ả Rập đã kéo dài 30 năm, kể từ khi người dân Palestine có một chính thể độc lập để đàm phán với Israel, làm cho vấn đề Palestine mất đi vị trí trung tâm ở nhiều nước Ả Rập.

Thế lưỡng nan của Mỹ sau cuộc không kích của Iran vào Israel

Mỹ đang rơi vào "tình thế lưỡng nan đầy đau đớn" khi viễn cảnh kinh hoàng về một cuộc chiến trực tiếp giữa Israel và Iran đang trở nên quá rõ ràng, tờ Chicago Tribune nhận định trong một bài xã luận hôm 1-10.

Mỹ được cho là đang chịu hậu quả từ việc thiếu cứng rắn trước các hành động quân sự của Israel ở Dải Gaza, bất chấp thương vong khủng khiếp mà người dân Palestine phải hứng chịu.

Điều này khiến xung đột ngày càng leo thang, khiến Iran đã can dự sâu hơn, trực tiếp hơn chứ không chỉ thông qua sự hỗ trợ dành cho các lực lượng được Tehran hậu thuẫn như Hamas hay Hezbollah nữa.

Bây giờ, Israel coi vụ tấn công của Iran là lời tuyên chiến và không còn cách nào khác phải trả đũa. "Mọi thứ đã ngoài tầm kiểm soát và sự đau khổ hơn nữa trong khu vực [Trung Đông] có vẻ là điều không thể tránh khỏi", Chicago Tribune nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm