Bạn PTV (trú Bình Định) cho biết cách đây ít ngày, tại tuyến cao tốc Tiền Giang đi TP.HCM đã bị camera giám sát ghi hình vi phạm tốc độ 20-35 km/giờ.
Sau đó, lực lượng CSGT đã gửi thông báo và hẹn ngày đến văn phòng trạm thu phí tại Bình Chánh, TP.HCM để giải quyết vi phạm.
Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe yếu và ở xa nên không thể trực tiếp đến giải quyết, V. đặt câu hỏi liệu có thể ủy quyền cho người khác thay mình đi nộp phạt được không? Nếu được thì phải mang theo các loại giấy tờ gì? Có thể áp dụng nộp phạt qua bưu điện được không?
Đây cũng là câu hỏi đang được nhiều bạn đọc quan tâm bởi việc thường trú một nơi, bị xử phạt một nơi là tình huống diễn ra rất phổ biến.
Bị CSGT xử phạt, người vi phạm có thể ủy quyền để người khác đi nộp tiền thay mình. Ảnh: TUYẾN PHAN
Trả lời vấn đề này, Cục CSGT (C67, Bộ Công an) khẳng định người dân có thể nhờ người khác đi nộp phạt thay cho mình.
Theo đó, trong trường hợp không thể trực tiếp đến giải quyết vi phạm, người vi phạm có thể ủy quyền cho người khác. Tuy nhiên, người vi phạm cần có văn bản ủy quyền có xác nhận của UBND nơi họ cư trú hoặc phải được công chứng theo quy định của pháp luật.
Các loại giấy tờ cần mang theo gồm: Thông báo vi phạm; văn bản ủy quyền; giấy tờ tùy thân của người được ủy quyền; các giấy tờ liên quan đến phương tiện và người vi phạm (giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường…).
Đối với việc nộp phạt qua bưu điện, C67 cho biết trường hợp của V. không đảm bảo điều kiện để sử dụng dịch vụ này.
Bởi hành vi vi phạm của V. là điều khiển ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/giờ đến 35 km/giờ. Nghị định 46/2016 quy định mức xử phạt đối với hành vi này là phạt tiền 5-6 triệu đồng; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Trong khi Điều 2 Thỏa thuận hợp tác số 69/2016 giữa C67 và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về thu, nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới tay công dân theo yêu cầu quy định rất rõ các trường hợp không được sử dụng dịch vụ này.
Cụ thể, không thực hiện dịch vụ thu, nộp tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các trường hợp sau đây: Đang xác minh (có hay không hành vi vi phạm; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ), có dấu hiệu hình sự, có áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ hành nghề và tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.
Như vậy, trường hợp này V. bị tước giấy phép lái xe nên không thể áp dụng nộp phạt qua bưu điện.