Chốt - không để kiểm tra phòng ngừa tội phạm, mà là nơi kiểm soát kẻ thù vô hình, không để chúng lây nhiễm ra cộng đồng.
Chốt - nơi góp sức của nhiều lực lượng, là tuyến đầu của cả một chiến thuật quy mô binh chủng hợp thành, với sự góp mặt của nhiều lực lượng khác nhau. Công an, y tế, dân quân, chính quyền địa phương, tổ tự quản thôn. Khác với thời chiến tranh biên giới chỉ có ta với địch, ở đây thì bên này chốt là quân ta, bên kia chốt là quân mình.
Chốt - là nơi giám sát mọi người về sức khỏe, nơi bắt buộc ai ra vào cũng phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt.
Chốt - Nghiêm khắc.
Chốt - Tình cảm, hòa đồng...
Chốt... sẽ có rất nhiều người khi nhìn nhận và định nghĩa một cách khác nhau tùy theo góc độ của mình.
Chốt - khi ngày 17-3 được lập ra thì đối với nhiều người đây là nơi có vẻ khó gần. Đến chiều qua là 28 ngày, thì nó đã rất đỗi thân thương.
Cậu bé thôn Văn Lâm ban đầu rụt rè xin chụp ảnh, hồi lâu đã ngồi gọn vào lòng chú công an.
Có lẽ chưa bao giờ hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân, quân đội nhân dân, dân quân tự vệ, lực lượng y tế và chính quyền địa phương lại trở nên gần gũi và đáng yêu như thời gian qua.
Nhắc nhở, đeo khẩu trang cho em nhỏ, đo nhiệt độ, phun thuốc khử trùng, giám sát người ra vào, bảo đảm an ninh trật tự khu vực... Có khi giúp người dân sáng nhận cháo, chiều nhận rau, toàn những nhiệm vụ có tên và không tên.
Có những người Văn Lâm 3 nhắn tin "Nhà ở gần chốt, nhiều lúc muốn pha một ly nước chanh đem ra cho các anh..."; "Có lúc 3 giờ sáng, đi ra ngoài sân, nhìn qua chốt thấy mấy anh em còn thức. Chợt thấy thương ghê, cảm xúc quý mến khó tả thành lời".
Có cậu bé Thiện Nhân coi các chú công an là thần tượng và xin được chụp ảnh chung, nhiều cô gái "rắp tâm" đến ngày cuối sẽ chạy tới ôm những người ở chốt một cái...
Một thùng nho, vài chục trái dưa hấu, vài chai mật ong, gói trà giải nhiệt hay một hộp bánh ướt được gửi đến chốt, không tên người, không dòng địa chỉ, nó như một lời nhắn nhủ động viên của người mẹ, người chị, người em...
Nhớ lại lời Bác Hồ đã dạy: "Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm". Họ đã làm hết sức và kết quả không có số liệu nào để so sánh nhiều hay ít. Chỉ cần nhìn trong ánh mắt người dân, trong những thổ lộ cảm xúc biết ơn của nhiều người khi chốt chính thức được gỡ bỏ.
Một bạn trẻ tâm sự: "Sáng nay chạy ra đường, không còn rào chắn, không còn ai ngăn lại... Chợt thấy như Văn Lâm thiếu đi một cái gì đó thân thương mà không sao diễn tả hết được".
Gỡ bỏ cách ly, những người ở chốt lại trở về với công việc chuyên môn hằng ngày. Có những người gần một tháng nay mới về nhà. Những hy sinh riêng tư ấy đã góp phần vào niềm vui và hạnh phúc của người dân.
Chốt cách ly không ai mong muốn được thấy lần nữa. Nhưng có lẽ nhiều năm sau này, hẳn vẫn sẽ còn trong ký ức của nhiều người dân Văn Lâm. Ký ức về những ngày bi thương nhưng thấm đẫm tình cảm yêu thương:
Những hình ảnh đầy yêu thương tại Văn Lâm 3 trong 28 ngày thực hiện cách ly: