Cuối cùng, ngôi mộ làm tốn không ít giấy mực của báo chí Trung Quốc lẫn nước ngoài đã được các nhà khoa học xác định là mộ Tào Tháo. Nguồn: THX.
Vào ngày 3 tháng 4 vừa qua, hơn 11 nhà khoa học lịch sử hàng đầu của Trung Quốc về giai đoạn lịch sử Tần Hán và Ngụy Tấn Nam Bắc Triều đã mở một cuộc hội nghị thảo luận về ngôi mộ cổ phát hiện ở An Dương, Hà Nam được cho là mộ Tào Tháo hồi cuối năm 2008.
Trong hội nghị này, các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng, từ những di vật khai quật được, cho đến quy cách, hình dáng và hoàn cảnh địa lý xung quanh của ngôi mộ, có thể kết luận rằng, phán đoán đây là ngôi mộ của Tào Tháo là hoàn toàn chính xác.
Cũng trong hội nghị này, Phó giám đốc Sở Văn vật Hà Nam, Tôn Anh Dân, cho biết, mộ Tào Tháo đã trở thành di tích văn vật cần được bảo vệ của tỉnh Hà Nam. Sau khi đã xác định đây xác thực là mộ Tào Tháo, tới đây, tỉnh Hà Nam sẽ tiến hành quy hoạch phạm vi bảo vệ cho đến xây dựng cơ quan bảo vệ di tích này.
Việc khẳng định ngôi mộ ở An Dương là mộ Tào Tháo cũng dẫn đến rất nhiều những vấn đề khác. Chẳng hạn, xung quanh mộ Tào Tháo liệu có còn mộ huyệt của người nhà Tào Tháo hay không? Và lăng của Tào Tháo nằm ở đâu?
Dựa trên các mảnh xương khai quật được, các nhà khoa học Trung Quốc sẽ tiến hành phục nguyên chân dung của Tào Tháo. Ảnh: THX.
Về vấn đề này, người đứng đầu dự án khai quật mộ Tào Tháo Phan Vỹ Bân cho biết, trước mắt, sau khi khẳng định đây là mộ Tào Tháo, đội khảo cổ sẽ đẩy nhanh tiến độ khai quật, cố gắng nhanh nhất để có thể tìm thấy lăng của Tào Tháo. Tuy nhiên, công việc này rất có thể sẽ đòi hỏi phải di dời bộ phận hoặc toàn bộ mộ huyệt.
Hiện tại, hầm mộ số 2 của mộ Tào Tháo đã khai quật xong. Tuy nhiên, hầm mộ nhất của ngôi mộ thì vẫn chưa được khai quật. Tôn Anh Dân nói, vào ngày 12 tháng 6 tới đây, công việc khai quật hầm mộ thứ nhất của ngôi mộ sẽ được tiến hành. “Khi đó, chúng ta sẽ biết giữa hai mộ huyệt này có mối quan hệ như thế nào”, Tôn Anh Dân nói.
Ngoài ra, Phan Vỹ Bân cũng nói, do ba bộ hài cốt trong mộ không hoàn toàn đầy đủ, vì vậy, các nhà khoa học Trung Quốc đang tiến hành sàng lọc các mảnh xương để phục nguyên chân dung của 3 người được táng trong mộ. Như vậy, nếu như công việc này tiến hành thuận lợi, sẽ không bao lâu nữa, mọi người sẽ được diện kiến với nhà chính trị nổi tiếng thời Tam Quốc.
Mọi người sắp được diện kiến một Tào Tháo thật sự chứ không phải là những hình ảnh đồ họa như thế này nữa. Ảnh: Internet.
Sẽ lật lại “nghi án” của Tào Tháo
Khi những tranh luận về chuyện thật giả của ngôi mộ Tào Tháo được phát hiện ở An Dương đã có kết luận cuối cùng thì cũng là lúc người ta chuyển sự chú ý đến bản thân Tào Tháo.
Trước đây, trong quan niệm truyền thống, người ta luôn cho rằng Tào Tháo là kẻ gian hùng, thậm chí là gian tặc. Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ XX, các nhà lịch sử bắt đầu lật lại “nghi án” của Tào Tháo.
Vào tháng 2 năm 1959, Quách Mạt Nhược liên tiếp viết “Thái Văn Cơ” rồi “Thay Tào Tháo phản án” minh oan cho Tào Tháo, cho rằng Tào Tháo là nhà chính trị, quân sự, văn học có tài. Tuy nhiên, sau đó, do ảnh hưởng của cách mạng văn hóa, “bản án” của Tào Tháo đã bị xếp lại.
Nhà sử học Chu Thiệu Hầu nói, việc khai quật mộ Tào Tháo cùng những di vật tìm được sẽ cung cấp những chứng cứ quan trọng cho việc lật lại “nghi án” Tào Tháo.
Những vật tùy táng trong mộ chủ yếu bằng đá khá đơn giản. Ảnh: THX.
Chu Thiệu Hầu nói, ngôi mộ này chỉ vỏn vẹn 2 gian với diện tích hơn 100 m2, các vật tùy táng phần nhiều là đồ bằng đá, chỉ có 3 đồng tiền. Cách chôn cất tiết kiệm này hoàn toàn với chủ trương mai táng đơn giản được Tào Tháo ghi trong “Di lệnh”. Điều này cho thấy, Tào Tháo cả đời sống cần kiệm, quan tâm đến cuộc sống của dân.
Từ đó, Chu Thiệu Hầu nói rằng, đã đến lúc các nhà sử học phải liên kết với các nhà nghệ thuật xây dựng lại hình tượng chính diện cho Tào Tháo, rửa án oan suốt hàng ngàn năm nay cho nhà chính trị tài ba này.
Theo Lê Văn tổng hợp (VNN)