Chuyên gia đề xuất các phương án sau ngày 15-4

Ngày 15-4 sẽ là thời hạn cuối cùng thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Việt Nam sẽ lựa chọn phương án nào để vừa đảm bảo quyết liệt chống dịch, vừa cân bằng phát triển kinh tế, an sinh xã hội?

KÉO DÀI THỜI GIAN CÁCH LY XÃ HỘI

Nhà hoạt động giáo dục GIẢN TƯ TRUNG, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED:

Ưu tiên một vẫn phải là chống dịch

Hiện không chỉ Việt Nam mà cả nhân loại đang đứng trước kẻ thù chưa từng có, nó vô hình và chúng ta chưa có vũ khí (tức vaccine và thuốc đặc trị) để chống lại nó. Vì thế, hiện nay có thể nói “khoảng cách” là cách duy nhất để né tránh được kẻ thù này.

“Khoảng cách” chính là việc chúng ta đang làm rất tốt nhưng chỉ cần 1% không nghiêm túc thì 99% còn lại đổ sông đổ bể. Thế nên, nếu bỏ ngay cách ly xã hội sau ngày 15-4 thì ý thức người dân càng chủ quan hơn.

Tôi cho rằng bài toán quan trọng nhất bây giờ là chống dịch, là sự an toàn và sức khỏe của người dân, thế nên các vấn đề kinh tế, giáo dục… cần xếp sau. Dẫu chúng ta hiểu rằng nhiều người sợ đói hơn chết dịch nhưng chúng ta thấy rõ thời gian qua Chính phủ đã có những quyết định nhanh và tốt: Hỗ trợ người khó khăn, giãn thuế doanh nghiệp… Hơn nữa, chúng ta chỉ mới dừng ở cách ly toàn quốc chứ chưa phong tỏa, ai cần thiết vẫn có thể ra ngoài cho mục tiêu thiết yếu.

Nếu Chính phủ quyết định cách ly xã hội thêm hai tuần nữa thì vẫn rất cần thiết, chúng ta nên chấp nhận việc bị ảnh hưởng đến kinh tế và sinh kế của mình.

Ông ĐỖ DUY THÁI, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thép Việt:

Nên tiếp tục cách ly xã hội đến 30-4

Hiện nay, các công ty sản xuất thực sự vẫn hoạt động bình thường. Thế nhưng những tụ điểm vui chơi, giải trí, ăn uống có tiếp xúc cộng đồng nhiều, nguy cơ lây nhiễm lớn như các quán bar, nhà hàng, quán cà phê, các địa điểm du lịch, tham quan, phương tiện giao thông công cộng… vẫn phải kiểm soát.

Vì vậy nên tiếp tục thực hiện lệnh cách ly xã hội đến hết ngày 30-4 rồi Chính phủ tính toán có những thông báo tiếp căn cứ vào tình hình dịch bệnh. Vì thực sự các hoạt động sản xuất vẫn có thể chủ động.

Đối với các ngành dịch vụ, các cơ sở kinh doanh có tiếp xúc đông người, nguy cơ lây nhiễm cao thì nên xem xét từ từ mở lại và có kiểm soát chặt chẽ.

Kiến nghị kéo dài đến 30-4


 

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30-4-2020 với tinh thần kiên định, chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Những kết quả ban đầu đạt được chưa thể khẳng định một chiến thắng cuối cùng. Vì thế, TP.HCM sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ.

Trong đó, TP tập trung cho công tác dự phòng và nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh; chăm lo đời sống nhân dân và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Chủ tịch UBND TP.HCM NGUYỄN THÀNH PHONG 

PHÂN VÙNG CÁCH LY, MỞ RỘNG DẦN ĐỐI TƯỢNG

TS ĐINH THẾ HIỂN, chuyên gia kinh tế:

Phục hồi từng bước có lộ trình kiểm soát

Nếu chúng ta dùng phương pháp cách ly cực đoan thì không bao giờ có thể xác định được hết dịch, không biết thời điểm nào hết cách ly là hợp lý.

Vì thế, cần có biện pháp cho tiếp tục phục hồi hoạt động từng bước có kiểm soát. Ví dụ như vùng đang có dịch bệnh, xác định hiện có độ lây nhiễm cao thì tiếp tục kiểm soát từng vùng, hạn chế người ra vào. Đối với những lĩnh vực có thể tiếp xúc đông người thì cần có biện pháp giám sát hạn chế lây lan để từng bước cho hoạt động trở lại.

Chính phủ nên có thông báo cụ thể về tiến trình cách ly xã hội, đến ngày nào thì ngành nào được hoạt động trở lại, điều kiện như thế nào, quy mô ra sao… để họ chuẩn bị.

Một quán cơm tấm trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh, TP.HCM) xếp sẵn những chiếc ghế cách nhau 2 m cho cả người mua mang về và các shipper ngồi. Ảnh: HOÀNG GIANG

PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Sociallife):

Nên phân vùng cách ly xã hội

Hai tuần áp dụng cách ly toàn xã hội, nhiều khía cạnh đời sống đã rất khó khăn. Chúng ta nên xác định cấp độ rủi ro để từ đó phân cấp, phân vùng cách ly rồi giãn dần.

Quan trọng nhất chính là tạo ra ý thức về “hệ miễn dịch trong tư tưởng” của người dân. Người dân thấy việc quan trọng của bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, điều đó có giá trị hơn là cách ly chỉ dừng ở mức độ hành chính.

TP.HCM đã triển khai thực hiện bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro, lây nhiễm của virus tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đây là một mô hình để chúng ta áp dụng đưa ra những hệ tiêu chí khác dựa trên số liệu cập nhật thường xuyên từ Bộ Y tế, khai báo sức khỏe toàn dân… để đánh giá mức độ rủi ro của cộng đồng. Từ đó đưa ra mức độ rủi ro của vùng và dựa vào đó để áp dụng mức cách ly xã hội tương ứng.

BS TRƯƠNG HỮU KHANH, Trưởng Khoa nhiễm-thần kinh BV Nhi đồng 1:

Nới lỏng cách ly kèm giám sát chặt, xử phạt nghiêm

Các biện pháp nới lỏng cách ly cũng phải được tiến hành từ từ, theo từng giai đoạn. Trước mắt, chỉ nên mở lại những ngành sản xuất cần thiết, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp trước.

Những nơi có thể tập trung đông người như quán bar, karaoke, các chuyến xe chở nhiều người, xe liên tỉnh chưa cần thiết mở lại thì nên tiếp tục tạm ngưng thêm một thời gian. Các cửa hàng nếu có cho mở lại để phục vụ khách hàng phải tuân thủ không cho tụ tập đông người và giữ khoảng cách cho phép 2 m.

Các công ty sản xuất phải tăng cường truyền thông cho công nhân các biện pháp bảo vệ và phòng ngừa dịch COVID-19, tăng cường giám sát thân nhiệt, các bệnh hô hấp thông thường trong nhân viên. Tùy theo tình hình thực tế của công ty, vẫn duy trì cho nhân viên hạn chế đến công ty, tránh tụ tập đông người, có chính sách an sinh và giám sát y tế hiệu quả.

Nới lỏng biện pháp cách ly phải song hành cùng các biện pháp giám sát chặt chẽ và xử phạt nghiêm khắc các hành vi như tụ tập đông người, không mang khẩu trang khi ra ngoài, không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa dịch... trong thời gian tới. Lưu ý cần tiếp tục giám sát những người đã hết thời hạn cách ly tập trung và về cách ly tại nhà để kịp thời phát hiện ca nhiễm bệnh trong thời gian tiếp tục cách ly tại nhà.

TS-BS LÊ QUỐC HÙNG, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy: 

Quan tâm chăm sóc tâm lý cho người dân 

Các biện pháp giãn cách xã hội vẫn nên tiếp tục duy trì sau ngày 15-4. Cấp độ duy trì thay đổi tùy theo ca bệnh phát hiện mới và tùy từng khu vực. 

Hiện ca bệnh F0 chưa được tìm ra, có nghĩa người đó vẫn có thể đang âm thầm lây bệnh cho người khác mà không ai biết, có nghĩa là bất cứ ai quanh ta cũng có thể là người mang virus chưa phát bệnh. Và như vậy, các biện pháp phát hiện người bệnh để cách ly đã không còn mang vai trò chủ đạo, cần phải áp dụng biện pháp khác. Do vậy số ca bệnh phát hiện trong cộng đồng có thể sẽ tiếp tục tăng và duy trì giãn cách xã hội là cần thiết, chứ không chỉ phát hiện người bệnh để cách ly.

Giãn cách xã hội tuy là biện pháp hữu hiệu để dập dịch tuy nhiên cái giá phải trả của nó không hề nhỏ khi kinh tế xã hội trì trệ, số người thất nghiệp tăng, thiếu hàng hóa...

Ngoài ra, các biện pháp giãn cách xã hội cũng không thể kéo quá lâu hay tái lập nhiều lần vì nhu cầu kinh tế xã hội không cho phép.  

Chưa kể, thực hiện giãn cách xã hội, đối tượng người nghèo, cận nghèo là dễ bị tổn thương nhất, rất cần sự hỗ trợ và đảm bảo nguồn hỗ trợ tới tay họ một cách dễ dàng, tạo điều kiện cho có đủ lương thực, thực phẩm để họ an tâm ở nhà, không ra đường. Đây là những đối tượng có sức đề kháng kém, thường sinh sống trong hẻm, nơi tập trung đông dân cư và thường hay di chuyển. Nếu chẳng may bị dịch bệnh tấn công thì khi phát hiện ra, họ đã mang mầm bệnh đi lây lan khắp thành phố.

Mặt khác, việc toàn bộ người dân phải thay đổi thói quen sinh hoạt xưa nay bằng áp đặt cuộc sống theo khuôn khổ mới một cách đột ngột không phải dễ thực hiện. Nó như những mồi lửa âm ỉ chực chờ bùng phát trở lại khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Cho nên, các biện pháp chăm sóc tâm lý cho người dân trong thời gian này cũng nên được quan tâm.

Tính phương án giãn cách xã hội mới sau 15-4

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng 13-4, với quan điểm “sức khỏe là trên hết”, “còn người còn của”, Ban chỉ đạo cho rằng việc thực hiện cách ly xã hội sẽ ảnh hưởng nhiều tới người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm quy định này.

Theo Ban chỉ đạo, sau khi Chỉ thị 16 hết hiệu lực sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị mới, trong đó quán triệt tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch từ ban đầu, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, củng cố các quy định về truy vết ca bệnh.

Đối với việc cách ly, giãn cách xã hội, các ý kiến cho rằng cần kiến nghị các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn, có tính đến yếu tố địa phương, nhóm đối tượng, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tăng cường ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin, truyền thông để truy vết, giám sát các ca bệnh; giám sát việc thực hiện cách ly xã hội. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới