Chủ tịch VEC giải thích lý do cấm hai ô tô vào cao tốc

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E), xác nhận việc đơn vị này vừa quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với hai phương tiện có biển số 51A-558.50 và 51G-772.56 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác.

Nguyên nhân là trước đó hai phương tiện này đã có hành vi cố tình dừng xe ở trước trạm thu phí, không thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên trạm, gây ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực.

Theo bà Phương, việc từ chối vĩnh viễn hai phương tiện trên được thực hiện theo Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10-1-2019 về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác. 

Phương tiện dừng giữa làn thu phí của trạm, nhiều người trên xe xuống "làm khó" các nhân viên. Ảnh cắt từ clip

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), thừa nhận quy định trên do VEC đưa ra.

Nguyên nhân, thời gian qua, các quy định pháp luật liên quan đến việc quản lý, khai thác trên các tuyến cao tốc còn hạn chế. Trong quá trình vận hành, khai thác VEC nhận ra những hành vi phát sinh chưa được cụ thể hóa bằng luật. Bên cạnh đó, các hành vi như dừng đỗ, hành hung nhân viên, đi ngược chiều trên cao tốc… gây nguy hiểm đến tính mạng người khác, nên có đưa ra một số nội quy nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

“Ngoài biện pháp nhắc nhở, VEC đưa ra các biện pháp xử phạt, nặng nhất là từ chối phục vụ phương tiện vi phạm. Mục tiêu duy nhất của VEC là tăng cường ý thức cho người dân, đảm bảo các phương tiện lưu thông trên cao tốc được an toàn. Vì nếu xảy ra tai nạn hay sự cố trên cao tốc thì hậu quả rất lớn. Tóm lại, chúng tôi hoàn toàn vì người dân…”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ông Tuấn Anh cho rằng mong muốn của VEC là hoàn thiện văn hóa giao thông, nếu không cao tốc sẽ sớm trở thành đường… làng. “Lúc đó, các tài xế tha hồ dừng đỗ, bắt khách, gây rối, chở quá tải… Tôi mong người dân ủng hộ, tham gia giao thông ý thức hơn, giúp những chuyến đi thông thoáng, an toàn…”, ông Tuấn Anh nói.

Việc cấm vĩnh viễn xe vào cao tốc chưa có trong quy định pháp luật. Ảnh minh hoạ 

Tuy nhiên, các chuyên gia luật đều cho rằng việc từ chối phục vụ vĩnh viễn phương tiện như trên là không đúng luật. LS Trương Thanh Đức, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng việc VEC E phát đi thông cáo báo chí và dẫn quy định số 13/2019 của Hội đồng thành viên VEC là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Theo đó, việc cấm phương tiện di chuyển trên đường phải được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.

“Hiện nay không có điều luật nào cấm vĩnh viễn xe ô tô di chuyển trên đường. Trong trường hợp này, BOT là dạng hợp đồng hành chính công, có yếu tố thứ 3 (Nhà nước- PV), nên doanh nghiệp hoàn toàn không có quyền từ chối phục vụ", luật sư Đức nhấn mạnh.

Theo VEC E, vào lúc 18 giờ 20 phút ngày 10-2, trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành- Dầu Giây, xe ô tô 51A-558.50 di chuyển vào làn thu phí số 7, hướng từ Long Thành về TP HCM.

Khi đến cabin thu phí, mặc dù đã nhận được tín hiệu từ nhân viên thu phí nhưng người điều khiển phương tiện không trả thẻ thu phí và tiền phí mà cố tình dừng tại làn thu phí. Đồng thời để nhiều người già, phụ nữ và trẻ em xuống xe, cố tình gây rối tại làn thu phí và lôi kéo các phương tiện ở các làn khác gây ách tác giao thông. Sau đó, xe 51G-772.56 có các hành vi tương tự tại làn số 8. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới