Ngày 12-1, trong ngày điều trần thứ hai tại Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) về vụ Nam Phi kiện Israel tội diệt chủng, Israel đã phủ nhận cáo buộc của Nam Phi và kêu gọi ICJ bác bỏ yêu cầu của Nam Phi về phán quyết ngừng giao tranh, theo tờ The Times of Israel.
Diễn biến ngày thứ hai của phiên tòa
Mở đầu buổi điều trần, cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Israel - ông Tal Becker gọi vụ Nam Phi kiện Israel tội diệt chủng là sự “bóp méo một cách trắng trợn” chống lại Israel.
Ông Becker lập luận rằng chính hành động của Hamas khi bố trí các cơ sở quân sự giữa cơ sở hạ tầng dân sự và đánh cắp nguồn cung cấp nhân đạo mới là nguyên nhân cho sự đau khổ của dân thường Gaza.
“Những gì Israel tìm kiếm khi hoạt động ở Gaza không phải là tiêu diệt một dân tộc, mà là bảo vệ một dân tộc” - ông Becker nói, đề cập quyền tự vệ của người Israel.
“Chúng tôi trân trọng đệ trình rằng đơn đăng ký và yêu cầu (của Nam Phi) nên bị bác bỏ” - ông Becker kết luận.
Luật sư bào chữa cho Israel- GS Malcolm Shaw nói rằng “không phải mọi cuộc xung đột đều là diệt chủng”, đặc biệt là khi một bên tấn công dân thường và không quan tâm” đến phúc lợi của dân thường phía mình.
Ngoài ra, Luật sư Shaw cho rằng các dẫn chứng của Nam Phi về việc giới lãnh đạo Israel đưa ra các tuyên bố mang tính diệt chủng đã tạo thành một “bức tranh méo mó”.
Vị luật sư trích dẫn nhiều tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và Lực lượng Phòng vệ Israel rằng mục tiêu của cuộc chiến là tiêu diệt Hamas chứ không phải người dân Palestine.
Phía Israel cũng khẳng định nước này đã tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời bác bỏ quan điểm của Nam Phi rằng việc Israel di dời người dân Gaza là hành động diệt chủng.
Bên cạnh đó, Israel cũng cho rằng việc dừng hoạt động quân sự ở Gaza sẽ khuyến khích Hamas lặp lại các cuộc tấn công vào nước này.
Trước khi kết thúc phiên điều trần, luật sư của Israel kết luận rằng nếu ICJ chấp nhận yêu cầu của Nam Phi sẽ làm suy yếu tòa án và biến tội diệt chủng thành công cụ cho các nhóm khủng bố.
Phản ứng các bên sau phiên tòa
Phát biểu sau phiên tòa, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nam Phi Ronald Lamola cho rằng Israel đã không đưa ra được bằng chứng chống lại cáo buộc của Nam Phi.
“Nhà nước Israel hôm nay đã thất bại trong việc bác bỏ lập luận thuyết phục của Nam Phi được trình bày trước ICJ ngày hôm qua. Chúng tôi đứng trước sự thật của luật pháp với tất cả các bằng chứng mà chúng tôi đã đệ trình” - ông Lamola nói.
Ngày qua, thể hiện sự ủng hộ với vụ Nam Phi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Ankara đang cung cấp tài liệu, chủ yếu là hình ảnh về tác động của cuộc chiến, cho vụ kiện và tin rằng Israel sẽ bị kết án.
“Tôi tin rằng Israel sẽ bị kết án ở ICJ. Chúng tôi tin vào công lý của ICJ” - ông Erdogan nói thêm.
Trong khi đó, Đức bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc của Nam Phi, cho rằng hành động của Israel là tự vệ, theo hãng tin AP.
Người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit nói rằng Berlin sẽ can thiệp với tư cách là bên thứ ba trước ICJ theo một điều khoản cho phép các quốc gia tìm kiếm sự thật khi viện dẫn một công ước đa phương.
Động thái này cho phép Đức trình bày quan điểm của riêng mình trước tòa rằng Israel không vi phạm công ước diệt chủng.
Với tư cách là bên ký kết Công ước diệt chủng năm 1948, Đức có quyền tham gia các vụ việc và đưa ra lập luận của mình về vụ việc.
Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng Ottawa bác bỏ vụ kiện của Nam Phi và cho rằng ICJ không nên thụ lý vụ việc.
“Canada đang tham gia vào năm vụ kiện tại ICJ vì chúng tôi tin vào tầm quan trọng của tòa án này. Tuy nhiên, sự ủng hộ hết lòng của chúng tôi đối với ICJ và các quy trình của tòa không có nghĩa là chúng tôi ủng hộ tiền đề của vụ việc do Nam Phi đưa ra” - theo ông Trudeau.
Kết thúc hai ngày điều trần, tiếp theo các thẩm phán sẽ cân nhắc đưa ra phán quyết. Phán quyết cuối cùng có thể sẽ mất nhiều năm, hoặc có thể chỉ mất vài tuần, theo tờ The Washington Post.