Có gì trong hệ thống phòng không NASAMS mà Ấn Độ suýt ‘chốt đơn’ giờ sắp đến tay Ukraine?

(PLO)- Từng suýt được Ấn Độ "chốt đơn", hệ thống phòng không NASAMS Mỹ cam kết gửi cho Ukraine có uy lực lớn cỡ nào?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-10, Nga không kích quy mô lớn vào nhiều khu vực ở Ukraine, bao gồm thủ đô Kiev. Đây là đợt oanh tạc lớn nhất của Nga kể từ khi nước này bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, theo trang EurAsian Times.

Trước tình hình đó, Mỹ cam kết sẽ đẩy nhanh việc chuyển giao Hệ thống Tên lửa Phòng không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS) cho Ukraine. Nhà Trắng đã bắt đầu gửi 2 trong số 8 hệ thống NASAMS mà trước đó Mỹ hứa cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine - ông Oleksii Reznikov xác nhận các hệ thống NASAMS của Mỹ đang trên đường đến Kiev.

Thông tin về NASAMS

NASAMS là hệ thống phòng không trên mặt đất có tầm ngắn và tầm trung. Loại vũ khí này có khả năng tham gia nhiều cuộc giao tranh cùng lúc, vượt khỏi tầm ngắm của các hệ thống giám sát (BVR). Nó đồng thời có thể kết hợp được với Hệ thống Phòng thủ Tên lửa và Phòng không Tích hợp (IAMD).

Hệ thống Tên lửa Phòng không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS). Ảnh: EURASIAN TIMES

Hệ thống Tên lửa Phòng không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS). Ảnh: EURASIAN TIMES

Ukraine có thể sử dụng hệ thống NASAMS cùng với hệ thống pháo bắn loạt cơ động cao (HIMARS) cũng của Mỹ. Ukraine đã vận hành HIMARS - vũ khí đáng gờm nhất của Kiev trong cuộc chiến với Moscow.

Mỹ sử dụng NASAMS để bảo vệ vùng trời xung quanh Nhà Trắng và Điện Capitol ở thủ đô Washington D.C.. Theo báo cáo, NASAMS có thể tiếp cận mục tiêu cách đó hơn 161 km.

Theo các nhà phân tích quân sự, các hệ thống phòng không không thể bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, NASAMS có thể sẽ giúp Ukraine ngăn các cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự và các địa điểm có nguy cơ cao.

EurAsian Times trước đó đưa tin rằng Mỹ đã thử nghiệm ba loại tên lửa khác nhau được phóng từ một hệ thống NASAMS.

Loại tên lửa có tầm bắn thấp nhất là AIM-9X Sidewinder, trong khi tên lửa tầm trung được thử nghiệm là tên lửa không đối không tầm trung nâng cao (AMRAAM). Còn tên lửa tầm xa tham gia thử nghiệm là AMRAAM-Extended. Hiện phía Mỹ chưa nói rõ loại tên lửa nào sẽ được chuyển tới Ukraine.

Ấn Độ từng suýt 'chốt' hợp đồng mua NASAMS

Một điều thú vị là đã từng có thời gian Ấn Độ - đối tác an ninh của Mỹ được cung cấp NASAMS, nhưng cuối cùng New Delhi lại từ bỏ hệ thống này.

Hệ thống Tên lửa Phòng không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS). Ảnh: TWITTER/EURASIAN TIMES

Hệ thống Tên lửa Phòng không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS). Ảnh: TWITTER/EURASIAN TIMES

Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, Ấn Độ đã tiến rất gần đến việc mua NASAMS II - biến thể nâng cấp của mô hình NASAMS cơ bản từ Mỹ. Vào thời điểm đó, chính phủ Mỹ đã thông báo với Quốc hội về thương vụ bán NASAMS II cho New Delhi với giá 1,86 tỉ USD.

Vào thời điểm đó, các nguồn tin Ấn Độ nói rằng việc mua NASAMS sẽ góp phần củng cố lá chắn phòng không quốc gia.

Tuy nhiên, thỏa thuận này đã thất bại và Ấn Độ không thể mua hệ thống phòng không tinh vi này. Tháng 7-2020, Không quân Ấn Độ giục chính phủ ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống Phòng thủ tên lửa đạn đạo nhiều tầng (BMD) của nước này, bao gồm các thành phần tên lửa đất đối không tầm trung và tầm xa.

Kể từ đó, không còn thông tin nào về việc Ấn Độ mua NASAMS II. Theo các báo cáo, chương trình BMD của Ấn Độ, vốn đã được phát triển trong 20 năm, sẽ được triển khai để bảo vệ thủ đô New Delhi và khu vực lân cận.

Vũ khí tiếp tục đổ về Ukraine

Ngày 12-10, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết nước này sẽ gửi các tên lửa phòng không có khả năng bắn hạ tên lửa hành trình cho Ukraine để Kiev đối phó các cuộc không kích của Nga, theo hãng tin Reuters.

Theo ông Wallace, London sẽ gửi tên lửa đất đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) cho Ukraine trong vài tuần tới. Loại vũ khí này có thể sử dụng kết hợp với NASAMS của Mỹ. Phía Anh cũng cam kết viện trợ thêm hàng trăm tên lửa phòng không, nhiều máy bay không người lái hơn và thêm 18 khẩu pháo lựu pháo cho Kiev.

Cùng ngày, phát biểu trên đài France 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nêu cam kết hỗ trợ quân sự bổ sung cho Kiev.

Theo đó, ông cam kết sẽ gửi radar, hệ thống phòng không và tên lửa để bảo vệ Ukraine khỏi các cuộc tấn công từ Nga. Ông cho biết Paris cũng đang đàm phán về việc chuyển giao thêm 6 xe pháo tự hành Caesar cho Kiev.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm