Ở chốn pháp đình, mỗi gương mặt là một cuộc đời. Tôi đã gặp nơi đó những câu chuyện khơi gợi niềm tin vào sự thấu hiểu, bao dung, yêu thương của con người.
1. Người đàn ông bồn chồn đi lại ở sân tòa. Ông đang chờ để làm thủ tục rút đơn kiện. Mới vài tháng trước thôi, ông còn chạy tới chạy lui tính đường cho tòa nhận đơn của ông, xem xét rồi thụ lý nhanh nhanh.
Căn nhà ông tranh chấp là của mẹ ông. Mẹ chỉ có hai con là ông và người anh khác cha. Cũng một mẹ sinh ra nhưng trong khi ông thông minh, đỗ đạt thành danh thì anh ông học hết phổ thông, đi nghĩa vụ quân sự, rồi về phụ chạy giao hàng cho cửa hàng tạp hóa của mẹ.
Ông lấy vợ ra riêng, còn người anh vẫn một mình ở chung với mẹ. Cuộc sống gia đình vẫn diễn ra đằm thắm. Ðến một ngày mẹ tuổi già, mắt nhắm tay buông, ra đi với nụ cười mãn nguyện nở trên môi thì chuyện đau lòng xuất hiện.
Người anh chìa ra tờ giấy chủ quyền đứng tên anh khi ông bàn chuyện bán nhà. Từ đó, bữa cơm ngày giỗ đã không còn là bữa cơm đoàn tụ. Rồi như không thể chờ củi tàn, lửa bớt, ông thẳng thừng tuyên bố rằng người anh đã lừa mẹ để được đứng tên trên giấy chủ quyền. Ông phải kiện, kiện cho ra trắng đen, phải quấy.
Rượu vơi lại đầy chứ tình vơi thì biết ngày nào đầy lại. Ðã hai mùa xuân rồi anh em ông không gặp nhau. Ông biết ông đã để mất anh mình từ những bữa cơm trệu trạo nhai trong hiu quạnh, bên tai vẫn văng vẳng lời nói cạn tình: “Lừa nhau vậy coi sao được. Tôi sẽ thưa”.
Hôm nay ông không kiện nữa. Mặc kệ vợ ông chì chiết nặng nhẹ, “giàu út hưởng, khó út chịu, chứ ai lại…”. Mặc kệ bạn bè xa gần am hiểu luật, rằng “nhà là của ông bà già anh, giờ chia theo pháp luật thì anh phải được 3/4 (của phần thừa kế theo pháp luật) chứ ít gì”.
Thì ra chính thằng con ông, thằng bé lớp 3 mê chuyện cổ tích nhắc ông nhớ lại câu chuyện mẹ kể năm nào. Câu chuyện mà hai anh em ông từng vòi vĩnh mẹ kể đi kể lại biết bao lần: Có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm. Người anh có vợ ra riêng. Gia sản chia đều, ai nấy đầu tắt mặt tối quanh năm bên ruộng đồng. Một đêm nọ, nghĩ mình độc thân, sống sao cũng được, thương anh vất vả sớm hôm lo cho vợ con, người em âm thầm chở lúa tới kho của anh. Giữa đường, người em gặp anh mình cũng đang vác một bao lúa sang vì nghĩ em tuổi nhỏ, sống một mình, chưa quen làm lụng, sợ rằng không đủ ăn. Họ hiểu ra, buông bao lúa và ôm nhau khóc. Từ đó họ sống chung hạnh phúc trên mảnh đất cha mẹ để lại...
Con người ai cũng có lúc sân si, nhưng ẩn chứa trong tâm hồn là cái chất “người”... Ảnh: M.N
2. Mấy bữa trước: “Bả chửi tui, đơm điều đặt chuyện cho tui, thiếu điều tui muốn chui xuống đất” - chị kể với vẻ đầy bức xúc, tựa hồ ngọn lửa giận dỗi đang bùng cháy trong lòng.
Là hàng xóm mấy mươi năm nay, lớn lên cùng những trò chơi tuổi nhỏ, những dĩa bánh thơm lừng hương sữa mà con bé đen nhẻm dúi vào tay bạn: “Má tao cho mày!”. Con đường đá xóm nhỏ ngoại ô biết bao thương nhớ đã từng đưa đón những bước chân tần tảo, chứng kiến những tấm lòng thơm thảo. Vậy mà con đường bỗng mất đi khi cơn bão đô thị hóa tràn đến. Người vẫn đó nhưng không phải người của những năm xưa. Lối đi chung bị rào bít lại, đơn giản vì “trên giấy tờ nó là của tôi”. Người mất lối đi không cần khiếu nại gì cả, chỉ cần rêu rao làng trên xóm dưới… Vậy là người bị rêu rao được bày đi kiện đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm hại.
Mấy bữa sau thì đã khác: “Tui không kiện nữa, chẳng cần bồi thường, chỉ cần một lời xin lỗi. Chị ấy khó khăn sao tôi hiểu quá mà. Ðất và nhà bán gần sạch rồi còn đâu. Gần bốn mươi vẫn thui thủi đi về một mình, vai không gánh mà oằn, chạnh lòng khi nghe tiếng trẻ con cười”. Nói rồi chị cười giòn tan. Thêm một tiếng cười, nắng trưa cũng bớt gay gắt. Biết đâu từ sau buổi trưa này, hàng xóm họ lại có thể góp gạo xay bột làm bánh, như những ngày xưa…
Minh họa: Đỗ Trung Quân
3. Thành phố Vị Thủy (Hậu Giang) một ngày đầu thu, người mẹ ngồi ghế đá sân tòa. Chị ôm con vào lòng, áo vén cao không khách khí, mặc cho những ánh đèn máy ảnh lóe lên, con chị cần bú. “Thằng chả còn nghèo hơn tôi mà, lấy gì bồi thường, có đòi 50.000 đồng chưa chắc có. Cùng là dân ở nhà mướn, biết nhau quá”.
Khi con bé đã no và ngủ thiếp đi trên tay mẹ, hơi thở nhè nhẹ thì chị bắt đầu trải lòng. Câu chuyện mà có lẽ chị đã kể nhiều lần rồi, vắt nước mắt nhiều lần rồi. Ðứa con chị khi còn nhỏ xíu trong tay mẹ đã bị ông hàng xóm giở trò đồi bại. “Hoàn cảnh ổng cũng nghèo như tui vậy. Không vợ con, không nghề nghiệp, sống bệnh tật. Con gái tôi thì như vậy... Thôi, coi như làm ơn lấy phước cho con tôi” - chị nói mà đôi gò má sạm đen vì mưa nắng dãi dầu như rung rung.
Tại tòa, nghe được miễn bồi thường, ông già gần 70 quay sang nhìn chị bằng ánh mắt biết ơn. Hy vọng ông sẽ giữ lời hứa của mình: “Tôi thề từ đây đến già không dám làm gì sai nữa!”.
4. Ai cũng hy vọng pháp luật được thay thế bằng lòng bao dung để có thể thay đổi cuộc đời một con người. Có biết bao tội phạm cứng đầu, lì lợm, không hề khiếp sợ trước mọi hình phạt nhưng dễ dàng rơi lệ trước sự quan tâm, tha thứ.
Có đến chốn pháp đình mới thấy thực sự không tòa án nào cao hơn tòa án lương tâm, không luật nào cao hơn luật nhân quả. Công lý là điều ai cũng mong mỏi nhưng công lý đôi khi chưa khiến người ta sửa sai tuyệt đối.
Khi mà công lý của người có thể có sai sót thì người ta trông chờ vào công lý của trời, rằng ở hiền gặp lành, người ngay sẽ gặp điều ngay...
Một ngày mưa gió, không hiểu sao anh thư ký tòa nhìn tôi mỉm cười. Anh bảo hôm nay có phiên xử mà hoàn cảnh bị cáo đáng thương lắm, chị đến dự rồi viết bài, biết đâu kêu gọi giúp được gì đó cho gia đình bị cáo. Nói “không hiểu sao” vì chính anh này nhiều lần hất hàm bảo tôi ra bảng thông báo mà xem lịch xét xử, đừng thắc mắc. Có lẽ tôi sẽ nuôi sự giận dỗi với anh thư ký tòa mấy chục năm nữa mới thôi nếu không được một lần biết về anh. Thu nhập một tháng chưa đến 4 triệu đồng nhưng hai năm theo nghề, anh đã có hàng chục lần cho tiền gia đình các bị cáo để họ mua vé xe về quê. Anh bảo nhìn cha mẹ bị cáo tất tả chạy theo con gửi gắm chai nước, ổ bánh mì anh thấy thương như thương người bà con lam lũ một nắng hai sương ở quê mình.
Vậy đó, nếu chỉ căn ke vào một vài chi tiết không thuận mắt, thuận tai có lẽ tôi đã gạt anh đi khỏi bộ nhớ không chút đắn đo. Biển người mênh mông, phủi người này đi còn ê hề người khác để ta kiếm tìm, ngại gì! Nghĩ vậy để rồi ném đá không thương tiếc nhau bằng những ngôn từ sắc bén nhất.
Những phút sân si có thể đến với bất cứ ai. Vì sân si, anh em kiện nhau, vợ đi kiện chồng, con kiện cha mẹ. Nhưng nếu soi rọi lại mình mới thấy trên hết là cái tình. Cái tình khiến người ta biết dừng đúng lúc. Một lúc nào đó, ai đó bừng bừng tức giận mà quyết kiện cho đâu đó rõ ràng. Sau đó là một khoảng lặng... Ờ, cái ông kia dữ dằn quá đi, có lối đi chung mà cũng giành. Nhưng có nghe ông ấy nói chuyện, cứ dăm câu lại khoe “thằng cu nhà mình…”, đến giờ tan trường thì tất tả đi đón con, rồi kiên nhẫn nán lại sân trường chờ con chơi xích đu, ngựa gỗ. Không yêu thương được ruột thịt của mình thì sao có thể yêu thương được những người chỉ ngang qua cuộc đời mình? Nhận ra một người yêu thương con như thế thì nhất định không là người xấu, vậy thì ta kiện làm chi nữa khi mà ta có thể nói chuyện tử tế với nhau.
Rồi tôi nhận ra con người ai cũng có lúc sân si, sần sùi nhưng ẩn chứa trong tâm hồn là cái chất “người” không thể hòa tan trong muôn vàn những xấu xa đời thường.
PHƯƠNG LOAN