Nuôi thú cưng như chó, mèo trong nhà là nhu cầu chính đáng của nhiều người. Tuy nhiên, vì những vật nuôi này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên người chủ buộc phải luôn có ý thức kiểm soát khu vực và khả năng hoạt động của chúng. Cụ thể là cần có các biện pháp phòng ngừa thích đáng như đeo dây xích, rọ mõm cho thú nuôi khi thả ra đường… để tránh gây họa cho cộng đồng.
Thực trạng hiện nay, đi vào các con hẻm trong những đô thị lớn, không khó khăn để bắt gặp hình ảnh một vài chú chó chạy rông trên đường, không dây xích, không rọ mõm và cũng chẳng có ai dẫn dắt. Từ khu dân cư cao cấp đến con hẻm nhỏ ở vùng ven, từ nhà phố đến cả chung cư cao tầng, những người bạn bốn chân này vẫn tự do tung tăng, còn chủ nuôi lại quá vô lo.
Từ đó thú nuôi cũng gây ra không ít phiền lụy. Nhẹ thì mất mỹ quan, mất vệ sinh đường phố vì các chất phóng uế, nặng thì đã xảy ra nhiều trường hợp người đi đường bị chó tấn công, cắn gây thương tích.
Cho đến nay, sau gần một năm Nghị định 90/2017 ra đời, hình ảnh một con chó có rọ mõm khi ra đường vẫn rất hiếm hoi. Nhiều người đã phải nhận trái đắng vì các chủ nuôi chó vẫn cứ vô tư nói “nó hiền lắm”, “nó không làm gì đâu”. Cứ chủ quan như vậy, đến khi con thú làm gì thật thì đã muộn.
Chủ nuôi đến nhận lại chó chạy rông bị bắt. Ảnh: TRẦN NGỌC
Theo ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, hiện chi cục vẫn phối hợp với các địa phương tổ chức bắt chó chạy rông.
“Địa phương muốn tổ chức bắt chó chạy rông ở khu vực nào, thời điểm nào… chỉ cần báo cho chi cục biết để lên kế hoạch phối hợp” - ông Bảo khẳng định.
Ông Dương Thanh Đa, Đội trưởng Đội bắt chó thả rông thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, thông tin chó sau khi bị bắt về sẽ được nuôi giữ tại 252 Lý Chính Thắng, quận 3. “Sau 72 giờ, nếu không có người đến nhận, chó sẽ được xem là vô chủ và thực hiện tiêu hủy” - ông Đa nói.
Trường hợp chó được chủ nuôi đến nhận lại nhưng chưa được tiêm ngừa dại sẽ bị phạt 600.000-800.000 đồng theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Các hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng cũng bị phạt tiền theo nghị định này.
Khi thực hiện việc bắt chó chạy rông ở các phường, quận, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM sẽ đi cùng ban, ngành liên quan của địa phương để phối hợp thực hiện.
Mới đây, UBND quận 1 đã thành lập đội bắt chó chạy rông riêng để chủ động hơn trong việc giữ trật tự phố phường, dẹp nạn chó chạy rông không có người quản lý. Từ ngày 15-8, quận 1 bắt đầu triển khai chiến dịch quyết liệt bắt chó thả rông.
“Đến nay đội này hoạt động có vẻ rất hiệu quả. Nếu từng quận, huyện khác đều thành lập được đội bắt chó chạy rông như quận 1 thì sẽ ngăn ngừa đáng kể tai nạn do chó gây ra” - ông Bảo vui vẻ nói. Mô hình này cũng đang được một số địa phương khác học hỏi để áp dụng.
Loay hoay xử lý thú cưng chết Nhiều chủ nhà tỏ ra lo lắng vì không biết xử lý ra sao khi thú nuôi bị chết. “Bỏ xe rác mà có người nhặt về ăn thì không ổn, còn đem chôn lại không có đất. Tôi thực sự không biết tính sao” - một chủ nuôi ở quận Tân Bình chia sẻ. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) cho biết nơi đây có nhận tiêu hủy chó, mèo chết bằng hình thức thiêu. “Nếu không lấy cốt, thú nuôi nặng 1-6 kg chi phí thiêu là 110.000 đồng/con, từ 7 kg trở lên mức phí là 16.500 đồng/kg. Nếu gia chủ muốn lấy cốt về thì mức phí cho thú nuôi nặng 1-14 kg là 880.000 đồng; trên 15 kg mức phí là 1,1 triệu đồng/con. Thời gian thiêu trong vòng ba tiếng. Điện thoại liên hệ là 028.38755191” - vị này cho biết. Tương tự, Nhà máy xử lý chất thải Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) cũng nhận tiêu hủy xác chó, mèo. Chi phí tiêu hủy là 12.738 đồng hoặc 14.454 đồng/kg tùy thực hiện ban ngày hay ban đêm. Điện thoại liên hệ: 028.37110579. |