Nguồn viện trợ Mỹ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga đang phải đối mặt với một trở ngại mới tại Quốc hội sau khi Hạ viện Mỹ bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Sự việc này tạo cơ hội cho những người theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa ngăn chặn vòng viện trợ tiếp theo cho Kiev.
Hôm 28-9, Mỹ đã công bố gói viện trợ mới nhất cho Ukraine trị giá 300 triệu USD. Gói này được Hạ viện thông qua với tỉ lệ áp đảo, 331 phiếu thuận/117 phiếu chống. Tuy nhiên, diễn biến gây chú ý là toàn bộ 117 phiếu chống đều đến từ đảng viên Cộng hòa, phần lớn trong số này là phe cực hữu - những người vừa lật đổ ông McCarthy.
Theo hãng tin Bloomberg, số phận của viện trợ Mỹ cho Ukraine giờ đây phụ thuộc rất nhiều vào chủ tịch Hạ viện tiếp theo - người sẽ phải lèo lái một đảng đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề này.
Thái độ của các ứng viên chủ tịch Hạ viện về Ukraine
Những ứng viên kế nhiệm ông McCarthy có quan điểm khác nhau về Ukraine.
Người đầu tiên tuyên bố tranh cử ghế lãnh đạo Hạ viện là hạ nghị sĩ Jim Jordan của bang Ohio. Ông Jordan cũng là chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện - một chức vụ vô cùng quan trọng trong Hạ viện.
Ngày 4-10, ngay sau khi thông báo tranh cử, ông Jordan đã thẳng thắn tuyên bố ông sẽ phản đối viện trợ cho Ukraine nếu được bầu làm chủ tịch Hạ viện. Ông cũng là một trong 117 người bỏ phiếu phản đối gói viện trợ Kiev hôm 28-9.
“Vấn đề cấp bách nhất trong tâm trí người Mỹ không phải là Ukraine - đó là tình hình biên giới và tội phạm trên đường phố” - vị hạ nghị sĩ nói thêm.
Theo giới phân tích, nếu ông Jordan nắm quyền Hạ viện, thái độ của ông đối với viện trợ Ukraine sẽ cứng rắn hơn ông McCarthy.
Một ứng viên khác cũng phản đối khoản viện trợ 300 triệu cho Ukraine hôm 28-9 là hạ nghị sĩ Kevin Hern của bang Oklahoma - người vừa cho biết ông sẽ xem xét việc tranh cử vị trí lãnh đạo Hạ viện.
Trước khi bỏ phiếu về gói viện trợ, ông Hern đã nhắn gửi Tổng thống Joe Biden rằng ông Biden cần “ngồi xuống và trao đổi” với những người không ủng hộ gói viện trợ về “tiền thuế mà người dân Mỹ nộp sẽ đi về đâu và mọi chuyện khi nào sẽ kết thúc”.
Người cuối cùng đã tuyên bố tranh cử tính tới thời điểm này là Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa ở Hạ viện Steve Scalise. Trái với hai ứng viên trên, ông Scalise được đánh giá là người thân thiện hơn với viện trợ Ukraine. Ông đã bỏ phiếu ủng hộ gói viện trợ mới trong cuộc họp tuần trước.
Dù vẫn còn những người ủng hộ, nhưng sự nhiệt tình của các đảng viên Cộng hòa trong việc viện trợ Ukraine đã giảm đáng kể.
Theo một cuộc khảo sát của Hội đồng Chicago (Mỹ) về các vấn đề toàn cầu trong giai đoạn đầu của xung đột Nga-Ukraine được công bố ngày 4-10, có 80% đảng viên Dân chủ và Cộng hòa nói rằng họ ủng hộ Kiev. Đến nay, tỉ lệ ủng hộ ở đảng Dân chủ giảm nhẹ trong khi tỉ lệ ủng hộ của đảng viên Cộng hòa đã giảm mạnh, xuống còn 50%.
Lo ngại tăng cao
Trước tình hình không chắc chắn về tương lai của viện trợ Mỹ cho Kiev sau rắc rối ở Hạ viện cũng như những đồn đoán về việc Ukraine sắp hết đạn dược, Tổng thống Biden ngày 4-10 đã bày tỏ lo ngại.
“Điều đó làm tôi lo lắng. Nhưng tôi biết đa số thành viên Hạ viện và Thượng viện từ cả hai đảng đều nói rằng họ ủng hộ việc tài trợ cho Ukraine” - ông Biden nói với phóng viên tại Nhà trắng.
Cảm nhận được tình hình cấp bách hiện tại, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông đang lên kế hoạch cho một bài phát biểu về sự cần thiết phải hỗ trợ cho Kiev.
“Tôi sẽ đưa ra lập luận rằng việc Ukraine thành công hoàn toàn có ích cho quyền lợi của Mỹ” - ông Biden nói thêm.
Không chỉ riêng ông Biden, nhiều nhà lập pháp từ Thượng viện cũng bày tỏ sự lo lắng.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn (bang Texas) nói rằng hành động bãi nhiệm ông McCarthy khiến việc thực hiện một số ưu tiên, trong đó có viện trợ Ukraine trở nên khó khăn hơn.
“Việc bãi nhiệm có nghĩa là chúng tôi không thể làm những việc khác mà tôi muốn làm. Đặc biệt là tìm ra cách tiếp tục hỗ trợ Ukraine và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu trong cuộc chiến với Nga” - ông Cornyn nói.
Thượng nghị sĩ Jack Reed (bang Rhode Island) chỉ trích những diễn biến gần đây ở Hạ viện “tạo ra rất nhiều điều không chắc chắn” và là “một mối đe dọa”. Cũng theo ông Reed, nếu chủ tịch mới của Hạ viện phản đối viện trợ cho Ukraine thì đây “sẽ là một thảm họa đối với Mỹ và thế giới”.
Tương tự, thượng nghị sĩ Dân chủ Dick Durbin (bang Illinois) cũng nói rằng ông “tất nhiên” lo ngại cho viện trợ Ukraine và hy vọng rằng Hạ viện sẽ nhanh chóng giải quyết những hỗn loạn.
“Hạ viện đang rơi vào tình trạng hỗn loạn vào thời điểm khó khăn này, nhưng tôi hy vọng rằng họ sẽ giữ được cái đầu lạnh để giải quyết mọi chuyện” - ông Durbin chia sẻ.
Về phía Ukraine, ngày 4-10, Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược gây ra nhiều khó khăn cho quân đội Ukraine, đồng thời nói rằng Kiev “sẽ làm mọi thứ” để duy trì sự hỗ trợ từ Mỹ và châu Âu trong cuộc chiến với Nga.
“Mỹ đã không làm chúng tôi thất vọng. Mặc dù có những tiếng nói khác nhau giữa các đại diện của đảng Cộng hòa. Nhưng phần lớn, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều ủng hộ Ukraine” - theo ông Zelensky.