Tết Ất Mùi năm nay, ngoài bưởi hồ lô, dưa hấu hình thỏi vàng độc đáo và lạ mắt, nhà vườn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục sáng tạo ra nhiều sản phẩm giới thiệu đến người tiêu dùng.
“Cháy hàng” dưa hấu thỏi vàng, bưởi hồ lô
Năm nay, ông Lê Thanh Liêm (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đưa ra thị trường loại dưa hấu hình thỏi vàng có chữ “Tài, Lộc” bằng lối viết thư pháp tiếng Việt nổi lên bề mặt trái dưa với giá 3,5 triệu đồng/cặp; dưa hấu vuông loại 1,7 kg/trái giá khoảng 1,3 đến 1,7 triệu đồng/cặp. Giá cao nhưng sản phẩm thu hoạch được bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu song cũng chỉ đủ giao cho mối quen!
Ông Liêm chia sẻ: “Mỗi trái dưa nặng từ 2,2 đến 2,5 kg, dưa hấu thỏi vàng ra đời được khách hàng khắp nơi tìm đến mua. Sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp. Tạo hình dưa hấu rất công phu và mất nhiều tâm huyết, chăm dưa như chăm con mọn, chỉ cần sai một chút là bao nhiêu công sức trôi ra sông biển”.
Bưởi lễ cát tường - nét lạ của trái cây tết miền Tây năm nay. Ảnh: GIA TUỆ
Bưởi hồ lô của nhà vườn Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) bưởi tạo hình xã Phú Tân (Châu Thành, Hậu Giang), cũng khá độc đáo và thường “cháy” hàng dịp tết. Ông Thành đặt khuôn bằng kim loại để “ép” dáng bưởi hồ lô cùng với những chữ “Tài, Lộc” may mắn trong ngày tết. Theo ông Thành, một trái bưởi bình thường cân nặng khoảng 1,5 kg bán được 15.000-20.000 đồng. Bưởi hồ lô hiện trên thị trường có giá 700.000 đồng/trái. Không chỉ tạo dáng cho bưởi, ông Thành đã cho ra đời sản phẩm mới dưa hấu hồ lô với tên gọi “Hoàn kim hồ lô”.
Tết năm nay, những nông dân trong CLB bưởi tạo hình xã Phú Tân giới thiệu sản phẩm “Bưởi lễ cát tường”. Trái bưởi có hình hai bàn tay ốp vào nhau trên thân trái bưởi, tượng trưng cho đôi bàn tay chắp lạy, nâng niu “bình thanh tịnh” của Phật bà Quan Âm. Khuôn tạo hình được làm từ chất liệu nhựa cứng, bao bọc kín quả bưởi nên “bưởi lễ cát tường” tránh được nạn sâu đục trái, côn trùng đeo bám. Trên 3.000 trái “bưởi lễ cát tường” sẽ đến tay người tiêu dùng dịp tết.
Đa dạng hoa, kiểng
Ở làng nghề hoa kiểng chợ Lách (Bến Tre), các nghệ nhân nổi tiếng xưa nay với biệt tài tạo hình kiểng hình các con vật. Năm nay các nghệ nhân tạo dáng kiểng tắc hình con rồng và con dê rất độc đáo. Giá bán từ 3 triệu đến 4 triệu đồng/cặp, tùy kích cỡ.
Ông Lê Văn Bá Tòng (ấp Hòa Lộc, xã Vĩnh Hòa, huyện Chợ Lách) - chuyên uốn tắc thành hình con dê, rồng cho biết: “Năm nào tôi cũng làm quất kiểng hình con rồng và con giáp tương ứng để chuyển lên các thành phố lớn bán. Tùy theo kích cỡ mà giá bán cao hay thấp”. Theo ông Tòng, để có hình như ý muốn, một nghệ nhân sẽ tốn vài ngày để cắt sắt làm khung rồi uốn để trái lòi ra bên ngoài giống hình con dê. Đặc biệt, những trái quất khi chín màu vàng nên hình dáng rất đẹp.
Theo ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách: “Tết Nguyên đán Ất Mùi năm nay nhà vườn huyện Chợ Lách sẽ sản xuất khoảng 3 triệu đến 4 triệu sản phẩm hoa, kiểng. Trong đó chủ lực là mai vàng, quất (tắc) kiểng, vạn thọ, cúc mâm xôi, cúc Đài Loan…”. Sản phẩm từ làng hoa, kiểng Chợ Lách được bán hầu khắp các tỉnh miền Đông, TP.HCM và ĐBSCL.
Quýt đường, quýt hồng trúng đậm
Không chỉ những loại trái cây lạ và độc, các mặt hàng truyền thống đặc sản của xứ miền Tây phục vụ tết cũng đang sốt giá. Trong đó “nóng” nhất là quýt Lai Vung. Tại huyện Lai Vung, Đồng Tháp quýt đường đang có giá 40.000-42.000 đồng/kg, quýt hồng 29.000-31.000 đồng/kg… đây là mức giá rất cao đảm bảo cho nhà vườn trúng đậm. Sản lượng quýt đường và quýt hồng đặc sản của huyện Lai Vung năm nay không nhiều nhưng bù lại chất lượng tốt và màu sắc đẹp. Người trồng dự báo giá sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới bởi nhu cầu rất cao.
Ông Lưu Văn Tín, ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, cho biết: “Mấy ngày nay thương lái từ các nơi như TP.HCM, Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ… về Lai Vung săn lùng quýt hồng ráo riết, giá tăng vọt lên 26.000-28.000 đồng/kg”. Nhiều nhà vườn ở huyện Lai Vung cũng kỳ vọng vụ quýt hồng “trúng giá” để đón tết sung túc. Theo Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung, sản lượng quýt hồng cung ứng ra thị trường tết mỗi năm khoảng 35.000-40.000 tấn trái.
Theo dòng sông Hậu từ Lai Vung (Đồng Tháp) xuôi về miệt cù lao Mây (ấp Tân Thạnh, xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) làng nghề bánh tráng với gần 100 năm đang tất bật chuẩn bị số lượng lớn hàng để cung ứng thị trường tết. Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng - làng nghề bánh tráng cù lao Mây cho biết ngày thường mỗi hộ chỉ làm khoảng 200-300 cái bánh nhưng dịp tết số lượng trên 8.000 bánh, không kịp giao cho bạn hàng. Bánh tráng ở xứ này đắt hàng do gạo làm bánh phải từ gạo lúa mùa nguyên chất, xay nhuyễn, tẻ nước kỹ, không sử dụng hóa chất và làm thủ công với bí quyết riêng. Bánh làm ra luôn mịn màng, tròn, dày, không bị lủng lỗ… Hiện nay, làng nghề bánh tráng cù lao Mây cung ứng ra thị trường các loại sản phẩm như bánh tráng nem, bánh tráng ngọt sữa, bánh tráng nướng sữa béo, bánh tráng nướng tôm khô… Giá từ 18.000 đến 35.000 đồng/bọc loại 320-380 g. Sau khi trừ chi phí, người dân thu lời khoảng 30%. |