Tôi đi nhập khẩu cho cháu nội thì bị cán bộ công an yêu cầu tôi nộp lại sổ hộ khẩu giấy. Tôi xin hỏi cán bộ thu hồi sổ của tôi có đúng quy định hay không, trường hợp nào tôi được giữ lại làm kỷ niệm? Một người họ hàng của tôi cũng có ý định hủy sổ hộ khẩu giấy, liệu có được phép không?
Bạn đọc A Mon (Đăk Nông), hỏi:
Luật sư Ngô Minh Trực, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:
Theo quy định pháp luật hiện hành từ ngày 1-1-2023, toàn bộ sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú bằng giấy sẽ bị “khai tử”. Việc quản lý cư trú sẽ được thực hiện bằng dữ liệu điện tử. Khi đó, công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong SHK, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi SHK đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không cấp mới, cấp lại SHK.
Tại khoản 2 Điều 26 Thông tư 55/2021/TT-BCA quy định bảy trường hợp khi người dân thực hiện các thủ tục về cư trú sẽ có thể dẫn tới thu hồi SHK kể từ ngày 1-7-2021, gồm: Thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú; điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú; tách hộ; xóa đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; gia hạn tạm trú; xóa đăng ký tạm trú.
Do đó, trong trường hợp của bạn (thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú) thì cán bộ thu hồi là đúng quy định. Nếu người dân không tiến hành thực hiện các thủ tục thuộc 7 trường hợp nêu trên thì có thể lưu giữ lại SHK để làm kỷ niệm.
Tuy nhiên, khi SHK không còn giá trị sử dụng việc người dân lưu giữ SHK cần lưu ý một số quy định như sau: Không được tự ý hủy hoại SHK vì theo điểm h khoản 2 Điều 9 Nghị định 144/2021 quy định hành vi hủy hoại SHK có thể bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng.