LTS: Thật bất ngờ, sau khi đọc đến hết dòng cuối của bút ký dưới đây. Cần biết bao một sự nhìn lại, tạm gọi là “tính sổ cuối năm”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Buổi tối, tôi và Tường Vân bắt đầu rong ruổi. Thì cũng xuống La Cai nhét cái gì đó trong bụng, xuống café bờ sông vùng Thanh Đa rồi tạt qua cầu Sài Gòn xem thanh niên túm tụm quanh thùng bia Tiger trên hành lang đi bộ của cầu. “Có vậy thôi à? Em tưởng phải có gì khác chứ!” - Tường Vân nói với giọng ỉu xìu, vẻ hồ hởi lúc ra đi đã tan biến đâu mất.
Vũ trường Sài Gòn về đêm.
“Có một bộ phận thanh thiếu niên Sài Gòn sống về đêm như thế…” - tôi trả lời. Cô gái của thủ đô phụng phịu: “Xem ba cái vớ vẩn, chả học được gì!”.
“Học?” - tôi hỏi với vẻ ngạc nhiên.
“Chứ anh nghĩ sao?”. Tôi bật cười trước ý nghĩ thật lạ lùng của Tường Vân.
Thế rồi chúng tôi lại đi. Qua con đường đầy bóng tối của Sở Thú, nơi có phiên chợ tình của những chàng trai đồng tính, cô gái sợ hãi ôm chặt lấy tôi.
Trước một khách sạn thuộc loại to nhất nhì thành phố, chúng tôi ngừng xe ở bên kia đường. Tường Vân mở to đôi mắt nhìn những cô gái ăn mặc như ở bãi biển Brazil cặp tay với những chiếc-bụng-bự-bia, bước vào một nơi-không-ai-ngủ dù mang danh phòng ngủ! Tường Vân thở dài sườn sượt, chả cứ gì Sài Gòn, ở đâu cũng đầy ứ những điều không vui như vậy.
Vào lúc 3 giờ sáng, chúng tôi quyết định uống chút gì đó cho tỉnh ngủ.
Quán café gần chợ Tân Sơn Nhất lác đác vài bàn có khách. Họ ăn mặc có phần sang trọng dù đã lôi thôi sau một đêm “vui-tới-bến”. Những chiếc điện thoại di động nằm chỏng chơ trên mặt bàn cộng với hiệu xe gắn máy thời thượng, quá đủ để nói lên đẳng cấp “không xoàng” của họ. Họ nói chuyện râm ran về những cô gái bán cho họ niềm vui và cả về nỗi buồn chán sau một cuộc vui…
Tường Vân có vẻ không thích thú gì loại người này, nếu không nói là cô có chút coi thường họ.
Bên cạnh đó, có những người tần tảo với gánh hàng rong trong đêm.
Chúng tôi gọi hai ly chanh nóng và im lặng đeo đuổi theo suy nghĩ riêng của mình. Trước quán có một khoảng tối cặp theo hông một dãy phố lầu của những chủ nhân giàu xổi thời mở cửa. Có những hình hài co ro trong những bao vải đầy mụn vá, đang tá túc nơi khoảng tối ấy để săn tìm một chút ít giấc mơ bình thường.
Một bà cụ ngồi ho sù sụ dưới ánh trăng hắt hiu của bóng đèn điện trước một shop quần áo. Gió gần tết se lạnh đối với những người ăn mặc đủ đầy và lạnh thấu xương đối với những người nghèo vất vưởng.
Chợt Vân chạm khẽ vào tay tôi. Một cô gái bước chân vào quán với chút ngơ ngác và mệt mỏi trên gương mặt. Cô không đẹp và không hề hấp dẫn dù đã cố gắng với bộ quần áo đặc trưng của giới ăn sương.
Những gã đàn ông sang trọng và hiếu sắc cũng ngẩng lên nhìn cô lượng giá. Sau khi xác nhận cô thuộc vào hệ-đứng-đường, loại mà họ thường phát biểu “cho cũng chẳng thèm”, tất cả lại quay đi tiếp tục những câu chuyện ruồi bu. Cô gái cũng biết phận nên sau khi gọi café, cô lặng lẽ quay mặt ra ngoài đốt một điếu thuốc và chờ đợi.
Cô gái Hà thành ngồi nhìn chăm chăm vào người vừa xuất hiện. Dù sao, nhìn cô gái ăn sương cấp thấp nhất này không bị xốn mắt so với khi nhìn bọn trọc phú thời kinh tế tư bản hoang dã, nên Vân quay hẳn ra đường như cô ta.
Hút chưa xong điếu thuốc, cô gái ăn sương đứng dậy bước ra khỏi quán nhưng vẫn để lại chiếc giỏ xách nhỏ trên bàn cùng với gói thuốc Hero.
Cô gái đến ngồi cạnh bà cụ đang ho rũ rượi. Họ nói chuyện với nhau một lúc, chợt cô gái đứng dậy quay trở lại quán. Cô lục trong giỏ ra chiếc áo gió khá mới và đẹp, cùng với một túi giấy.
Cô lại ra ngồi xuống cạnh bà cụ. Khoác chiếc áo gió của mình lên đôi vai gầy nhô lên dưới lớp áo nhăn nhúm của bà cụ, cô gái nói gì đó với bà cụ và tháo chiếc túi giấy lấy ra chiếc bánh bao đưa bà cụ.
Đến lúc này, Tường Vân đã thực sự chú ý. Không riêng gì Vân, những vị khách đầy vẻ sang trọng cũng bớt ồn ào và cũng chăm chú nhìn vào cô gái ăn sương.
Cô gái đưa cho bà cụ một tờ giấy bạc, cô thì thầm gì đó một lúc mới giúi được vào tay bà cụ.
Cần lắm những sự sẻ chia với người nghèo khổ không nơi nương tựa…
Đám người sang trọng bĩu môi khi nhìn thấy cảnh đang xảy ra.
Họ khó chịu là phải.
Có ai thích thú khi nhìn thấy người khác vượt trội hơn mình, nhất là vượt trội trong lĩnh-vực-đầy-tế-nhị là lòng tốt? Hơn thế nữa, lòng tốt đó lại đến từ một cô gái “đứng đường”.
Cô gái dường như không biết rằng mình đã xúc phạm một cách không thể tha thứ đối với đám người luôn tự cho mình “ăn trên ngồi trốc”. Cô quay trở về với ly café nguội ngắt, vẫn rụt rè đầy mặc cảm của một người mạt hạng.
Bất giác tôi có cảm giác xấu hổ.
Vì sao xấu hổ? Tôi cũng chưa thể trả lời câu hỏi ấy cho mình, có điều tôi chợt nhận ra: Giữa cuộc sống bon chen ở Sài Gòn bụi bặm, tôi đã thờ ơ biết bao với mọi người quen và không quen.
Tôi đã sống như một xác chết khô thì phải?
Tuờng Vân đứng dậy cầm theo ly chanh nóng đến cạnh cô gái ăn sương và nở nụ cười làm quen. Trong khi đó, đám khách sang trọng gọi chủ quán tính tiền và lục tục rời quán.
Tôi vẫn ngồi một mình với ly chanh nóng và nhìn lại suốt quãng thời gian đã sống chưa tử tế của mình.
Cho đến lúc cô gái ăn sương rời quán leo lên chiếc xe ôm quen thuộc, Tường Vân mới quay lại ngồi cạnh tôi. Cô gái Hà thành nhìn tôi một cách lạ lẫm và chính tôi cũng chợt nhận ra mình đã xa lạ với chính mình biết bao.
“Về nhà thôi, anh Hai!” - cô nói nhỏ.
Tường Vân không kể lại những gì đã nói chuyện với cô gái đứng đường. Tuần sau đó, cô trở ra Hà Nội. Hôm tiễn đưa ở sân bay, Tường Vân trao cho tôi một bức thư kèm lời dặn: “Đêm nay anh Hai mới được đọc đấy nhé, em ghi lại kỷ niệm về một đêm lang thang ở Sài Gòn”.
Vật vờ giấc ngủ nơi quán nước nửa đêm về sáng.
Lá thư được viết trên giấy học trò với nét chữ ngay ngắn không bay bướm như tính cách của Tường Vân:
“Anh Hai mến,
Vân cảm ơn anh về một đêm cùng lang thang trên đường phố Sài Gòn, dẫu không mấy gì đặc sắc! Những cuộc chơi trác táng thâu đêm của dân chơi Sài Gòn xem ra cũng chẳng mấy gì khác ở nơi em. Nhưng em thất vọng khi nhiều người thành phố tất bật như những con ong và thờ ơ với tất cả những gì họ cho là “không thuộc về mình”.
Bên cạnh những cư dân thượng lưu trưởng giả, có một dòng chảy cuồn cuộn những con người nghèo khổ. Họ vất vả mưu sinh đến nỗi cái gọi là giải trí cũng trở nên xa vời. Những gì giới thượng lưu rất dễ dàng nắm lấy trong tay thì đối với người nghèo cũng chỉ là giấc mơ, cũng chỉ có thể đạt được trong giấc ngủ êm đềm bất chợt, hiếm hoi.
Bi kịch nằm ở chỗ: Những người nghèo mặc nhiên chấp nhận sự bất công ấy và gọi cho nó cái tên “định mệnh”.
Trong khi đó, có những chàng trai, cô gái thẫn thờ theo những lời ca bay bổng đầy chất triết học hoặc đẫm nét trữ tình thở than, nhưng tiếc thay có mấy ai xúc động với nỗi đau của đồng loại! Họ đi tìm những ưu tư thân phận một cách giả tạo và cường điệu những khổ đau vớ vẩn, nhưng không ai tìm đến kẻ khác đang oằn vai gánh khổ cơm áo gạo tiền.
Bài học về lòng nhân ái em nhận được từ hành vi của cô gái đêm ấy, cô gái mà bọn người trưởng giả gớm ghiếc trong quán café tự cho mình có quyền xem thường, quả là lớn lao và đầy đủ… Bà cụ mà cô gái đến để an ủi là một bà mẹ bất hạnh bị các con cái thành đạt bỏ rơi. Lũ con phất lên trong thời buổi cuống cuồng chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ, tôn thờ vật chất, đã không còn muốn nhận mặt bà mẹ. Thế nhưng khi cô gái hỏi thăm, bà vẫn nằng nặc nhận phần lỗi về bà và bênh vực cho sự khốn kiếp nhẫn tâm ấy bằng tấm lòng rất đỗi bao dung của một bà mẹ.
Cô ấy chẳng buồn để ý đến thiên hạ sẽ nói gì về việc làm đêm ấy, cô ấy bảo em: “Chỉ có mình mới hiểu mình!”. Cô ấy cũng chẳng màng đến việc có ai đó sẽ chê bai hoặc ngợi khen, “Lúc ấy, thấy phải làm thì làm, thế thôi!”.
Em học được ở cô ấy điều em hoàn toàn chưa biết. Trước đây em cứ nghĩ, muốn có ích cho đời thì trước hết phải có điều kiện. Nhưng hóa ra, khi người ta trở nên giàu có thì cũng chính là lúc họ nghèo đi chất người.
Nghèo khổ sẽ làm cho chúng ta khó khăn hơn trong việc làm tốt cho người khác. Nhưng sự nghèo khổ sẽ làm cho chúng ta cảm thông một cách dễ dàng hơn với những mảnh đời bất hạnh.
Điều đáng sợ nhất đã đến sau bài học của một Sài Gòn về đêm: Em không biết phải sống như thế nào và hành động ra sao… Trong lòng xã hội hiện nay, ngày càng nhan nhản những mặt người quái thai, vô cảm đến tận cùng. Chất người mất dần bởi sự lãng quên…”.
Tôi thẫn thờ suốt mấy ngày sau khi đọc lá thư của Tường Vân. Cô gái thủ đô đã nói lên những gì tôi nghĩ bấy lâu. Nhưng tôi chỉ nghĩ một cách thờ ơ, vì thờ ơ đã biến thành thuộc tính của tôi sau khi sống tất bật với Sài Gòn quá lâu. Tôi hóa ra cũng tầm thường hơn những gì mình tự đánh giá.
Cuối cùng tôi cũng tự hỏi mình như Tường Vân: Sắp tới sẽ sống ra sao và sẽ sống như thế nào… Nếu chỉ dừng lại ở sự cau mày thở dài thì có ích gì cho bà cụ trong một đêm Sài Gòn cận tết? Với một người kiếm cơm bằng nghề cầm bút như tôi, việc đó chẳng khác nào một tiểu thuyết viết tồi, không hơn không kém.
NGUYỄN MINH CHÍ