FAO đánh giá chủng cúm gia cầm mới này có thể xuất hiện ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào, do đó Việt Nam cần phải duy trì năng lực phòng nghiên cứu, phát hiện, phòng ngừa.
Trước cảnh báo này, tại Hội nghị triển khai kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 do Cục Thú y tổ chức ngày 22-3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng không thể lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch.
Theo kế hoạch do Thủ tướng phê duyệt hồi giữa tháng 2-2019, công tác thú ý sẽ tập trung ngăn chặn không để các nhánh, các chủng virus mới nguy hiểm lây nhiễm vào Việt Nam. Với các chủng hiện tại, cần tiêm phòng tối thiểu 80% tổng đàn. Cố gắng giảm thiểu hoặc không phát sinh các ca bệnh cúm gia cầm ở người.
Dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện tại Việt Nam vào cuối năm 2003, sau đó lan rộng ra cả nước. Giai đoạn 2007-2013, mỗi năm phải tiêu hủy 200.000 gia cầm và có tới 42 người lây, tử vong vì chủng virus này. Từ giữa 2014, dịch được kiểm soát tốt, giảm số gia cầm phải tiêu hủy mỗi năm còn 90.000 con, không có bệnh nhân tử vong vì cúm A/H5N1 nữa.