Có chia rẽ trong nội bộ quân đội Triều Tiên?

Trong bài phỏng vấn với tờ Telegraph của Anh được đăng tải ngày hôm qua, trung úy Kim, 42 tuổi, người đã đào ngũ khỏi Triều Tiên, cho biết họ đã biết từ rất lâu rằng ông Kim Jong Un sẽ trở thành nhà lãnh đạo mới của đất nước, kế vị cha mình. Dù vậy trong quân đội luôn có hai phe ủng hộ và không ủng hộ nhà lãnh đạo trẻ tuổi này.

Có chia rẽ trong nội bộ quân đội Triều Tiên? ảnh 1

Có nhiều tin đồn về chia rẽ trong quân đội Triều Tiên
Người được cho là trung úy Kim đã đào tẩu vào cuối năm 2011, không lâu trước khi ông Kim Jong Un lên thay cha trở thành “tư lệnh tối cao” của quân đội Triều Tiên với lực lượng thường trực 1,2 triệu quân. 
Sự chia rẽ trong quân đội và khát khao của nhà lãnh đạo mới khoảng 30 tuổi trong việc củng cố vị thế của mình, có thể là một nhân tố đằng sau những hành động leo thang căng thẳng hiện nay.
“Càng đi xa về phía Bắc (trong lãnh thổ Triều Tiên), càng có nhiều lời đồn đoán về sự bất đồng và chia rẽ trong việc ai đang hoặc lẽ ra sẽ là nhà lãnh đạo tốt hơn”, Joseph Bermudez, một chuyên gia về quân sự Triều Tiên và là nhà phân tích tại tổ chức DigitalGlobe khẳng định. 
Ông cho biết thêm rằng hồi năm ngoái đã có tin đồn về khả năng xảy ra hành động vũ lực giữa hai phe lớn về việc ai sẽ là người chỉ huy sự phục hưng của quân đội. Điều này, ông Bermudez cho biết, có thể đã đến tai ông  Kim Jong-un và khiến hàng loạt vị trí tướng lĩnh hàng đầu bị xáo trộn sau đó.
Trung úy Kim, người từ chối cung cấp họ tên đầy đủ, cho biết ông đến từ huyện Uiju, tỉnh Pyongan, gần với thành phố biên giới Dandong của Trung Quốc. Suốt 2 năm qua Kim ẩn mình tại Trung Quốc và hiếm khi ra ngoài để chờ cơ hội sang Hàn Quốc.

Có chia rẽ trong nội bộ quân đội Triều Tiên? ảnh 2

Triều Tiên gây hấn để nhằm trấn an dư luận trong nước?
“Chúng tôi biết rằng Hàn Quốc đang trên hành trình tới sự dân chủ và họ có một cuộc sống tốt và có đủ thực phẩm. Tôi chưa từng được ăn cơm và đã khóc khi lần đầu ngửi thấy mùi cơm được nấu tại Trung Quốc này”, ông Kim khẳng định.
Cuộc phỏng vấn được phóng viên Telegraph bí mật thực hiện trên một chiếc xe taxi đậu ở vùng ngoại ô hẻo lánh của thành phố Dandong, thông qua một người môi giới đang tìm cách đưa ông Kim vượt biên vào Hàn Quốc. Nếu bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ, ông Kim sẽ bị đưa về lại Triều Tiên, nơi ông có thể phải đối mặt với án tử hình hoặc tù chung thân.
“Tôi cho ông ấy thức ăn”, người môi giới nói. “Trước đây ông ta rất gầy gò nhưng sau khi ở trong nhà nhiều năm, ông ấy đã ăn tốt hơn. Tôi có liên hệ với các điệp viên Hàn Quốc tại Dandong này. 
Họ luôn theo dõi mối liên hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên nhưng họ cũng trả tiền để tôi đưa người Triều Tiên đến cho họ. Ông ấy có lẽ sẽ được bán trong tháng tới, nhưng từ giờ đến lúc đó Triều Tiên vẫn sẽ truy lùng ông ấy”, người môi giới khẳng định nhưng từ chối cho biết tên. .
Người này tiết lộ đã đưa được từ 60 – 80 người vượt biên trong năm ngoái, nhiều người đã tìm cách thoát thân sau vụ nổi loạn hồi năm ngoái tại Manpo, một thành phố gần biên giới khác. “Cứ 10 người đào tẩu thì chỉ có 3 người thành công. Những người khác bị bắt hoặc bị bắn chết khi tìm cách bỏ trốn”, người này cho biết thêm.
Về phần mình, sau 2 năm rời khỏi Triều Tiên, ông Kim không hề biết chuyện gì đứng đằng sau những căng thẳng hiện nay. “Tôi không biết vì sao họ lại đang làm những việc đó”. Trước khi tôi ra đi chúng tôi từng nghe nói có sự đấu đá giữa Kim Jong-un và anh trai, người không thích Trung Quốc. Họ không có cùng mẹ nên khó hòa hợp với nhau”, vị sỹ quan nói. 
Nhưng ông cũng cho rằng sẽ không có chiến tranh và chính quyền hiện tại vẫn sẽ nắm quyền bất chấp những vấn đề ở nhiều khu vực trong nước. “Tình hình hiện rất tệ. Nhiều người đang chết đói. Có một số người giàu có, các chính trị gia giàu có với rất nhiều tiền. Nhưng hầu hết chẳng ai có gì. Cha và mẹ tôi đều chết vì đói còn anh trai tôi chết vì bệnh”.
Ông Kim cho biết mình từng chỉ huy một công ty xây dựng chuyên khoét núi để lắp các thiết bị quân sự. “Chúng tôi từng đào công sự để chuẩn bị cho chiến tranh. Một số dự án kéo dài tới 6 năm”. Khi được hỏi liệu quân đội Triều Tiên có còn mạnh, trung úy Kim trả lời không do dự: “Có chứ, rất mạnh”. 
Tuy nhiên người môi giới thì cười và nói rằng: “Họ được dạy rằng họ là quân đội mạnh nhất thế giới và được trang bị hiện đại nhất. Nhưng thực tế, các thiết bị họ đang dùng đã được sử dụng tại Trung Quốc từ 60 năm trước”. 
Theo Thanh Tùng (Dân trí / Telegraph)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm