“Chúng tôi sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý nghiêm, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đánh bạc”. Lãnh đạo một số cơ quan chức năng ở tỉnh Đồng Nai khẳng định như trên khi Pháp Luật TP.HCM ngày 6-4 đăng bài “Sạch túi vì game bắn cá”, phản ánh tình trạng cờ bạc trá hình núp bóng dưới dạng trò chơi game bắn cá đang rộ lên ở địa phương.
Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết hình thức trò chơi điện tử, cụ thể là game bắn cá mà người chơi với số tiền thắng thua từ 2 triệu đồng trở lên thì có thể xem đây là một hình thức cờ bạc và có thể bị khởi tố hình sự.
“Hiện Công an tỉnh Đồng Nai cũng đang thực hiện chuyên đề phòng, chống cờ bạc với mọi hình thức. Vì vậy trong thời gian tới, cơ quan công an sẽ có những kế hoạch cụ thể để làm rõ việc chơi điện tử có dấu hiệu cờ bạc trá hình. Nếu phát hiện đúng như báo chí và người dân phản ánh, cơ quan chức năng sẽ cương quyết xử lý ngay” - Thượng tá Thọ khẳng định.
Một điểm chơi game bắn cá tại đường Đồng Khởi (phường Tân Phong). Ảnh: VŨ HỘI
Thượng tá Trần Tiến Đạt, Trưởng Công an TP Biên Hòa, cũng nhận định thời gian gần đây có nghe nhiều người dân phản ánh trò bắn cá là một hình thức cờ bạc trá hình. Sắp tới, Công an TP Biên Hòa sẽ chỉ đạo các tổ trinh sát, đơn vị nghiệp vụ làm rõ điều này, từ đó có hướng xử lý nghiêm. Nếu trò chơi này trở thành vấn nạn cho gia đình và có những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, cơ quan công an sẽ đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại việc cấp phép hoạt động cho các loại máy game này.
Phó phòng Tài chính - Kế hoạch TP Biên Hòa Võ Văn Châu cho biết theo quy định hiện hành, trò chơi bắn cá không bị cấm kinh doanh, được xếp vào loại hình kinh doanh trò chơi điện tử. Tuy nhiên, gần đây trên địa bàn TP Biên Hòa bỗng nhiên xuất hiện ồ ạt với gần 130 điểm kinh doanh trò chơi điện tử, game bắn cá.
“Nhận thấy dư luận xã hội đang lên tiếng phản ánh về trò chơi bắn cá với hình thức cờ bạc trá hình, đơn vị đã kiến nghị UBND TP Biên Hòa chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, phối hợp tìm hiểu tính chất của trò chơi điện tử này để có biện pháp xử lý ngay” - ông Châu thông tin.
Không được lợi dụng trò chơi để đánh bạc Theo Nghị quyết 01/2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, việc đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép đều là đánh bạc trái phép. Trong trường hợp kinh doanh máy bắn cá không đổi ngược ra tiền thì không phải là hành vi tổ chức đánh bạc, chỉ là hoạt động giải trí thông thường, do vậy pháp luật không hạn chế hành vi kinh doanh này. Còn trường hợp nơi kinh doanh trò chơi này mua lại thẻ của người chơi thì đó chính là hành vi vi phạm pháp luật, tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị xử lý hình sự về tội tổ chức đánh bạc. Nghị định 72/2013 và Thông tư 24/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng quy định hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật là hành vi bị cấm. Ngoài ra, theo quy định, không được tổ chức trò chơi điện tử có giải thưởng bằng tiền hoặc mang tính chất đánh bạc. Không được kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử ở địa điểm cách cổng ra vào của các trường học (từ mẫu giáo đến THPT) dưới 200 m, không phân biệt trường đó thuộc địa phương nào, không được hoạt động quá 12 giờ đêm... Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM PHƯƠNG LOAN ghi |