Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,2%, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2011 vào ngày 25/5. Chỉ số chứng khoán của khu vực giảm 0,8% trong tuần trước và đây cũng là tuần mất điểm thứ ba liên tiếp, chuỗi mất điểm dài nhất trong 6 tháng. Vào cuối tháng 2/2012, chỉ số này tăng khoảng 15% so với các mức cuối năm ngoái, song đến nay lại để mất số điểm đã giành được.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 24,6 điểm, hay 0,29%, lên 8.604,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 13,6 điểm, hay 0,58%, xuống 2.319,95 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 41,09 điểm, hay 0,22%, xuống 18.672,32 điểm.
Trong một diễn biến tích cực, các cuộc thăm dò cho thấy các đảng bảo thủ ở Hy Lạp đã giành lại vị trí dẫn đầu trong một cuộc trưng cầu dân ý cuối tuần qua, cho phép thành lập chính phủ để giữ nước này tiếp tục ở lại Eurozone. Tuy nhiên, tình hình chính trị ở Hy Lạp sẽ vẫn chưa thực sự rõ ràng cho đến khi nước này tiến hành cuộc bầu cử lần hai vào ngày 17/6 tới. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng.
Tuy nhiên, niềm tin của thị trường yếu đi khi có những lo ngại rằng chi phí cứu trợ ngân hàng tăng có thể buộc nền kinh tế lớn thứ tư Eurozone là Tây Ban Nha sẽ phải tìm kiếm gói cứu trợ từ quốc tế. Theo một nguồn tin từ chính phủ, Tây Ban Nha có thể tái cấp vốn cho ngân hàng lớn thứ tư nước này là Bankia, ngân hàng tuần trước đã phải đề nghị chính phủ tài trợ 19 tỷ euro (24 tỷ USD) thông qua việc đổi trái phiếu chính phủ lấy cổ phiếu.
Theo Lê Minh (TTXVN)