TAND quận 11 (TP.HCM) vừa giải quyết một vụ tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại sức khỏe khá ngộ nghĩnh do chó hàng xóm hai lần cắn một đứa trẻ nhà bên cạnh.
Cháu bé xui xẻo
Theo hồ sơ, sáng 20-3, cháu L., bốn tuổi, con của chị H., đi ngang qua nhà bà T. và bị con chó của bà T. chạy ra cắn. Nghe hàng xóm báo tin, chị H. chạy đến và thấy con đang khóc với hai dấu vết chó cắn trên chân phải. Gặp nhau, bà T. nói chị H. cứ đưa cháu đi tiêm ngừa, chi phí bao nhiêu thì bà thanh toán lại.
Nhưng hai ngày sau, bà T. đến nhà chị H. đặt lên bàn 400.000 đồng và nói chỉ có bấy nhiêu, số còn lại chị H. tự lo vì ai bảo để con ra đường cho bị chó cắn. Không đồng ý với cách cư xử của hàng xóm, chị H. nhờ phường giải quyết. Tuy nhiên, việc hòa giải không thành.
Xui sao, trong lúc này, cháu L. khi đang chạy qua nhà bà T. thì một lần nữa bị chú chó xông ra táp một phát vào người.
Từ hai sự kiện trên, chị H. đã khởi kiện đòi phía bà T. phải bồi thường hơn 1 triệu đồng chi phí thuốc men, chích ngừa…
Chỉ hỗ trợ một nửa
Trong quá trình hòa giải, bà T. kiên quyết không bồi thường mà chỉ đồng ý hỗ trợ cho con chị H. nửa số tiền thang thuốc bởi bà nhận thấy mình không có lỗi. Từ đó hai bên nguyên, bị không thể đồng nhất ý kiến dù cán bộ tòa đã hết sức khuyên nhủ. Hòa giải không thành, tòa đưa vụ án ra xét xử.
Ngày xét xử, bà T. kéo gia đình và nhiều người quen biết đến làm chứng cho mình không có lỗi trong việc cháu L. bị chó nhà bà cắn.
Trình bày tại tòa, bà T. bảo con chó bà nuôi chỉ cắn cháu L. một lần vào ngày 20-3 chứ không phải hai lần như mẹ cháu L. nói. Lần đầu, bà đang xích chó và cho ăn trong nhà, bé L. tự ý chạy vào nên mới bị chó cắn. Còn lần thứ hai, cháu L. ôm con chó nhỏ đi ngang qua nhà bà thì chó nhà bà từ trong chạy ra vồ chó con mà cháu L. ôm chứ không cắn cháu. Sự việc khi đưa ra đến công an phường, bà có yêu cầu chị H. đưa cháu đến kiểm tra vết thương chó cắn nhưng chị H. nói cháu đang ngủ không đến được. Vì thế bà chỉ đồng ý hỗ trợ một phần tiền thuốc men tiêm ngừa cho cháu L. là 600.000 đồng cho lần chó cắn lần thứ nhất.
Bị chó cắn thì ráng chịu?
Trước những lý lẽ của bà T., chị H. đã không ít lần khóc và không muốn bà T. bồi thường nữa bởi những từ ngữ bà T. nói làm chị đau lòng. Tuy nhiên, có đôi lúc chị H. cũng chia sẻ là bà T. cần phải có trách nhiệm.
Phần mình, tòa không ít lần khuyên các bên cân nhắc xem xét giải quyết sao cho êm thấm. Bởi giá trị đòi bồi thường là rất nhỏ và chuyện không lớn, mọi người có thể tự xử lý với nhau, không cần phải huy động cả guồng máy tòa án để giải quyết. Cạnh đó, trong vụ kiện còn là tình làng nghĩa xóm. Phải nghĩ đến chuyện sau này hai bên gia đình trong cùng một xóm còn đụng mặt sớm chiều. Vì chút việc vặt mà gây mất tình nghĩa xóm làng là không nên.
Tuy nhiên, bà T. vẫn bỏ ngoài tai và cương quyết với lý lẽ của mình dù những người tham dự tại phiên tòa đều đồng tình với lập luận của HĐXX. Bà T. vẫn khăng khăng bảo chó nhà bà nuôi trong nhà, cháu L. chạy vào bị cắn thì ráng chịu.
Chủ tọa phải cứng rắn để lý giải cho bà rằng sao phải ăn thua với một đứa trẻ. Cháu L. còn bé có thể chưa nhận thức hết sự nguy hiểm đối với mình. Còn bà là người lớn và hơn hết bà là người hiểu rõ nhất tính ý của con vật bà nuôi. Thấy nguy hiểm cho cháu L. sao bà không can mà bỏ mặc hậu quả...
Buộc phải bồi thường
Cuối cùng, HĐXX nhận định bà T. không chứng minh được lúc cháu L. bị chó nhà bà cắn thì con chó đang xích trong nhà và đang ăn cũng như chỉ cắn cháu L. một lần vào ngày 20-3. Việc chó nhà bà cắn cháu L. là có thật, được hai bên xác nhận. Cháu L. không có lỗi. Chị H. chứng minh được sự việc đó bằng những hóa đơn tiêm ngừa và giấy xác nhận tiêm ngừa bệnh dại cho cháu với số tiền như đã yêu cầu. Vì thế, căn cứ vào khoản 1 Điều 625 BLDS, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác…, tòa chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bà T. có trách nhiệm bồi thường số tiền như chị H. đã trình bày.
Kiến nghị xử phạt vì nuôi chó không đúng quy định HĐXX nhận định bà T. không chứng minh được sự tuân thủ pháp luật về việc nuôi chó trong nhà như đăng ký nuôi chó và được chính quyền địa phương cấp sổ quản lý chó. Bà cũng không đeo rọ mõm cho chó và không có người dắt chó khi không xích, thả ra nơi công cộng để chó cắn người… Vì vậy, ngoài việc buộc bà T. bồi thường cho phía bị chó cắn, HĐXX còn kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với bà T. về các vi phạm trên theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân khi nuôi chó phải: - Đăng ký với trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố để lập danh sách trình UBND phường, xã cấp sổ quản lý chó. - Chấp hành quy định tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung của cơ quan thú y. - Thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người; ở các TP, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng và chịu mọi trách nhiệm khi để chó chạy rông cắn người hoặc cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn. (Theo Thông tư số 48/2009 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật) |
HOÀNG YẾN