1. Mưa đang ào chợt tạnh. Bầu trời đang sầm tối chợt dạt mây sáng hửng. Nhưng chỉ một chốc sau lại sầm tối. Mưa rào rào. Rồi thì gió rất mạnh thổi qua. Rồi thì trời hửng nắng. Ngoài biển hiện vùng sáng lênh loang xanh bạc, dài như một lưỡi đao khổng lồ, được bao vây bởi những ngọn sóng sẫm. Rồi thì mây chuyển loạn, xô dạt, tầng tầng lớp lớp. Lưỡi đao như chìm xuống đáy. Biển tung những đợt sóng xanh.
Tôi ngồi một mình trong hàng hiên của resort, nheo mắt nhìn ra ngoài biển. Một ngày thật kỳ lạ. Nắng mưa cứ như là trò chơi. Ngồi cho gần đến buổi trưa thì trở vào trong phòng, mở laptop lên để tiếp tục trang viết. Nhưng rồi tôi cứ ngồi thừ trước màn hình máy tính. Không phải vì biển ngoài kia đang khuấy đảo tâm trí tôi, mặc dù đã có những thời khắc bị choáng động. Tôi không thể viết được chữ nào vì máy tính không kết nối được với Internet. Tờ mờ sáng nay có một trận mưa to và sét đánh trúng trạm thu phát sóng hay làm đứt đường dây gì đó, làm mạng Internet bị ngắt hoàn toàn. Nhân viên của resort thông báo như vậy.
Không thể viết vì máy tính không thể kết nối Internet! Tôi chợt nhận ra cái điều tưởng chừng đơn giản, hiển nhiên đó không hề nhẹ nhàng chút nào, trái lại thật khó chịu, nếu không muốn nói là kinh khủng, mặc dù tôi đang trong quá trình làm một bản thiết kế văn chương, một thể loại fiction (hư cấu), không cần Internet để check mail, hay tìm kiếm, tham khảo một cái gì đó. Cái tôi cần là sự tĩnh lặng, tập trung suy nghĩ sâu để dấn bước mạnh mẽ vào trang viết. Thế mà tôi lại ngồi đó, thật kỳ cục, không viết được chữ nào. Bằng tất cả sự nỗ lực nhưng tôi nhận ra mình không thể.
Từ bao giờ bạn nhận ra mình không làm gì được khi không thể kết nối Internet?
2. Có bao giờ bạn ở vào tình thế tương tự như tôi? Từ bao giờ bạn nhận ra mình không làm gì được khi không thể kết nối Internet?
Như mọi công dân đô thị hiện nay, mỗi buổi sáng chúng ta thức dậy với việc đầu tiên là khởi động điện thoại, mở iPad, bật laptop… Chúng ta check mail, lướt net đọc báo, vào Facebook… Mỗi buổi sáng, với một tách cà phê “tăng cường công suất não”, chúng ta “hòa mạng não” mình với các kênh kỹ thuật số. Chúng ta ngồi một chỗ nhưng não chúng ta đang lao vun vút những mũi tên, những tia chớp tiếp dẫn liên thông với thế giới. Chúng ta đọc một lá thư vừa gửi đến, lướt qua một số tin tức thời sự, rồi đi vào và ở lại khá lâu ngôi nhà Facebook của mình. Vào Facebook, chúng ta xem lại những tấm ảnh mình đã post lên, những status mình đã viết. Chúng ta đếm lại bằng mắt số like, ghi vào não một số comment thú vị. Chúng ta vui khi nhận được like khá nhiều, sảng khoái khi số like hôm nay có vẻ tăng đột biến. Chúng ta buồn thiu khi thấy like thưa thớt. Dường như chả có ai ghé vào thăm nhà mình? Hay đã có một trục trặc nào đó? Hay là chúng ta chưa để ở chế độ public? Hay là status này viết nhạt quá? Vân vân và vân vân.
Thế rồi chúng ta bắt đầu loay hoay với nó. Cũng có khi chúng ta mắc kẹt vào đó. Như con mèo khó ưa trong phim hoạt hình Tom & Jerry mắc cái đuôi của mình vào kẹt cửa nhưng vì có việc phải giải quyết gấp nên nó cứ kéo mãi cái đuôi ấy dài ra. Khi ấy chúng ta có thể đã đi ra ngoài, hoặc đang dự trong một cuộc họp, hoặc đang cần theo đuổi rốt ráo một ý nghĩ… Thế nhưng tâm trí ta như cái đuôi của Tom vẫn còn mắc trong… cánh cửa Facebook. Khi chúng ta càng cố chạy ra xa thì càng cảm thấy “đau đớn” khó chịu. Và do sự mắc kẹt ấy quá chặt nên đến một lúc nào đó thì nó sẽ bật lại, dội ngược về như mũi tên lao vun vút. Lúc đó hình ảnh mà chúng ta thường thấy là một người đang họp vội vã lướt ngón tay trên iPad, sau đó đầu ngón trỏ liên tục chấm chấm vào màn hình. Ðó là lúc mọi người đang quay lại Facebook với một sự nôn nao, nôn nóng muốn nhìn xem status của mình đã được bao nhiêu like, muốn xem những bạn bè trình diễn điều gì mới, có gì đang hot không... Rồi thì trong khi lướt, mọi người tranh thủ bấm like, bấm lia chia, dù là chưa đọc hết. Phải bấm like, bởi ai cũng biết một điều mang tính tiên quyết rằng: “Nếu anh không like tôi thì tôi cũng chẳng like anh”. Sống ở đời “có qua có lại mới toại lòng nhau” thì trên Facebook cũng tương tự như vậy. Bạn không thể mong status mình nhiều like nếu như bạn hà tiện like người khác (!).
Minh họa: Đỗ Trung Quân
3. Chữ F trong chữ Facebook thật là khéo đặt. Vì sao? Vì khi trên mạng, mắt chúng ta đọc lướt, như đang nhún nhảy trên một cái xương cá vậy. Chữ F cũng na ná như một cái xương cá vậy. Có điều là chúng ta không biết đó là cá gì. Thôi thì mỗi người tự quy định cho mình. Tôi thì tưởng tượng đó là xương một con cá bò da. Tôi thích xương cá này vì có thể chiên giòn lên rồi chén sạch, không chừa miếng nào (!).
Tất nhiên là bạn biết tôi đang nói đùa. Vui vẻ cũng là tinh thần chung của Facebook. “Chém gió” là một từ rất mới, chưa được bổ sung vào từ điển tiếng Việt. “Chém gió” nghe rất vui, rất hào sảng. Nhưng “chém gió” có giống gì với nói dối không? Hình như là có, hình như là không. Hay là nó từa tựa nhau? Tôi nhớ có lần đọc trên mạng nói về một cuộc khảo sát có tên Barclaycard được tiến hành với 2.000 người dùng mạng xã hội ở nước Anh thì 1/10 số người thừa nhận rằng họ có nói dối trên mạng. Ðàn ông thì nói dối để tạo ấn tượng với đồng nghiệp, còn phụ nữ thì thường sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh để ảnh post lên trông quyến rũ hơn.
Ở xứ ta thì cũng vậy. Nhưng mà trên mạng xã hội xứ ta, con người ta không chỉ “chém gió” mà còn … ném đá. “Ác vô biên” hình như là ngôn ngữ của “Sát thủ đầu mưng mủ” dùng để chỉ hành động này. Có rất nhiều người khi trên mạng đã thành “sát thủ ném đá” và đương nhiên có những người vì bị “ném đá” mà bươu đầu mẻ trán, thậm chí còn nghiêm trọng hơn thế nữa. Như tôi đã từng viết trong đề cương phim Lạc mạng của mình như thế này: “Những lời nói trên mạng, nhiều khi như những viên đạn lạc, giết người”. Ðạn lạc còn làm chết người huống chi là có những viên đạn chủ đích, những mũi tên tẩm độc rình bắn (!).
4. Tôi vẫn nhớ về cái ngày xảy ra sự cố mất mạng ở biển. Tôi đã không thể viết được chữ nào trong suốt ngày hôm đó. Cho đến khi chiều xuống, tôi rảo bộ ra ngoài bãi biển, những cô gái Nga trẻ trung, xinh đẹp đi ngược chiều tôi nhưng tâm trí tôi vẫn nặng nề vì mãi nghĩ về trang viết. Mãi đến đêm mạng Internet mới được khắc phục. Tôi vui sướng vào mạng check mail, đọc báo, rồi vào… Facebook. Tôi dần chìm đắm vào đó dù lý trí vẫn biết và thấy rằng nơi này không có gì là mới mẻ hay quyến rũ. Người thích post ảnh vẫn post ảnh. Người làm thơ vẫn làm thơ. Người chửi đời vẫn chửi đời. Người khoe ăn nhậu vẫn khoe ăn nhậu. Người khoe con vẫn khoe con. Người khoe sách vẫn khoe sách. Và tôi thấy được tất cả sự mất kiểm soát của bạn bè mình.
Lúc đó tôi chợt nhớ đến Nicholas Carr có nói trong cuốn Internet đã làm gì chúng ta? (What the Internet is doing to our brains) đại ý rằng: “Chúng ta cứ nghĩ mình sử dụng Internet như một công cụ, nhưng trái lại, dần dà Internet lại biến chúng ta thành công cụ, thành nô lệ cho nó”. Và ở lời cuối sách Nicholas Carr cay đắng bảo rằng: “Khi chúng ta dựa vào máy tính làm trung gian cho sự hiểu biết về thế giới thì trí thông minh của chúng ta trở thành trí tuệ giả tạo”. Nghĩ đến đây thì tôi bật cười, nếu như ở Việt Nam thì ông Nicholas Carr chắc chắn bị ném đá te tua vì đã nói những điều có vẻ ngược với đám đông. Nhưng với riêng tôi, một kẻ biết mình nhỏ bé và yếu đuối, tôi thực sự biết ơn ông. Tôi đã nhẹ nhàng và lặng lẽ thoát ra ngoài tất cả thế giới mạng.
Không còn bị chia cắt, phân tán, như một kẻ bộ hành xuyên rừng, tôi cúi người trên laptop và viết. Những dòng chữ bắt đầu hiện ra, tiếp nối, sinh động trong không gian tưởng chừng lặng yên nhưng đầy nhạc điệu của vũ trụ.
TRẦN NHÃ THỤY