Điểm tin 28-3: Ông Zelensky nói sẵn sàng thỏa hiệp với Nga về vùng Donbass

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình hình chiến trận:

. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) hôm 27-3 cho biết đã có tổng cộng 1.119 thường dân thiệt mạng và 1.790 người bị thương kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự nhắm vào Ukraine vào ngày 24-2 đến ngày 26-3, hãng Reuters đưa tin.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của OHCHR, trong số những người dân thường thiệt mạng có khoảng 100 trẻ em. 

Lực lượng cứu hỏa đang tìm cách dập tắt một đám lửa bùng lên tại một kho chứa nhiên liệu bị trúng tên lửa của Nga ở TP Lviv, ngày 27-3. Ảnh: REUTERS

OHCHR cho rằng con số thương vong thực sự khả năng còn cao hơn nhiều. Nhiều khu vực giao tranh dữ dội vẫn chưa thể có thống kê thương vong dân thường.

Theo ghi nhận, hầu hết các thương vong dân thường do vũ khí nổ có phạm vi tác động rộng, chẳng hạn từ các cuộc pháo kích và không kích bằng tên lửa.

Xe tăng của quân đội Ukraine. Ảnh: AFP

. Cũng theo Reuters, tại TP Kharkiv, nơi đạn pháo Nga đã làm hư hại và phá hủy hơn 1.000 tòa nhà, lực lượng quân đội và người dân đang xây dựng rào chắn bằng các bao cát để bảo vệ thành phố.

"Chúng ta phải bảo vệ thành phố để các thế hệ tương lai biết được một thành phố mà chúng ta đã biết" - ông Petro, 72 tuổi, đã ở lại Ukraine để tham gia bảo vệ đất nước, nói.

Khói bốc lên sau các cuộc không kích của Nga ở TP Lviv, Ukraine, hôm 26-3. Ảnh: AFP

Động thái của các bên:

. Reuters ngày 27-3 dẫn lời Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine sẵn sàng sửa hiến pháp theo chủ trương trung lập và thỏa hiệp với Nga về tình trạng của khu vực ly khai ở vùng Donbass như một phần của thỏa thuận hòa bình.

Thông điệp trên được ông Zelensky trực tiếp đưa ra cho các nhà báo Nga trong cuộc điện đàm mà Điện Kremlin đã cảnh báo trước với các hãng truyền thông nước này rằng không được đưa tin.

"Các đảm bảo về vấn đề an ninh và sự trung lập cũng như tình trạng phi hạt nhân hóa của nhà nước Ukraine, chúng tôi sẵn sàng chấp thuận" - Tổng thống Zelensky nói bằng tiếng Nga, thêm rằng bất kỳ thỏa thuận nào phải được các bên thứ ba làm chứng và đưa ra trưng cầu dân ý.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ, vào ngày 25-3. Ảnh: REUTERS

. Bên cạnh đó, theo hãng tin AFP, Tổng thống Zelensky cũng đã bày tỏ sự giận dữ và, yêu cầu các quốc gia phương Tây cung cấp một phần nhỏ khí tài quân sự trong kho dự trữ của họ cho đất nước của ông và ám chỉ khả năng phương Tây e sợ Nga.

Một số quốc gia đã hứa sẽ gửi tên lửa chống thiết giáp và phòng không cũng như các loại vũ khí khác cho Kiev song ông Zelensky cho biết Ukraine vẫn chưa nhận được những gì họ cần.

"Họ hứa cho chúng tôi xe tăng, hệ thống phòng thủ tên lửa. vũ khí chống hạm. Tất cả điều này không chỉ vì sự tự do của Ukraine mà còn vì sự tự do của châu Âu. Chúng tôi đã chờ đợi 31 ngày. Ai là người phụ trách ở khu vực châu Âu - Thái Bình Dương? Hay họ đang sợ Moscow?” - ông thắc mắc.

Phát ngôn viên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Ibrahim Kalin trong cuộc phỏng vấn tại Istanbul, ngày 27-9-2020. Ảnh: REUTERS

. Liên quan đến cuộc phỏng vấn trực tuyến giữa ông Zelensky và các phóng viên Nga, Cơ quan giám sát truyền thông của Moscow (Roskomnadzor) cho biết các hãng truyền thông nước này không được đưa tin về cuộc phỏng vấn trên, thêm rằng họ đã bắt đầu một cuộc điều tra xem hãng truyền thông nào đã phỏng vấn nhà lãnh đạo Ukraine.

"Roskomnadzor cảnh báo các phương tiện truyền thông Nga về sự cần thiết của việc hạn chế công bố cuộc phỏng vấn này" - cơ quan này thông báo, nhưng không đưa ra lý do vì sao các hãng truyền thông lại không được đưa tin về cuộc phỏng vấn này, theo Reuters.

Các công tố viên Nga cho biết sẽ đưa ra ý kiến pháp lý đối với các tuyên bố được ông Zelensky đưa ra trong cuộc phỏng vấn và về tính hợp pháp của việc công bố cuộc phỏng vấn này.

Nhân viên y tế vận chuyển một phụ nữ bị thương trong vụ pháo kích của Nga vào một tòa nhà chung cư ở thủ đô Kiev, Ukraine vào ngày 26-2. Ảnh: REUTERS

. Cũng theo AFP, chính quyền Ukraine hôm 27-3 cho biết vòng đàm phán trực tiếp theo giữa phái đoàn Kiev và Moscow sẽ diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 28-3, chỉ hơn một tháng sau khi Nga xâm lược Ukraine.

"Hôm nay, trong một cuộc đàm phán trực tuyến khác, 2 bên đã quyết định tổ chức vòng đàm phán trực tiếp tiếp theo của 2 phái đoàn tại Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 28 đến 30-3" - ông David Arakhamia, một thành viên phái đoàn Ukraine thông báo trên trang Facebook của mình.

Trưởng phái đoàn đàm phán của Nga, ông Vladimir Medinsky sau đó cũng đã xác nhận thông tin về các cuộc đàm phán trực tiếp sắp tới với Ukraine, nhưng lại đưa ra khung thời gian khác một chút so với phía Kiev đưa ra, nói rằng họ sẽ bắt đầu vào ngày 29 và kết thúc vào ngày 30-3.

Người dân Ukraine chất đống bao cát làm tường che chắn ở TP Kharkiv. Ảnh: AFP

. Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi cộng đồng quốc tế kiềm chế cả lời nói và hành động của mình trong việc tìm cách giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, Reuters đưa tin.

"Chúng tôi muốn ngăn chặn chiến dịch quân sự mà Nga phát động ở Ukraine mà không khiến căng thẳng leo thang thêm, đó là mục tiêu chính" - ông Macron nói, đồng thời lưu ý mục tiêu của các bên là đạt được lệnh ngừng bắn và thỏa thuận rút quân từ Nga thông qua các biện pháp ngoại giao.

Người dân Ukraine chất đống bao cát làm tường che chắn ở TP Kharkiv. Ảnh: AFP

“Nếu đây là những gì chúng ta muốn làm, chúng ta không nên khiến mọi thứ leo thang thêm nữa,  cả bằng lời nói hay hành động” - ông Macron nhấn mạnh.

Trước đó, vào ngày 25-3, Tổng thống Pháp thông báo ông đang tìm cách để hội đàm nhiều hơn với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong những ngày tới, cũng như tìm ra cách để giúp người dân rời khỏi TP Mariupol ở Ukraine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh NATO, tại Brussels, Bỉ, vào ngày 24-3. Ảnh: REUTERS

. AFP dẫn lời ông Ibrahim Kalin, phát ngôn viên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 27-3 cho biết chính quyền Istanbul và các quốc gia khác vẫn phải duy trì quan hệ và đối thoại với Nga để giúp chấm dứt cuộc chiếh ở Ukraine, thêm rằng Kiev hiện đang rất cần thêm sự hỗ trợ để tự vệ.

“Nếu mọi người phá hủy hết con đường đối thoại với Nga thì ai sẽ nói chuyện với họ vào cuối ngày” - ông Kalin nhấn mạnh.

"Người Ukraine cần được hỗ trợ bằng mọi cách để họ có thể tự vệ, song chúng ta cũng cần phải lắng nghe Nga, bằng cách này hay cách khác, để chúng ta có thể hiểu được những bất bình của họ” - ông Kalin nói thêm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu trước người dân Ukraine, tại Kiev, vào ngày 23-3. Ảnh: REUTERS

. Trong cuộc điện đàm với ông Putin hôm 27-3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhấn mạnh rằng cần có lệnh ngừng bắn và tạo điều kiện tốt hơn cho các hoạt động nhân đạo ở Ukraine.

"Tổng thống Erdogan lưu ý tầm quan trọng của lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, việc thực hiện hòa bình và cải thiện các điều kiện nhân đạo trong khu vực" - đại diện văn phòng tổng thống cho biết sau đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm