Tổng cục Thuế mới đây đã có công văn hướng dẫn các cục Thuế tỉnh, thành triển khai hướng dẫn các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cung cấp thông tin theo Nghị định 91/2022. Công văn nêu rõ: Các sàn TMĐT phải cung cấp thông tin về thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn như tên, mã số thuế, định danh cá nhân, CMND/CCCD hoặc hộ chiếu, địa chỉ và số điện thoại.
Riêng đối với sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến thì ngoài các thông tin chung trên, sàn cung cấp thêm thông tin về doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến.
Việc cung cấp thông tin phải thực hiện hằng quý, bắt đầu ngay từ quý IV-2022 và thời hạn chậm nhất là ngày 31-1-2023. Trường hợp không cung cấp thông tin theo đúng quy định sẽ bị phạt 2-16 triệu đồng tùy theo hành vi vi phạm.
“Nắm người có tóc”
Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng xét về tổng thể, việc quy định sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn là phương án tối ưu trong việc quản lý thuế hiệu quả. Từ đó, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế.
“Với quy định này, thay vì hàng trăm ngàn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn TMĐT khai, nộp thuế thay. Như vậy sẽ cắt giảm được thủ tục hành chính cho cơ quan thuế và người nộp thuế” - đại diện Tổng cục Thuế giải thích.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng cho rằng quy định các sàn TMĐT cung cấp thông tin người bán hàng cộng với doanh thu thì cơ quan thuế có thể quản lý được doanh thu thật, ngăn chặn thất thoát thuế.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cho rằng hiện nay hạ tầng công nghệ thông tin ngành thuế đã được ứng dụng rộng rãi. Các sàn TMĐT có thể dễ dàng tổng hợp, nắm thông tin của người bán hàng, doanh thu để tổng hợp cung cấp cho cơ quan thuế.
Vì vậy, việc quản lý thông tin để thu thuế trên sàn TMĐT là phù hợp. Qua đó đảm bảo sự bình đẳng giữa những người kinh doanh TMĐT và kinh doanh truyền thống, ngăn chặn trốn thuế, thất thoát nguồn thu. Với cách thức này, cơ quan thuế sẽ “nắm người có tóc” là các cá nhân, tổ chức kinh doanh online và doanh thu gần đúng thực tế nhất của người bán hàng để thu thuế.
Ví dụ các sàn Tiki, Shopee, Sendo, Lazada... chỉ cần có một trong những thông tin về người bán hàng như mã số thuế hoặc CMND/CCCD, mã số định danh… là được. Cộng thêm doanh thu bán hàng thì cơ quan thuế có thể quản lý thu thuế chợ online.
“Tóm lại với quy định này, số thuế thu từ hoạt động bán hàng online sẽ tăng lên” - ông Xoa đánh giá.
Chủ sàn vẫn còn nhiều băn khoăn
Tuy Tổng cục Thuế và một số chuyên gia đồng tình với quy định trên nhưng Hiệp hội TMĐT (VECOM) lại cho rằng việc quy định các sàn TMĐT phải cung cấp thông tin người bán hàng vẫn còn nhiều vướng mắc. Đặc biệt, một số trường thông tin của người bán hàng được Tổng cục Thuế yêu cầu cung cấp chưa phù hợp với các quy định về TMĐT.
Cụ thể theo quy định tại Nghị định 52/2013 và 85/2021, các thông tin mà sàn TMĐT phải thu thập từ người bán hàng trên sàn không bao gồm thông tin về CMND/CCCD, hộ chiếu, cũng như thông tin tài khoản ngân hàng của người bán hàng. Mặt khác, nếu sàn cung cấp mã số thuế cá nhân hay mã số thuế của tổ chức thì cơ quan thuế đã thu thập rất nhiều thông tin của cá nhân, tổ chức nộp thuế, bao gồm họ tên cá nhân, tên tổ chức, địa chỉ, tài khoản ngân hàng...
|
Các đơn vị kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải khai báo thông tin để tiện cho việc thu thuế. Ảnh: THU HÀ |
“Ngoài ra, các sàn cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý trên cơ sở những thông tin mà họ thu thập được từ người bán hàng và hoàn toàn không đủ vị thế hay thẩm quyền để chịu trách nhiệm thay cho nhà bán hàng trong trường hợp các thông tin cung cấp không chính xác. Trong khi vẫn chưa rõ cơ chế xác định trách nhiệm trong trường hợp thông tin của nhà bán hàng không chính xác” - đại diện VECOM băn khoăn.
Từ các vướng mắc trên, VECOM và nhiều doanh nghiệp (DN) trong hiệp hội đề xuất việc báo cáo, cung cấp thông tin ở mức hợp lý, bám sát quy định pháp luật hiện hành; không vượt quá quyền hạn, trách nhiệm của DN sàn TMĐT.
Đại diện một sàn TMĐT lớn cũng nêu quan điểm: Kỳ cung cấp thông tin mà Tổng cục Thuế đưa ra là hằng quý, bắt đầu từ quý IV-2022 khiến các sàn khó có khả năng đáp ứng được. Bởi lẽ với lần đầu triển khai sẽ có nhiều vấn đề phát sinh giữa cơ quan thuế và các sàn, trong khi thời điểm cuối năm rất bận rộn lại cộng thêm kỳ nghỉ tết Nguyên đán vào cuối tháng 1. Hơn nữa, việc cung cấp một khối lượng thông tin rất lớn đồng loạt đến từ các sàn có thể sẽ dẫn đến phát sinh nhiều sự cố kỹ thuật trong việc kết nối, truyền tải thông tin.
“Từ thực tế trên, chúng tôi đề nghị Tổng cục Thuế chuyển thời gian cung cấp thông tin định kỳ hằng quý thành hằng năm, cùng với thời hạn nộp quyết toán thuế thu nhập cá nhân (tức ngày 30-4 hằng năm) để giảm bớt gánh nặng tổng hợp thông tin cho cả cơ quan thuế và các sàn” - vị đại diện sàn TMĐT kiến nghị.
Lo lộ thông tin gây thiệt hại cho doanh nghiệp
Đại diện Hiệp hội TMĐT (VECOM) đề nghị Tổng cục Thuế có quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên liên quan trong nghĩa vụ cung cấp thông tin. Theo đó, nhà bán hàng cần phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin đúng, chính xác và sàn không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp thông tin không chính xác hay do hệ thống chặn nộp tờ khai vì các lý do định dạng dữ liệu hay thông tin còn thiếu... dẫn đến sự chậm trễ trong việc cung cấp thông tin.
Bên cạnh đó, các sàn TMĐT kiến nghị Tổng cục Thuế có giải pháp đảm bảo an toàn bảo mật, trách nhiệm bảo mật thông tin và cơ chế xử lý vi phạm đối với các trường hợp làm lộ thông tin, gây thiệt hại cho DN.
“Bảo mật thông tin là vấn đề sống còn của mỗi DN, nhất là trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin. Hiệp hội cùng các sàn TMĐT đã nhiều lần đặt câu hỏi về những vấn đề trên nhưng đến nay chúng tôi cũng như các sàn vẫn đang chờ phản hồi từ cơ quan quản lý” - đại diện VECOM nêu rõ.