Chuyên gia hiến cách phương Tây thuyết phục ông Putin ngừng xung đột ở Ukraine

Xung đột Nga-Ukraine kéo dài đã hơn một tháng và cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề về người và của. Moscow từ chối các lời kêu gọi ngừng bắn từ phía Kiev vì cho rằng Ukraine sẽ lợi dụng khoảng thời gian này để tập hợp lực lượng và tấn công quân Nga.

Mỹ và phương Tây cần suy nghĩ lại về phản ứng với Nga

Hiện chiến lược cơ bản của Mỹ và phương Tây gồm hai hướng đi chính: cung cấp vũ khí cho Ukraine và trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế Nga. Những biện pháp này được thiết kế để khiến chiến dịch quân sự của Nga phải trả giá cao đến mức ông Putin sẽ phải tìm kiếm một lối thoát nào đó. Hãng tin The Vox dẫn ý kiến giới quan sát cho rằng dù chiến lược này có vẻ hợp lý nhưng thay vì giúp xoay chuyển tình thế cuộc chiến thì thời gian qua các nỗ lực này lại góp phần khiến xung đột trở nên đau đớn hơn cho cả Nga và Ukraine.

Trung tâm thương mại Retroville ở thủ đô Kiev (Ukraine) bị đánh bom giữa tháng 3. Ảnh: REUTERS

Về mặt quân sự, số lượng vũ khí và thiết bị quân sự mà Mỹ và châu Âu hỗ trợ cho Ukraine đóng vai trò thiết yếu ngăn chặn bước tiến của Nga. Hiện đà tiến của quân đội Nga đã chậm hơn và gặp nhiều khó khăn so với dự kiến ban đầu của Điện Kremlin, tuy nhiên xe thiết giáp của Nga vẫn đang lăn bánh tiến về thủ đô Kiev. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây, mặc dù có uy lực lớn, song cũng không thể xoay chuyển tình thế của cuộc chiến.

Cách tiếp cận hiện tại của phương Tây đã và đang làm rất tốt trong việc tăng cao phí tổn và gây nhiều tổn hại cho chiến dịch quân sự của Nga, nhưng rõ ràng phương Tây vẫn chưa định rõ hướng đi để đặt dấu chấm hết cho chiến dịch quân sự này – THE VOX 

Mỹ và phương Tây cũng cần phải cảnh giác về phản ứng của Nga đối với chiến lược hiện tại của mình. Nếu Nga cảm thấy bị khiêu khích quá nhiều, rằng phương Tây có thể can thiệp quân sự vào cuộc xung đột, hoặc trừng phạt là một phần của chính sách mở rộng ảnh hưởng của Mỹ, sẽ có nguy cơ Nga tấn công ngược lại.

Để tránh kịch bản đầy ác mộng này, Mỹ và các đồng minh cần làm điều gì đó ngược lại hoàn toàn với những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt đang áp đặt lên Nga: tìm cách đàm phán với Nga. Viện trợ quân sự và các biện pháp trừng phạt là những công cụ mạnh mẽ, nhưng cả hai đều không có khả năng khiến Nga từ bỏ chiến dịch quân sự ở Ukraine. Thay vào đó, theo hiến kế của chuyên gia, phương Tây cần phát triển một chiến lược rõ ràng hơn để đảm bảo rằng những nỗ lực của họ có được hiệu quả chính trị mong muốn, bắt đầu bằng cách công khai đưa ra các điều kiện sẽ dỡ bỏ trừng phạt nếu Nga đồng ý.

Làm sao để con bài “trừng phạt” hiệu quả thực sự?

Ông Samuel Charap - một chuyên gia về Nga tại RAND Corporation (tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ nghiên cứu và phân tích cho quân đội Mỹ) cho rằng việc các bên tăng cường đối thoại trên cả cấp độ chính trị và quân sự là một hướng đi hiệu quả để giải quyết cuộc xung đột. Phương Tây nên thông báo trực tiếp cho Nga rằng mình không có kế hoạch đáp trả quân sự, và các biện pháp trừng phạt chỉ là phản ứng đối các hoạt động quân sự của Nga chứ không phải để chống lại chính quyền Moscow.

Nói về các biện pháp trừng phạt, nhiều người thường lầm tưởng chúng là một biện pháp tương đương vũ lực, có nghĩa quốc gia mục tiêu sẽ phải đơn phương chịu đựng thiệt hại về kinh tế đến mức phải chịu thua và từ bỏ những chính sách và hành vi mà bên trừng phạt phản đối. 

Thực tế, các biện pháp trừng phạt thường phát huy tác dụng tốt hơn khi được sử dụng như một công cụ đàm phán, đóng vai trò như “cây gậy và củ cà rốt” - một kiểu chính sách ngoại giao trong quan hệ quốc tế, thường được các nước lớn dùng để thay đổi hành vi của các nước nhỏ hơn. “Cây gậy” tượng trưng cho sự đe dọa trừng phạt, còn “củ cà rốt” tượng trưng cho quyền lợi hay phần thưởng. Và một trong những ví dụ điển hình cho việc các biện pháp trừng phạt được sử dụng như một công cụ hỗ trợ chứ không phải biện pháp vũ lực chính là các cuộc đàm phán xoay quanh thoả thuận hạt nhân Iran 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức).

Trong nhiều năm trước khi thỏa thuận được ký kết, Mỹ và đồng minh đã trừng phạt khắc nghiệt Iran. Trải qua nhiều cuộc đàm phán và một loạt các điều khoản phức tạp trong thỏa thuận cuối cùng, thỏa thuận ra đời, trong đó Tehran đồng ý giám sát chặt chẽ chương trình năng lượng hạt nhân của mình, khẳng định rằng họ sẽ không bao giờ tìm cách có được vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc giảm nhẹ trừng phạt từ Liên Hợp Quốc và Mỹ.

Các tòa nhà ở Mariupol (đông Ukraine) bị cháy khả năng do bị trúng pháo. Hình ảnh vệ tinh: MAXAR TECHNOLOGIES

Xét đến bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã không nói gì về bất kỳ hình thức đàm phán nào đối với Nga trước và cả sau khi liên tục áp đặt trừng phạt lên Moscow. Sự mơ hồ này khiến toàn bộ chiến lược của Mỹ trở nên kém hiệu quả hơn nếu mục đích của họ là đạt được một sự dàn xếp chính trị với Nga để kết thúc xung đột mà không có sự thay đổi chế độ nào ở Kiev. Theo ông Dan Drezner, một nhà khoa học chính trị tại ĐH Tufts (Mỹ), sự thiếu rõ ràng của Mỹ và phương Tây đã làm suy yếu khả năng có được một cuộc thương lượng giữa các bên vì phía Nga có thể tin rằng các biện pháp trừng phạt sẽ vẫn được duy trì cho dù họ có động thái làm hoà gì đi chăng nữa.

Tuy nhiên có cách để giải quyết vấn đề này. Mỹ và đồng minh có thể ra điều kiện giảm bớt các lệnh trừng phạt đối với hệ thống ngân hàng trung ương của Nga để đổi lấy một lệnh ngừng bắn, ít nhất là tạm thời. Xét đến bối cảnh rộng lớn hơn, phương Tây và Ukraine có thể kết hợp việc giảm nhẹ trừng phạt cùng với một số sự nhượng bộ ngoại giao, như cam đoan rằng Mỹ sẽ không bao giờ đóng quân ở Ukraine, như một công cụ đàm phán hướng tới một thoả thuận hoà bình thật sự.

Vẫn có khả năng ông Putin sẽ không quan tâm đến bất kỳ cơ hội thương lượng nào. Trong trường hợp đó, phương Tây sẽ cần phải dựa vào một thứ khác để đưa ông Putin vào bàn đàm phán, đó chính là các vấn đề chính trị trong nước. Đây là kim chỉ nam mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác cần phải xâu chuỗi trong những ngày tới: giữ áp lực lên Nga mà không khiến tình hình quá leo thang, đồng thời tạo ra một con đường ngoại giao có thể chấp nhận được đối với Điện Kremlin và cả Kiev. Việc này sẽ không dễ dàng, nhưng đó là hy vọng tốt nhất mà phương Tây và Ukraine có.

Các nước cần đàm phán thực chất để chấm dứt xung đột

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng các nước cần đàm phán thực chất để chấm dứt xung đột.

Theo ông, để chấm dứt xung đột điều cộng đồng quốc cần làm bây giờ là tạo ra môi trường thuận lợi cho ngừng bắn, đàm phán thực chất để đi đến chấm dứt xung đột, và tăng cường các nỗ lực cứu trợ dân thường.

Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh chấm dứt xung đột, nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế bình thường là lợi ích của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn đang phải vật lộn với các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Nói về vị thế của Nga và Ukraine trên trường quốc tế sau cuộc xung đột, Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng vị thế của quốc gia nào cũng phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố: sức mạnh tổng hợp của quốc gia đó và ứng xử của quốc gia đó với các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế. Sức mạnh tổng hợp quốc gia được đo bằng tiềm lực kinh tế, quốc phòng, sức hấp dẫn về các mặt và đường lối đối ngoại thông minh. Trong ứng xử, nước nào tuân thủ luật pháp quốc tế thì sẽ nhận được sự tôn trọng, vị thế của họ sẽ gia tăng và ngược lại.

 
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới