Chủ tịch UBND TP.HCM kêu gọi người dân đăng ký hiến tặng mô, tạng

(PLO)- TP.HCM cam kết đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện để phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng được đồng bộ, hiệu quả và kịp thời.

Ngày 30-12, Bộ Y tế phối hợp UBND TP.HCM tổ chức Lễ phát động "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - cho đi là còn mãi".

Chương trình nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng về việc hiến mô, tạng - một nghĩa cử cao đẹp góp phần mang lại hy vọng sống cho hàng nghìn bệnh nhân. Thông qua sự kiện, Ban tổ chức kêu gọi sự tham gia đăng ký hiến mô, tạng tự nguyện của người dân trên cả nước.

Lễ phát động "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - cho đi là còn mãi". Ảnh: Đ.P

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP cam kết sẽ đầu tư thỏa đáng cơ sở vật chất, điều kiện để triển khai phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng một cách thuận lợi, đồng bộ, hiệu quả và kịp thời.

TP.HCM sẽ chỉ đạo ngành y tế, sở ngành các cấp triển khai công tác đồng bộ, tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động.

Đặc biệt, TP sẽ nghiên cứu để có các chính sách, hình thức tôn vinh, động viên các tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng, góp phần thúc đẩy công tác này được tốt hơn trong thời gian tới.

Tại lễ phát động, bà Đào Hồng Lan, Bộ Trưởng Bộ Y tế, cho rằng hiện nay, Việt Nam đã làm chủ được chuyên môn, kỹ thuật công nghệ và tổ chức điều phối thực hiện ghép tạng. Tuy nhiên, nguồn hiến mô, tạng từ người sau chết vẫn còn khan hiếm so với nhu cầu người bệnh được ghép.

Bà Đào Hồng Lan, Bộ Trưởng Bộ Y tế, phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: Đ.P

Tỉ lệ hiến tạng Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới, trong khi đó, tỉ lệ ghép lại cao nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 1.000 ca/năm. Dù số lượng được ghép cao như vậy nhưng danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn rất dài. Mỗi ngày, có rất nhiều người không có tạng để ghép, có người chờ được, có người ra đi trong tuyệt vọng vì không có tạng để ghép.

“Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống 6-8 người, giúp cải thiện sức khỏe cho gần 100 người, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội. Ngoài ra, hành động này góp phần lan tỏa giá trị nhân văn, tinh thần tương thân tương ái, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam” - bà Lan nói.

Đại diện các đơn vị, tổ chức kêu gọi người dân đăng ký hiến tặng mô, tạng. Ảnh: L.D

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, Việt Nam có từ 10-12 ca hiến tạng sau khi chết não. Năm 2024, Việt Nam có 39 ca chết não được gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng. Con số này chiếm gần 13% trong tổng số ca ghép tạng. Đây được coi là kỷ lục về ca hiến tạng tại Việt Nam.

Theo bà Lan, để đạt được số ca hiến gọi là kỷ lục ở giai đoạn này, bên cạnh công tác truyền thông, các bệnh viện cần đẩy mạnh công tác tư vấn, vận động tại bệnh viện, thành lập tổ tư vấn để vận động tới gia đình khi phát hiện có bệnh nhân chết não tiềm năng.

“Điều đặc biệt là cần sự vào cuộc của cả cộng đồng xã hội, chung tay ủng hộ việc hiến tặng mô, tạng sau chết não; cần sự hoàn thiện về pháp luật để nguồn hiến mô, tạng phát triển trong thời gian tới” - Bộ Trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới