'Cô dâu IS' bị tước quốc tịch, tòa Anh xử sao?

(PLO)- Tòa Phúc thẩm London cho rằng quyết định của tòa cấp dưới về việc tước quốc tịch Anh của "cô dâu IS" Shamima Begum là đúng theo luật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2015, cô Shamima Begum rời nước Anh để kết hôn với một phiến quân của tổ chức khủng bố nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Năm 2020, cô Begum bị tước quốc tịch Anh và không thể quay lại nước này.

Sau đó, cô Shamima Begum nộp đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm Anh về việc cô bị tước quốc tịch nhưng bị xử thua kiện. Cô Begum giờ đây là người không có quốc tịch.

'Cô dâu IS' bị tước quốc tịch, tòa phúc thẩm giải quyết ra sao?
Cô Shamima Begum vào năm 2019. Ảnh: GETTY IMAGES

Chuyện gì đã xảy ra với cô Shamima Begum?

Năm 2015, khi 15 tuổi, cô Shamima Begum cùng 2 người bạn bay từ Anh tới Syria để gia nhập IS. Khi ở đó, cô kết hôn với một phiến quân IS và sống vài năm ở Raqqa (Syria), theo đài CNN.

Năm 2019, cô Begum xuất hiện trở lại trại tị nạn al-Hawl (Syria). Cùng năm này, cô gửi kiến nghị đến chính phủ Anh xin phép được quay về quê nhà để sinh con trai. Khi ấy, cô xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông quốc tế với tên gọi “cô dâu IS”.

Vào tháng 2-2019, Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid đã tước quốc tịch Anh của cô Begum. Trong tháng 3-2019, đứa con trai mới sinh của cô Begum chết trong trại tị nạn ở Syria.

Vào tháng 2-2020, một tòa án ở Anh đã ra phán quyết rằng việc tước bỏ quốc tịch của cô Begum là hợp pháp vì cô là "công dân gốc Bangladesh". Do đó, việc tước quốc tịch Anh của cô sẽ không khiến cô trở thành người không quốc tịch.

Tuy nhiên, phía Bangladesh cho biết quan điểm của tòa án Anh là không đúng và không cho phép cô Begum nhập cảnh vào nước này.

Cô Begum sau đó đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm London, đề nghị xem xét lại quyết định tước quốc tịch của cô.

Tuy nhiên, ngày 23-2, Tòa Phúc thẩm London giữ nguyên phán quyết của tòa án trước đó rằng quyết định của chính phủ Anh về việc tước quyền công dân của cô Begum là hợp pháp.

Tòa phúc thẩm nói gì?

Tại phiên tòa, Thẩm phán Sue Carr cho biết: "[Chúng tôi] lập luận rằng trường hợp của cô Begum là quá khó khăn. [Chúng tôi] cũng có thể lập luận rằng cô Begum là người gây ra bất hạnh cho chính mình".

23uk-begum-jumbo.jpg
Cô Shamima Begum bị chính phủ Anh tước quốc tịch vào năm 2019. Ảnh: GETTY IMAGES

"Nhưng tòa án này không có quyền đồng ý hay không đồng ý với các quan điểm được đưa ra. Nhiệm vụ duy nhất của chúng tôi là đánh giá xem quyết định tước quyền công dân [của tòa án trước] có vi phạm pháp luật hay không. Chúng tôi kết luận là [phán quyết của tòa án trước] không vi phạm pháp luật và đơn kháng cáo bị bác bỏ" – Thẩm phán Sue Carr nói.

Các chuyên gia nói gì về phán quyết của tòa phúc thẩm?

Theo đài CNN, phán quyết của Tòa Phúc thẩm London không phải là dấu chấm kết thúc cuộc chiến pháp lý của cô Begum. Trả lời đài Sky News, luật sư Alexander dos Santos cho biết “có khả năng” các luật sư của cô Begum sẽ kháng cáo lần nữa.

Trong khi đó, các luật sư của cô Begum cho rằng chính phủ Anh chưa xem xét đầy đủ hậu quả của việc tước đi quốc tịch của cô. Các luật sư này lập luận rằng cô là nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em và quyết định này là trái pháp luật vì nó khiến cô không quốc tịch.

Bà Maya Foa – Giám đốc tổ chức nhân quyền Reprieve có trụ sở tại London (Anh) – cho rằng “toàn bộ sự việc [của cô Begum] khiến các bộ trưởng xấu hổ. Họ thà bắt nạt nạn nhân buôn bán trẻ em, hơn là thừa nhận trách nhiệm của Anh”.

“Tước bỏ quyền công dân hàng loạt và bỏ rơi các gia đình người Anh trong các nhà tù trên sa mạc là một chính sách khủng khiếp, không bền vững, được thiết kế để ghi điểm chính trị” – bà Foa nêu quan điểm.

Trường hợp nào thì công dân Anh bị tước quốc tịch?

Theo đài BBC, theo luật mới, Bộ Nội vụ Anh có thể tước quyền công dân Vương quốc Anh của ai đó mà không cần phải thông báo cho họ. Chính phủ Anh cho biết họ sẽ chỉ sử dụng điều khoản này trong những trường hợp "đặc biệt", chẳng hạn trường hợp đối tượng đang ở trong vùng chiến sự hoặc đang lẩn trốn và không thể liên lạc được.

Hiện tại, Bộ trưởng Nội vụ Anh có thể tước quyền công dân của ai đó trong trường hợp (1) "vì lợi ích công cộng" và sẽ không khiến họ trở thành người không có quốc tịch; (2) người có được quốc tịch thông qua gian lận; (3) hành động của người đó có thể gây tổn hại đến lợi ích của Anh và họ có thể yêu cầu cấp quyền công dân ở nơi khác.

Để thực thi quyền này, Bộ Nội vụ Anh phải thông báo cho đối tượng bị tước quốc tịch. Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng cần có bằng chứng để tin rằng người đó có đủ điều kiện để nộp đơn xin quốc tịch ở một quốc gia khác.

Theo BBC, số liệu về công dân Anh bị tước quốc tịch đến nay vẫn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Anh cho biết từ năm 2010 đến năm 2018, trung bình mỗi năm có 19 người bị tước quốc tịch vì lý do việc tước quốc tịch "có lợi cho lợi ích cộng đồng". Cũng theo bộ này, trung bình mỗi năm có 17 người bị tước quốc tịch ở Anh vì có gian lận trong quá trình xin quốc tịch.

Thống kê của website luật nhập cư Free Movement cho thấy hơn 460 người đã bị tước quyền công dân Anh từ năm 2006 đến năm 2020. 175 người trong số này bị tước quốc tịch vì lý do an ninh quốc gia và 289 người trong số này bị tước quốc tịch vì lý do gian lận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm