Tuy nhiên nhiều học giả, dư luận Trung Quốc cho rằng việc đưa tin như vậy là quá sớm bởi xung quanh vấn đề này còn nhiều điều cần được làm rõ.
Hài cốt người đàn ông trong mộ có phải Tào Tháo?
Theo chuyên gia phân tích cổ vật Mã Vị, chưa thể khẳng định vội vàng hài cốt người đàn ông trong mộ là của Tào Tháo. Muốn kiểm chứng chính xác cần tìm lại hậu duệ của Ngụy Vũ vương để thử nghiệm AND mới có thể khẳng định được.
Việc cần kíp bây giờ là tìm lại hậu duệ của Tào thừa tướng. Sinh thời, Tào Tháo có tất cả 25 người con trai, nhưng hầu hết người ta chỉ nhớ tới một vài người như Tào Phi, Tào Thực mà thôi.
Hình ảnh Tào Tháo qua các bức hoạ.
Dư luận quan tâm nhiều hơn đến hài cốt của hai người phụ nữ được an táng cùng trong lăng mộ. Nếu đây đúng là Cao lăng an táng Tào Tháo, vậy hai phụ nữ kia là ai, cuộc sống của họ trước đây thế nào? Một trong hai người có phải Biện hoàng hậu, thân sinh của Tào Phi, Tào Thực hay không?
Cổ vật quan trọng nhất của Tào Tháo đã bị đánh cắp?
Theo giáo sư Viên Tế Hỉ, Đại học Nhân dân Trung Quốc, khi khai quật ngôi mộ cổ này đã bị bọn trộm cắp đồ cổ tàn phá nhiều lần, những cổ vật chứng minh thân phận chủ nhân ngôi mộ còn lại rất ít. Chỉ dựa vào một số tấm bia và binh khí có khắc tên Ngụy Vũ vương mà vội khẳng định là mộ Tào Tháo là chưa ổn.
Sơ đồ khai quật Cao lăng nơi được xem là mộ chôn Tào Tháo.
Mặt khác, chuyên gia Mã Vị tiết lộ thêm, bia đá và gối đá khắc tên Ngụy Vũ vương thực ra không phải các nhà khảo cổ trực tiếp lấy từ lăng mộ ra mà lấy lại từ tay những tên trộm đào mộ tìm vàng bạc, cổ vật.
Theo nhà nghiên cứu Nghê Phương Lục, tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng “Các vụ đào trộm mộ”, “Lịch sử các vụ đào trộm mộ cổ Trung Quốc”, lăng mộ các đế vương Trung Quốc thường có tấm bia gọi là Chí minh ghi rõ thân phận của chủ nhân lăng mộ, nó giống như tấm chứng minh thư. Tuy nhiên lần khảo cổ này không phát hiện được chứng cứ quan trọng đó, có thể tấm bia quan trọng nhất này đã bị đánh cắp.
Phục dựng khuôn mặt Tào Tháo?
Nếu kết quả xét nghiệm AND khẳng định đây đúng là hài cốt của Tào Ngụy vương thì sẽ giúp ích rất nhiều cho việc khôi phục bộ mặt nhân vật gian hùng nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc và cũng đã đi vào đời sống văn hóa của người Á Đông.
Đường vào Cao lăng.
Sử sách Trung Quốc tuy ghi chép khá nhiều về Tào Tháo, tuy nhiên mỗi sách lại tả một kiểu, mỗi thời kì lại vẽ hình Tào thừa tướng một khác. Mặt mũi nhà quân sự, chính trị này thế nào vẫn là đề tài nóng hổi mà người dân Trung Quốc đang hết sức quan tâm.
Sau Tào Tháo sẽ đến mộ Lưu Bị?
Thông tin phát hiện được Cao lăng nơi an táng Tào Tháo lại một lần nữa dấy lên trong dư luận câu hỏi về nơi an nghỉ ngàn thu của kình địch số một của Tào Tháo – Lưu Bị, bởi “Anh hùng trong thiên hạ ngày nay chỉ có sứ quân và Tháo này thôi!”, sinh thời Tháo nói với Lưu Bị (Theo Tam Quốc Diễn Nghĩa).
Một góc hầm mộ
Lăng mộ của Lưu Bị nằm ở đâu vẫn là đề tài thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới khảo cổ và nghiên cứu Trung Quốc. Theo như ghi chép trong “Tam Quốc chí”, Lưu Bị được táng ở Huệ Lăng thuộc Thành Đô, thủ phủ Tứ Xuyên ngày nay.
Nhiều quan điểm cho rằng Lưu Bị được an táng trong Huệ lăng thuộc khu vực đền Vũ Hầu – Thành Đô ngày nay, nhưng cũng có học giả không tán thành quan điểm này. Họ cho rằng chưa chắc Lưu Bị đã được an táng ở Thành Đô như trong sử sách, bởi lăng mộ đế vương thường hay bị đào trộm nên sẽ có nhiều mộ giả.
Sau vụ khai quật lăng mộ ở Hà Nam vừa rồi và cho rằng đó là nơi an táng Tào Tháo, rất nhiều nhà khảo cổ đề nghị sớm khai quật lăng mộ Lưu Bị tại đền Vũ Hầu. Tuy nhiên việc này phải được Cục di sản quốc gia Trung Quốc cho phép. Có thể trong một ngày gần đây, Lưu Bị lại “hội ngộ” Tào Tháo trong một cuộc triển lãm cổ vật nào đó chăng?
Theo Bình Nguyên (KH&ĐS, Tân Hoa Xã, Chinatimes)