Chiều 15-10, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 phối hợp Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia tổ chức tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm trong thu nhận và điều phối giác mạc giữa Việt Nam và Singapore.
Tọa đàm nhằm giới thiệu, chia sẻ những mô hình vận hành ngân hàng mô hiện đại, đã được áp dụng thành công tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.
Được thành lập từ tháng 2-2024, Ngân hàng Mô - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 bắt đầu kết nối, hợp tác với các ngân hàng mô trực thuộc các cơ sở y tế quốc tế từ tháng 5-2024.
Tính đến ngày 10-10-2024, Ngân hàng Mô - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã thu nhận trong và ngoài nước 57 giác mạc, điều phối cho 4 bệnh viện tại Hà Nội và TP.HCM.
“Đây vẫn là những thành tựu rất khiêm tốn và khởi đầu. Chúng tôi mong muốn học được nhiều về cách thức vận động để phát triển nguồn giác mạc hiến, mang đến thêm nhiều hi vọng cho người mù lòa”, PGS Hoàng Thị Minh Châu, Ngân hàng Mô - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, nói.
Chia sẻ kinh nghiệm tại tọa đàm, TS.BS Howard Cajucom-Uy, phụ trách Ngân hàng Mắt Singapore, cho biết hiện nay các kỹ thuật y học, phương pháp lấy - ghép giác mạc không phải là vấn đề khó nhất. Rào cản lớn nhất chính là làm sao để có được nguồn giác mạc hiến.
“Tôi nghĩ đây là vấn đề, rào cản chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Để tăng nguồn giác mạc hiến, người thân, gia đình của những người qua đời cần đồng ý hiến. Để thuyết phục các gia đình này, công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn rất quan trọng”, ông Howard nhấn mạnh.
Theo người phụ trách Ngân hàng Mắt Singapore, đơn vị này có một đội ngũ tư vấn viên về vận động hiến giác mạc. Họ đều được đào tạo rất bài bản, chuyên nghiệp, khéo léo, có kỹ năng thuyết phục và nắm bắt tâm lý người khác rất tốt.
“Lấy ví dụ khi có một người qua đời, tư vấn viên của chúng tôi sẽ tiếp cận người nhà họ và chia sẻ, hỏi han, động viên. Sau đó, tư vấn viên sẽ trao đổi những câu hỏi với người nhà như: Khi còn sống thì người đã khuất là người như thế nào, có phải luôn thích cho đi, trao yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ người khác hay không?
Tư vấn viên sẽ cố gắng để những người thân hiểu rằng hiến giác mạc thực sự là mong muốn của người đã khuất”, ông Howard chia sẻ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Mắt Singapore còn tăng cường truyền thông, vận động hiến giác mạc thông qua dán poster tại một số nơi công cộng như bệnh viện, xe bus… để tăng nhận diện đối với người dân.
“Tất nhiên, chúng ta không kỳ vọng rằng có thể tác động đến tất cả mọi người, nhưng chỉ cần một số ít người quan tâm cũng là một thành công rồi”, ông Howard nói thêm.
Ông Howard nhấn mạnh cần thừa nhận rằng không có công thức chung, cố định trong việc thuyết phục người nhà, gia đình của người đã khuất hiến tạng, giác mạc.
Cách thức, phương pháp tư vấn của các nước, trung tâm, bệnh viện chỉ là tư liệu tham khảo. Bản thân các đơn vị, ngân hàng mắt của mỗi quốc gia, bệnh viện cần hiểu được đặc thù tính cách, văn hóa của đất nước, con người mình để thuyết phục, tư vấn gia đình người đã mất một cách phù hợp nhất.