Có gì trong kho vũ khí hạt nhân của Nga?

(PLO)- Theo ước tính, Nga hiện sở hữu khoảng 6.000 vũ khí hạt nhân với sức công phá vô cùng lớn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-9, công ty tình báo ImageSat International (ISI) của Israel cho biết họ đã phát hiện máy bay ném bom chiến lược TU-160 và TU-95 xuất hiện tại căn cứ không quân Olenya của Nga. ISI cho biết thêm cả 2 máy bay này đều có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Máy bay TU-95 tại một căn cứ không quân ở Engels, cách thủ đô Moscow 900 km về phía nam. ẢNH: REUTERS
Máy bay TU-95 tại một căn cứ không quân ở Engels, cách thủ đô Moscow 900 km về phía nam. ẢNH: REUTERS

Thời gian qua, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra một số tuyên bố ám chỉ nước này sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, một số nhân vật thân Nga cho rằng Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Điều này dấy lên mối lo ngại ở nhiều nước phương Tây rằng Nga sẽ sử dụng loại vũ khí đáng sợ này trong cuộc chiến tại Ukraine, theo RT.

Hiện Nga sở hữu bao nhiêu vũ khí hạt nhân?

Tờ The Jerusalem Post dẫn thông tin từ thống kê của Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ (FAS) rằng tính tới năm 2022 Nga có 5.977 vũ khí hạt nhân. Trong đó, 1.588 là số đầu đạn hạt nhân đang được triển khai, tức là số tên lửa này đang được lắp đặt tại các căn cứ tên lửa, trên các máy bay ném bom hay trên các tàu ngầm. Trong khi đó, số còn lại đang trong tình trạng dự bị hoặc “nghỉ hưu”.

Tên lửa đạn đạo SS-4 thời Liên Xô đã ngừng hoạt động được trưng bày tại thủ đô La Cabana, Cuba. ẢNH: REUTERS
Tên lửa đạn đạo SS-4 thời Liên Xô đã ngừng hoạt động được trưng bày tại thủ đô La Cabana, Cuba. ẢNH: REUTERS

Theo FAS, số vũ khí hạt nhân của Nga đã giảm đáng kể so với mức 40.000 trong những năm 1980. Từ năm 2000 đến nay, quy mô vũ khí hạt nhân của Nga có xu hướng giảm sâu hơn, từ 10.000 (thống kê hồi năm 2000) tên lửa giờ còn hơn một nửa.

Kho vũ khí hạt nhân của Nga có gì?

Theo thống kê của FAS công bố hồi tháng 2, Nga hiện có 812 tên lửa đạn đạo đối đất gắn đầu đạn hạt nhân, trong đó có 512 tên lửa được đặt trên tàu ngầm. FAS cho biết thêm, Moscow còn có khoảng 200 tên lửa tại các căn cứ máy bay ném bom hạng nặng. Ngoài ra, Nga còn có lượng lớn vũ khí hạt nhân đang dự trữ trong kho, trong đó có 977 đầu đạn chiến lược và 1912 đầu đạn phi chiến lược.

Nga sử dụng hệ thống nào để phóng vũ khí hạt nhân?

Một trong những hệ thống điển hình mà Nga sử dụng để triển khai vũ khí hạt nhân là tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-18 (Satan), nặng 191 tấn, có tầm bắn lên tới 16.000 km. SS-18 có thể mang nhiều tên lửa và chứa nhiều phương tiện hỗ trợ nhắm mục tiêu. Tuy nhiên, hệ thống tên lửa này đã bị loại biên, thay vào đó, SS-30 (Sarmat) - phiên bản nâng cấp của SS-18 hiện đang được phát triển và sẽ thay thế SS-18 trong thời gian tới.

SS-30 từng được ông Putin tuyên bố là chưa có nước nào sở hữu ngoài Nga. SS-30 có tầm bắn lên tới 18.000 km và có thể mang theo từ 10-15 đầu đạn MIRV (một loại trọng tải tên lửa có chứa nhiều đầu đạn, mỗi đầu có khả năng nhắm vào nhiều mục tiêu khác nhau trong cùng một lúc). Theo FAS, trong tương lai, SS-30 sẽ được lắp đầu đạn siêu vượt âm Avangard hoặc nhiều loại phương tiện siêu vượt âm khác.

Moscow còn có 1 hệ thống tên lửa khác là SRS-27, được đưa vào sử dụng từ năm 1997. SS-27 là tên lửa liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn, nó có thể mang các đầu đạn nặng tới 1,2 tấn và có tầm bắn là 11.000 km, theo FAS.

Nga đang có các loại tên lửa hạt nhân nào?

Đối với các tên lửa hạt nhân được trang bị trên các hạm đội tàu ngầm thì Nga có 2 loại là R-29RM Shtil và phiên bản cải tiến của nó R-29RMU2 Sineva. Những tên lửa này có tầm hoạt động khoảng 8.300 km, có thể mang tối đa 4 đầu đạn, mỗi đầu nặng 2,8 tấn.

Tàu ngầm của Nga trong cuộc tập trận Umka-2022 ở biển Chukotka. ẢNH: REUTERS
Tàu ngầm của Nga trong cuộc tập trận Umka-2022 ở biển Chukotka. ẢNH: REUTERS

Những tên lửa này dùng động cơ đẩy 3 tầng và sử dụng nhiên liệu lỏng, chúng có chiều dài 14,9 m và chiều ngang 1,9 m, được phát triển hồi năm 1973 và đưa vào thử nghiệm vào những năm 1980. Nga từng có hơn 100 tên lửa loại này và đã thực hiện 1 chương trình tên là Sineva để nâng cấp cũng như kéo dài tuổi thọ của chúng, theo trang Missile Threat.

Về tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất thì Nga có tên lửa hành trình đối đất Novator 9M729 (SSC-8), tên lửa này từng bị Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cáo buộc vi phạm các quy định về tầm bắn và bệ phóng của Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi đầu năm 2014. Tên lửa này có chiều dài từ 6-8 m và đường kính 0,533 m và có tầm bắn từ 500-5.500 km.

Tên lửa hành trình đối đất Novator 9M729 (SSC-8) tại bảo tàng Patriot Expocentre ở thủ đô Moscow. ẢNH: REUTERS
Tên lửa hành trình đối đất Novator 9M729 (SSC-8) tại bảo tàng Patriot Expocentre ở thủ đô Moscow. ẢNH: REUTERS

Ngoài ra, với hệ thống tên lửa hạt nhân trên không Moscow có Kh-55 - tên lửa được biên chế cho quân đội Nga từ năm 1984 với vai trò là tên lửa hành trình phóng từ trên không được trang bị vũ khí hạt nhân. Tên lửa này có thể mang đầu đạn nặng khoảng 200 kiloton (đơn vị đo năng lượng giải phóng từ các vụ nổ). Kh-95 được triển khai cùng với các máy bay ném bom chiến lược TU-95 và TU-160, theo trang Global Security.

TU 95 là máy bay này được Liên Xô phát triển hồi năm 1950 và được đưa vào sử dụng từ năm 1956. TU-95 có trọng lượng rỗng là 90 tấn, khi đầy tải nặng 171 tấn và có tầm bay hơn 15.000 km. Phiên bản nâng cấp của máy bay này có thể mang tên lửa hành trình Kh-55, Kh-101 hoặc Kh-102 có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân.

TU-160 là máy bay ném bom chiến lược tầm xa được phát triển vào những năm 1980. Đây là máy bay ném bom hiện đại của Nga với trọng lượng cất cánh tối đa là 275 tấn, tốc độ bay là 2.230 km/h, phạm vi bay tối đa là 14.000 km và có thể bay liên tục trong nhiều giờ mà không cần tiếp nhiên liệu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm