Chủ tịch Quốc hội: Chỉ đưa vào luật những nội dung đủ 'chín'

(PLO)- Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) khai mạc phiên họp nhằm tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết sẽ thông qua tại đợt 2 của kỳ họp thứ năm.

Lắng nghe đầy đủ, giải trình thỏa đáng

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho hay QH khóa XV đã hoàn thành đợt 1 của kỳ họp thứ năm với 17 ngày làm việc, cơ bản hoàn thành các nội dung đã đề ra. Tại đợt 2 của kỳ họp sắp tới, QH sẽ chủ yếu tiến hành biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội: “Chỉ đưa vào luật những nội dung đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình, đủ “chín”, đủ “rõ”, cấp bách, có sự đồng thuận, thống nhất cao”. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch Quốc hội: “Chỉ đưa vào luật những nội dung đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình, đủ “chín”, đủ “rõ”, cấp bách, có sự đồng thuận, thống nhất cao”. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo đó, từ ngày 12-6, Ủy ban Thường vụ QH sẽ liên tục tổ chức họp để cho ý kiến về các dự án luật, dự thảo nghị quyết sẽ trình QH xem xét, thông qua tại đợt 2 của kỳ họp.

Chủ tịch QH nêu rõ Ủy ban Thường vụ QH dự kiến sẽ cho ý kiến về tám dự án luật, trong đó có sáu dự án luật đã được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư; hai dự án luật đã được bổ sung để thông qua theo quy trình một kỳ họp.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ QH cũng cho ý kiến về chín dự thảo nghị quyết.

Những nội dung chưa “chín”, chưa đủ rõ, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa đánh giá tác động đầy đủ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng.

Chủ tịch QH đề nghị các đại biểu, cơ quan hữu quan cần thực sự cầu thị, tích cực lắng nghe để tiếp thu, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của các cơ quan, các đại biểu QH.

Với mong muốn nâng cao chất lượng của hệ thống thể chế pháp luật lên mức cao nhất, Chủ tịch QH đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì cần đảm bảo không có bất kỳ ý kiến nào của đại biểu QH không được tiếp thu, giải trình một cách thỏa đáng.

Người đứng đầu QH yêu cầu việc thực hiện tiếp thu, giải trình, chỉnh lý cần đảm bảo đúng theo quy trình, nguyên tắc quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đưa vào luật những nội dung đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình, đủ “chín”, đủ rõ, cấp bách, có sự đồng thuận, thống nhất cao. Những nội dung chưa “chín”, chưa đủ rõ, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa đánh giá tác động đầy đủ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng.

Hoàn thiện dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM

Theo chương trình nêu trên, Ủy ban Thường vụ QH cũng cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 2021; một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ QH còn cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo: Nghị quyết chung kỳ họp (trong đó có nội dung về giảm thuế giá trị gia tăng; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét; chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam); Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của QH năm 2024.

Tuyệt đối tránh cài cắm lợi ích nhóm khi xây dựng luật

Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh cần đảm bảo tinh thần công khai, minh bạch, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tuyệt đối tránh cài cắm lợi ích nhóm, trục lợi chính sách trong công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật.

Chủ tịch QH nêu rõ: Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ QH chịu trách nhiệm chính trong giai đoạn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý. Khi Ủy ban Thường vụ QH thống nhất ý kiến sẽ hình thành phương án xin ý kiến cơ quan trình.

Đánh giá sáng kiến chia kỳ họp làm hai đợt để có thời gian tiếp thu, giải trình, chỉnh lý là hợp lý, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng cần tiến hành công việc càng sớm càng tốt, tận dụng thời gian nghỉ giữa hai đợt để triển khai khẩn trương, kịp thời công việc.

Theo chương trình dự kiến, từ ngày 12 đến 15-6, Ủy ban Thường vụ QH sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện tám dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ QH cũng cho ý kiến về dự thảo nghị quyết về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng thời, cho ý kiến dự thảo về nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 (Khánh Hòa) kết nối với hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận…•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm