Có đội bắt chó thả rông, người dân dần biết sợ

(PLO)- Người nuôi chó, mèo cũng ý thức hơn trong việc chăm sóc cũng như tiêm phòng dại cho vật nuôi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau ba năm hoạt động, số chó bị bắt của Đội bắt chó thả rông tại phường Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngày càng ít dần. Ít ai biết thời gian đầu khi làm nhiệm vụ, họ bị chủ chó phản ứng dữ dội, mắng chửi, thậm chí xảy ra xô xát...

Chuyện của người bắt chó thả rông

Đúng 19 giờ mỗi ngày, ông Ngô Văn Bắc khoác bộ đồng phục bảo vệ dân phố, rồi chạy xe máy đến trụ sở UBND phường Kim Giang, bắt đầu cho một buổi tối đi tuần cùng đội bắt chó thả rông của phường.

Ông là đội trưởng của đội bắt chó thả rông, do UBND phường Kim Giang lập từ ba năm nay. Đội có bảy người và bốn xe máy. Một xe chở lồng thép, ba xe còn lại mỗi xe hai thành viên, người ngồi sau cầm theo chiếc vợt lưới. Trên cánh tay phải của mỗi người đều đeo băng đỏ ghi dòng chữ “Đội bắt chó thả rông - UBND phường Kim Giang”.

Trên đường đi tuần, nếu phát hiện chó, mèo thả rông, họ sẽ dùng vợt bắt, nhốt vào lồng và đưa về nhà kho ở trụ sở phường. “Thường chúng tôi đi tuần tra hai buổi/tuần, nếu có tin báo của người dân thì anh em trong đội sẽ tập hợp đột xuất để lên đường ngay” - ông Bắc nói.

Chó thả rông ra đường bị bắt nhốt vào lồng, đưa về UBND phường chờ chủ vật nuôi đến để xử lý vi phạm. Ảnh: TP

Chó thả rông ra đường bị bắt nhốt vào lồng, đưa về UBND phường chờ chủ vật nuôi đến để
xử lý vi phạm. Ảnh: TP

Ông Bắc cho hay thời gian đầu người dân có chó bị bắt phản ứng rất dữ dội và gây khó khăn cho tổ. “Nhiều người hỏi tôi đi bắt chó như vậy có bao giờ bị chó cắn không. Thực tế là tôi chưa bị chó cắn lần nào nhưng mà bị người cắn thì có” - ông Bắc nói. Ông giải thích thêm năm ngoái, trong một lần cả đội đang vây bắt một con chó thả rông trên địa bàn phường. Đúng lúc đó, chủ chó lao vào giằng co và cắn tay ông.

Đặc biệt nhất là vụ đội ông bị chủ chó bắt đền. Đó là lần cả đội vây bắt một con chó thả rông nhưng không bắt được, con chó sợ quá chạy mất. “Người chủ tối đó không thấy chó về, sau đó đến phường bắt đền, gây ầm ĩ lên. Lãnh đạo UBND phường phải đứng ra hòa giải. Hôm sau con chó tự trở về nhà nên mọi việc mới êm xuôi” - ông Bắc kể lại.

Cũng theo ông Bắc, sau ba năm đội bắt chó của phường hoạt động đều đặn thì các trường hợp xô xát, mâu thuẫn với các chủ chó thả rông cũng ít dần. Nguyên nhân do người nuôi chó, mèo ý thức hơn trong việc chăm sóc cũng như tiêm phòng dại cho vật nuôi.

Đã giảm việc thả rông chó, mèo ra đường

Bà Đào Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Giang, cho biết đội bắt chó thả rông của phường được thành lập từ năm 2018 theo kế hoạch phòng chống bệnh dại của UBND quận Thanh Xuân. Tuy nhiên, thời gian đầu đội có nhiều thành viên với công việc khác nhau như dân phòng, đoàn viên thanh niên... nên khó hoạt động hiệu quả.

Đến giữa năm 2021, UBND phường Kim Giang kiện toàn đội chuyên trách bắt chó thả rông với nòng cốt là các thành viên trong ban bảo vệ dân phố của phường, đội tự quản, dân quân tự vệ. Thành viên của đội phần đông là người đã nghỉ hưu, có nhiều thời gian và tâm huyết với các hoạt động trên địa bàn phường, tổ dân phố. Thành viên trong đội đều được tiêm phòng dại, được ngành thú y tập huấn về các kỹ năng bắt chó thả rông...

“Sau khi kiện toàn thì đội đã hoạt động đều đặn, thường xuyên và đạt hiệu quả hơn. Bằng chứng là vào năm vừa qua, đội thường xuyên bắt được chó thả rông nhưng từ đầu năm đến nay, với hơn 10 tuần ra quân nhưng chỉ bắt được ba con chó. Việc này cho thấy người dân đã ý thức hơn, tuân thủ quy định phòng bệnh dại cho vật nuôi, không thả rông chó, mèo ra đường” - bà Tâm chia sẻ.

Cũng theo bà Tâm, mỗi lần chó thả rông bị bắt giữ sẽ được đưa về phường nhốt giữ, chăm sóc. Sau đó phường sẽ thông báo cho chủ chó đến nhận lại vật nuôi qua hệ thống loa phát thanh và các nhóm chat trên địa bàn phường. Sau 48 giờ, nếu không có người đến nhận, phường sẽ bàn giao cho đơn vị chăm sóc, bảo vệ vật nuôi. Tuy nhiên, cho đến nay tại phường chưa có trường hợp chó thả rông bị bắt giữ phải bàn giao cho đơn vị chăm sóc, bảo vệ vật nuôi, vì chó bị bắt giữ đều được chủ đến nhận ngay sau đó.

“Các trường hợp này đa phần đều vi phạm lần đầu nên chúng tôi nhắc nhở là chính và bàn giao chó bị bắt cho chủ. Phần lớn các trường hợp này đều không tái phạm nữa” - bà Tâm nói.•

Công việc đặc thù, khá vất vả
và nguy hiểm

Khó khăn lớn nhất hiện nay của việc tổ chức đội bắt giữ chó thả rông là duy trì kinh phí hoạt động cho đội. Hiện mỗi lần tuần tra, các thành viên trong tổ được hỗ trợ 50.000 đồng/buổi từ kinh phí của ngành thú y. Ngoài ra, UBND phường Kim Giang cũng hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí xăng xe cho các thành viên.

Đây cũng là công việc đặc thù, khá vất vả và nguy hiểm, nếu không có mức hỗ trợ phù hợp thì đội khó thu hút được các thành viên tâm huyết, nhiệt tình duy trì hoạt động lâu dài.

ĐÀO THỊ THANH TÂM, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Giang

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm