Ngày 15-12, TAND TP Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục xét xử vụ 33 hộ dân kiện đòi các doanh nghiệp (DN) chế biến hải sản bồi thường thiệt hại. Các nguyên đơn cho rằng do DN xả thải ra môi trường khiến cá nuôi lồng bè trên sông Chà Và chết hàng loạt vào tháng 9-2015.
Tham gia phiên tòa, Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng cá nuôi của người dân bị chết vào tháng 9-2015 là do ô nhiễm môi trường từ việc xả thải của các nhà máy chế biến hải sản. Ngay sau khi có hiện tượng cá chết, đoàn kiểm tra đã đi xuống từng hộ nuôi kiểm tra, ghi nhận thực tế, thống kê thiệt hại và hướng dẫn người dân cách khắc phục. Mẫu nước cũng được lấy để đưa đi giám định tại Viện Môi trường-Tài nguyên (MT-TN). Qua điều tra bằng phương pháp chạy mô hình chất lượng nước, Viện MT-TN kết luận 76,64% nguyên nhân cá chết là do ô nhiễm từ việc xả thải của các nhà máy. Kết quả xét nghiệm cho thấy có những thông số là nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm nguồn nước cao gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép…
Quang cảnh phiên tòa xử vụ dân kiện doanh nghiệp xả thải làm cá chết ngày 15-12, tại TAND TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: TRÙNG KHÁNH
Trên cơ sở trình bày của các cơ quan chức năng, các hộ dân lần lượt nêu con số thiệt hại cũng như mức yêu cầu bồi thường. Trong số đó, hộ ông Lê Văn Thuận bị thiệt hại 40 lồng bè với khoảng 1.500 con cá bớp thành phẩm, loại gần 8,5 kg/con, tính ra giá trị hơn 1,9 tỉ đồng. Ông Thuận yêu cầu các DN bồi thường cho ông theo cách tính lấy mức thiệt hại là 76,64%, theo báo cáo kết quả của Viện MT-TN.
Ngoài ông Thuận, nhiều hộ khác cũng chọn cách tính thiệt hại như trên. Cạnh đó, một số hộ lại yêu cầu các DN bồi thường tỉ lệ 100%.
Do có sự không thống nhất giữa các hộ dân, tòa cho rằng nếu giữ nguyên quan điểm như trên là không công bằng. Do vậy, tòa cho phép tạm dừng phiên tòa 15 phút để các hộ dân hội ý, đưa ra tỉ lệ tính thống nhất. Sau ít phút, được sự giải thích cặn kẽ của các luật sư và cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các hộ dân đều thống nhất tỉ lệ tính thiệt hại là 76,64%.
Đại diện phía các DN trình bày không đồng tình với bản kết luận của Viện MT-TN. Họ yêu cầu tòa cho giám định lại và bằng một cơ quan cấp trên của viện. Các DN cũng yêu cầu được đối chất với các nhân chứng làm rõ việc mua cá giống của các hộ dân…
Các nhân chứng thì đều khẳng định việc mua bán có hóa đơn, chứng từ, không gian dối để kê khống thiệt hại giùm các hộ dân.
Trước yêu cầu giám định lại của DN, đại diện Viện MT-TN cũng như Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều cho rằng không thể thực hiện. Bởi hiện nay mẫu nước giám định đã quá lâu, không thể giám định lại. Cạnh đó, Viện MT-TN cũng cho rằng chức năng giám định của viện là đúng; phương pháp giám định của viện là phương pháp phổ biến trên thế giới, các thông số đều dựa theo tài liệu của cơ quan chức năng cung cấp. Vì vậy việc giám định lại là không cần thiết.
HĐXX cũng đã hỏi các DN về tổng mức đầu tư chi cho xây dựng hệ thống xử lý môi trường của các DN. Theo đại diện cơ quan thẩm định, việc đầu tư thường chiếm 10%-20% chi phí đầu tư nhà máy của DN, các hệ thống xử lý nước thải đa số đạt yêu cầu nhưng quan trọng là việc vận hành hệ thống ảnh hưởng tới chất lượng nước thải…
Hôm nay (16-12) tòa tiếp tục xét xử.