Reuters: Anh phản đối việc Nga yêu cầu bỏ phiếu kín tại LHQ về vụ sáp nhập 4 tỉnh Ukraine

(PLO)- Anh phản đối việc Nga yêu cầu bỏ phiếu kín về dự thảo lên án Nga sáp nhập 4 tỉnh Ukraine sau cuộc trưng cầu dân ý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-10, Anh từ chối lời kêu gọi của Nga về việc bỏ phiếu kín tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần tới về việc có lên án động thái của Moscow sáp nhập 4 tỉnh Ukraine vào lãnh thổ Nga hay không, đồng thời đề nghị Đại Hội đồng bỏ phiếu công khai, theo hãng tin Reuters.

Đại hội đồng sẽ bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết lên án "cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp" và "nỗ lực sáp nhập bất hợp pháp" của Nga vào ngày 11 hoặc 12-10 tới. Dự thảo này còn khẳng định chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời kêu gọi các quốc gia không công nhận việc làm của Nga, theo hãng tin Reuters.

Trong thư gửi các nước LHQ vào đầu tuần này, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia đã vận động các nước bỏ phiếu kín vì cho rằng áp lực của phương Tây sẽ khiến các nước gặp khó trong việc công khai thể hiện quan điểm.

Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an tại trụ sở LHQ vào ngày 7-9. Ảnh: REUTERS
Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an tại trụ sở LHQ vào ngày 7-9. Ảnh: REUTERS

Gửi thư cho Chủ tịch Đại hội đồng, Đại sứ Nga Nebenzia cũng đã yêu cầu bỏ phiếu kín và nói rằng nếu có nước nào phản đối thì nước đó có thể kêu gọi bỏ phiếu về động thái này và nó sẽ được công khai.

Đáp lại động thái của Nga, ngày 8-10, Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward khẳng định quy tắc của Đại hội đồng rất rõ ràng rằng bất kỳ đại diện nào cũng có thể yêu cầu một cuộc bỏ phiếu công khai.

Bà nói: "Việc tiến hành bỏ phiếu kín về nghị quyết của Đại hội đồng sẽ đi ngược lại tiền lệ hàng thập niên và làm suy yếu các hoạt động của cơ quan này”.

Bà Woodward khẳng định đó là lý do mà Anh đề nghị cuộc bỏ phiếu phải diễn ra công khai, dựa trên điều 87, khoản B của Hiến chương LHQ.

Trước đó, Nga đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết do Mỹ và Albania trình lên Hội đồng Bảo an (HĐBA) vào tuần qua về việc không công nhận 4 vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga sáp nhập sau cuộc trưng cầu dân ý. Trong cuộc bỏ phiếu này, có 10 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 4 phiếu trắng là của Trung Quốc, Gabon, Ấn Độ và Brazil.

Năm 2014, sau khi trưng cầu dân ý và sáp nhập bán đảo Crimea, Nga cũng đã phủ quyết dự thảo nghị quyết của HĐBA về việc phản đối và không công nhận cuộc trưng cầu dân ý về hiện trạng của Crimea.

Sau đó, Đại hội đồng đã thông qua một nghị quyết khẳng định cuộc trưng cầu dân ý không hợp lệ với 100 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 58 phiếu trắng trong khi khoảng 20 nước không tham gia bỏ phiếu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm