Chủng virus thay đổi, dịch bệnh sẽ tăng cao

PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nhấn mạnh thông tin trên tại buổi làm việc phòng, chống dịch bệnh giữa Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM vào sáng 15-5.

Theo đó, TCM hiện đã vào mùa, các biến chứng của TCM như não, tim mạch có dấu hiệu tăng cao hơn năm 2013. Do vậy số ca nhập viện điều trị TCM có khả năng sẽ cao hơn. “Chủng virus TCM cũng có sự thay đổi. Năm 2005 là chủng C5, đến năm 2010-2011 chuyển sang chủng C4 và gây bùng phát dịch TCM vào năm 2011-2012. Năm 2014, kết quả giám sát cho thấy có sự thay đổi chủng virus TCM mới. Như vậy, vừa theo chu kỳ vừa có sự thay đổi chủng virus mới nên khả năng TCM sẽ tăng cao trong năm nay” - PGS Lân nhận định.

Đối với SXH, PGS Lân cho rằng kết quả khảo sát ghi nhận chỉ số côn trùng ở TP.HCM tăng cao. Bên cạnh đó, do không có vaccine phòng ngừa SXH, lại đang vào mùa mưa, TP.HCM còn là nơi nhiều dân nhập cư sinh sống nên SXH cũng có khả năng gia tăng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng phòng chống, dập dịch SXH, TCM phải thực hiện song song thì mới hiệu quả.

“Có một số dịch bệnh chu kỳ 3-5 năm nổi lên. Do vậy cần có một nghiên cứu chu kỳ dịch bệnh để chủ động phòng ngừa” - ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng lưu ý khảo sát cả nước cho thấy khoảng 14% trẻ dưới chín tháng tuổi mắc bệnh sởi. Do vậy Viện Pasteur TP.HCM nên nghiên cứu hiệu quả của vaccine sởi đối với trẻ sáu tháng tuổi. Nếu không gây ảnh hưởng xấu thì có thể đề xuất tiêm ngừa vaccine sởi cho trẻ từ sáu tháng tuổi, thay vì từ chín tháng tuổi như hiện nay.

Khảo sát còn cho thấy 60% bà mẹ không nhớ con mình đã tiêm vaccine sởi hay chưa, tiêm vào lúc nào nên đã cho con tiêm tiếp mũi vaccine sởi. Do vậy Viện Vệ sinh dịch tễ và Cục Y tế dự phòng nên có đề tài nghiên cứu khoa học để khi xét nghiệm kháng thể là có thể biết được trẻ được miễn dịch sởi hay chưa. Nếu trẻ miễn dịch sởi tức trẻ đã được tiêm vaccine sởi, không phải tiêm thêm.

          TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm