Thời điểm này các trường THPT trên địa bàn TP.HCM đang thực hiện việc tư vấn, hoàn chỉnh đăng ký tổ hợp môn lớp 10. Có trường đã xong nhưng phải điều chỉnh vì có thay đổi ở môn lịch sử. Có trường mới bắt đầu triển khai sau khi có thông tin chính thức từ bộ môn này.
Trong quá trình tư vấn về việc lựa chọn tổ hợp môn lớp 10, câu hỏi lãnh đạo các trường nhận được nhiều nhất là liệu học sinh (HS) có được thay đổi môn học sau khi đã chọn.
Hiệu trưởng xem xét quyết định
Dẫn con đi nộp hồ sơ và nghe tư vấn chọn lựa các tổ hợp môn cho chương trình mới, chị Nguyễn Dung, phụ huynh HS Trường THPT Bùi Thị Xuân, cảm thấy hơi hoang mang vì không biết chọn lựa tổ hợp nào cho con. Hơn nữa điều khiến chị băn khoăn khi các con đã học một thời gian nhưng sau đó thấy không phù hợp hoặc bản thân không theo kịp liệu có được phép thay đổi? Câu hỏi của chị Dung cũng là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm.
Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 tổ chức tư vấn cho học sinh, phụ huynh về việc lựa chọn tổ hợp môn lớp 10.Ảnh: Nguyễn Quyên |
Theo quy định tại Văn bản số 1496 của Bộ GD&ĐT về triển khai thực hiện chương trình nêu rõ: “Nhà trường công khai các tổ hợp môn học lựa chọn trong phương án tuyển sinh và tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp giúp HS lựa chọn môn học phù hợp. Trường hợp đặc biệt, HS có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở GD&ĐT”.
Như vậy, theo hướng dẫn thì HS có thể thay đổi, điều chỉnh môn học dưới sự xem xét và quyết định của hiệu trưởng nhà trường.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, cho biết nhà trường đã tổ chức bốn ca tư vấn cho HS, phụ huynh của trường về việc lựa chọn tổ hợp môn học. Trường cũng nhắc nhở phụ huynh, HS cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi chọn lựa. Trường khuyến cáo không nên thay đổi môn trong quá trình học. Tuy nhiên, nếu sau một thời gian học thấy không phù hợp, trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các em nhưng chỉ nên xin đổi giữa học kỳ 1.
Hiện nay, việc lựa chọn các bộ môn tự chọn của HS cần tập trung ở sự phù hợp của định hướng nghề nghiệp của bản thân và tổ chức của nhà trường. Sở GD&ĐT và trường sẽ có những hướng dẫn khi Bộ GD&ĐT có các hướng dẫn mới.
Sở GD&ĐT TP.HCM
“Nhà trường sẽ xây dựng một số lớp bổ sung kiến thức nếu HS thay đổi nguyện vọng thì các em vẫn có thể theo kịp. Tuy nhiên, nhà trường chỉ cho phép đổi ở nửa học kỳ 1, nếu kéo dài sẽ khó có thể bù đắp được kiến thức thiếu hụt. Hơn nữa điều này còn phụ thuộc vào điều kiện thực tế. Ví dụ lớp các em muốn chuyển qua phải còn chỗ, nếu sĩ số quá đông cũng khó được giải quyết” - ông Khương nhấn mạnh.
Chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD&ĐT
“Về lý thuyết có thể thay đổi nhưng rất khó để thực hiện” - ông Đăng Đình Quý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, nhấn mạnh.
Ông Quý cho biết việc thay đổi môn học sẽ khiến HS khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức vì đã bỏ bê trong suốt một thời gian. Để các em theo kịp, trường cũng phải tổ chức bổ sung kiến thức, kiểm tra lại cho các em. “Do đó chuyển đổi môn học không chỉ HS mà nhà trường cũng gặp khó” - ông Quý nói.
Tương tự, ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới, Nhà Bè, cho biết theo công văn việc đổi nguyện vọng sẽ do nhà trường xem xét quyết định. “Mặc dù giao cho hiệu trưởng quyết định nhưng Bộ GD&ĐT phải có văn bản hướng dẫn cụ thể thì các trường mới có thể thưc hiện. Để các trường tự bơi sẽ rất khó” - ông Bình nói.
Chương trình lớp 10 mới sẽ có những môn các em không phải học nếu không chọn lựa. Do đó, nếu lớp 10 các em chọn môn lý nhưng sang lớp 11 lại muốn thay đổi sang hóa vì thấy không phù hợp. Trong trường hợp này sẽ rất khó vì các em đã không học hóa trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, việc này còn liên quan đến kiểm tra, đánh giá.
“Do đó, Bộ GD&ĐT phải có hướng dẫn để làm sao bảo đảm quyền lợi khi các em chuyển trường trong điều kiện bắt buộc do gia đình thay đổi chỗ ở” - ông Bình chia sẻ thêm.
Cùng quan điểm, ông Lương Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, cho biết các trường đều đang chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về vấn đề này.
“Bởi thực tế, sau khi học hết một học kỳ, các em thay đổi nguyện vọng sẽ rất khó khăn khi bù đắp kiến thức. Hơn nữa, nhà trường cũng gặp khó trong việc bố trí lớp và tổ chức nhân sự” - ông Minh nói.•
TP.HCM đã phê duyệt danh mục SGK lớp 10
Ngày 18-7, UBND TP.HCM đã có quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 10 sử dụng trong các cơ sở giáo dục từ năm học 2022-2023.
Với SGK lớp 10, UBND TP.HCM phê duyệt gồm 51 bản sách ở 16 môn học: Toán, ngữ văn, tin học, hóa học, sinh học, vật lý, lịch sử, địa lý, tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc, công nghệ, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, giáo dục kinh tế và pháp luật, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh. Trong đó, mỗi môn học được phê duyệt ở hai bộ sách Chân trời sáng tạovà Cánh diều.