Ngày 11-2, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VN, VEC) đã chính thức lên tiếng về công tác tổ chức thu phí và giám sát thu phí trên các tuyến cao tốc do đơn vị này quản lý.
Giám sát qua nhiều khâu
Theo đó, ngay sau khi xảy ra vụ cướp tiền vào sáng 7-2 (mùng 3 Tết Kỷ Hợi) tại trạm thu phí Dầu Giây, trên mạng xã hội xuất hiện một số luồng thông tin đặt vấn đề về doanh thu thu phí của tuyến cao tốc này nói riêng và tính minh bạch trong công tác thu phí của các tuyến cao tốc do VEC quản lý, vận hành, khai thác nói chung.
Thông tin lại về vấn đề này, VEC cho biết đơn vị là doanh nghiệp nhà nước và được giao làm chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác bốn tuyến đường bộ cao tốc gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Các dự án của VEC không phải dự án BOT.
Theo VEC, để bảo đảm công tác thu phí chính xác, công khai và minh bạch, ngoài bộ phận hậu kiểm, giám sát nội bộ thu phí của các đơn vị vận hành khai thác các tuyến cao tốc do VEC quản lý (VEC O&M, VEC S, VEC E), còn có Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc VN (VEC M) là đơn vị độc lập.
Việc giám sát, hậu kiểm quá trình tổ chức thu phí được VEC thực hiện 24/24 giờ, qua nhiều khâu, nhiều bộ phận tham gia, từ giám sát trực tiếp tại hiện trường, giám sát qua màn hình khổ lớn đến giám sát qua hệ thống camera, phần mềm và bố trí bộ phận hậu kiểm rà soát, kiểm tra lại.
Hình ảnh các thông tin của máy tính tại cabin thu phí cũng như hình ảnh tại các cabin thu phí đều được truyền trực tiếp về văn phòng giám sát hiện trường của Trung tâm VEC M.
Dữ liệu thu phí định kỳ được sao lưu để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm. Trong đó bao gồm các tập tin cơ sở dữ liệu, các tập tin hình ảnh chụp phương tiện lưu thông qua trạm, các tập tin video liên tục giám sát làn được sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu năm năm. Các tập tin video giám sát cabin và giám sát toàn cảnh được sao lưu dưới dạng tệp dữ liệu và lưu giữ tối thiểu một năm theo đúng quy định hiện hành.
Công tác tổ chức thu phí, giám sát, hậu kiểm và giám sát hậu kiểm của VEC tuân thủ các quy định hiện hành, phù hợp với từng điều kiện hiện trường tại mỗi dự án đường cao tốc, bảo đảm công khai, minh bạch.
Cao tốc Long Thành - Dầu Giây, một trong những dự án được VEC quản lý, vận hành. Ảnh: HOÀNG GIANG
Hợp tác với các ngân hàng để thu phí
“Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ VN và các cơ quan bảo vệ pháp luật thường xuyên có các đợt kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác vận hành khai thác, thu phí trên các tuyến đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư…” - đại diện VEC khẳng định.
VEC cũng ký hợp đồng hợp tác với các ngân hàng để tổ chức thu tiền thu phí. Ngày bình thường, ngân hàng trực tiếp đến thu tiền tại các trạm thu phí định kỳ một ngày/lần, các ngày lễ, Tết hai ngày/lần hoặc theo yêu cầu của VEC.
Mức thu phí, VEC tuân thủ theo quy định tại Quyết định số 3789/2016 của Bộ GTVT về việc phê duyệt phương án tài chính năm dự án đường cao tốc do VEC là chủ đầu tư và các quy định liên quan…
“Về chế độ báo cáo, hằng ngày và hằng tháng, các đơn vị được VEC giao thu phí trên các tuyến cao tốc đều có báo cáo về lưu lượng và doanh thu từng trạm gửi về VEC. Định kỳ hằng quý, VEC báo cáo Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN về lưu lượng và doanh thu thu phí của các tuyến cao tốc theo yêu cầu của Bộ GTVT…” - đại diện VEC thông tin.
Tiền thu phí ưu tiên trả nợ các khoản vay Theo VEC, việc quản lý, sử dụng tiền thu phí các dự án đường cao tốc do VEC đầu tư, quản lý được thực hiện theo phương án tài chính các dự án được phê duyệt và quy chế quản lý, sử dụng tiền thu phí; quy chế quản lý nợ và các quy định, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền. Trong đó, tiền thu phí đường cao tốc được ưu tiên để trả nợ các khoản vay, chi phí cho công tác quản lý, bảo trì, thu phí đường cao tốc. |