Giao lưu trực tuyến về tiêm chủng:

Có hay không việc độc quyền nhập khẩu vaccine?

Các chuyên gia của Bộ Y tế, bao gồm Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý Dược, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, dự án Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia trực tiếp tham dự chương trình và cung cấp thông tin toàn diện, đồng thời giải đáp tất cả các thắc mắc liên quan đến tiêm chủng như: Chất lượng vaccine trong chương trình TCMR, lợi ích của TCMR, têm chủng đầy đủ và đúng lịch, vaccine trong chương trình TCMR và vaccine dịch vụ, tiêm vét vaccine sởi - rubella…

Khách mời tham gia chương trình giao lưu gồm:

- PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng;

Dược sĩ NGUYỄN TẤT ĐẠT, Cục phó Cục Quản lý Dược; 

- PGS-TS TRẦN NHƯ DƯƠNG, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương;

TS NGUYỄN VĂN CƯỜNG, Phó trưởng Ban điều hành dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia;

Nội dung chương trình giao lưu: 

Tình hình thiếu vaccine dịch vụ dẫn đến trẻ có thể phải chờ đợi để tiêm vaccine, tiêm không đầy đủ và đúng lịch, điều này sẽ dẫn tới hậu quả gì? (Trần Thị Mai, 34 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

PGS-TS Trần Như Dương: Trong tiêm chủng việc tiêm đúng lịch là rất quan trọng và cần thiết để tạo miễn dịch đầy đủ và kịp thời phòng bệnh cho trẻ. Nếu tiêm chậm thì trẻ sẽ không có được miễn dịch và có nguy cơ bị mắc bệnh sớm trước khi được tiêm chủng do tiêm chậm gây ra. Thực tế đã cho thấy, trong đợt dịch sởi vừa qua có rất nhiều trẻ nhỏ mới 9-10 tháng tuổi đã bị mắc bệnh và một số trẻ bị mắc ho gà cũng ở tuổi rất nhỏ, mới chỉ 2-3 tháng tuổi. Chính vì vậy việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là hết sức cần thiết để tạo cho miễn dịch sớm phòng bệnh cho các cháu. 

Chất lượng của vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng như nào? (Nguyễn Văn Vinh, Đồng Tháp)

TS Nguyễn Văn Cường: Tất cả các vaccine, bao gồm cả vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ được phép lưu hành ở Việt Nam khi đã được kiểm tra đạt chất lượng cũng như các yêu cầu về an toàn khi sử dụng và được cấp phép lưu hành. Thành quả của việc triển khai các vaccine trong tiêm chủng mở rộng là rất to lớn: Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000 và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005.

Lợi ích của tiêm chủng mở rộng đối với sức khỏe của trẻ em là gì? (Phan Mạnh H. Nam Định) 

TS Nguyễn Văn Cường: Tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng bệnh, chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam hiện thực hiện việc tiêm chủng miễn phí 12 loại vaccine phòng các  bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất, bao gồm:  Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, Viên gan B, Sởi, viêm phổi/Viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, viêm não Nhật Bản, Tả và Thương hàn. Chương trình TCMR hiện nay có hai hình thức tiêm chủng là tiêm chủng thường xuyên hàng tháng tại các cơ sở y tế và tiêm chủng chiến dịch. Việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch sẽ giúp bảo vệ trẻ phòng các bệnh truyền nhiễm như đã nói ở trên.

Thời gian gần đây dư luận nói nhiều đến việc thiếu vaccine dịch vụ, đặc biệt là vaccine tổng hợp Năm trong Một, Sáu trong Một. Người dân phải xếp hàng từ 2, 3 giờ sáng để đăng ký mua vaccine. Tuy nhiên, lượng vaccine bán ra quá nhỏ so với nhu cầu, nhiều người không mua được vaccine. Nguyên nhân này do đâu? (Nguyễn T. Hồng, Trần Phú, Hà Nội) 

TS Nguyễn Văn Cường đang trả lời các câu hỏi của độc giả. 

Dược sĩ Nguyễn Tất Đạt: Các vaccine 5 trong 1 và 6 trong 1 là những Vaccine đa giá để dự phòng nhiều bệnh. Đây là Vaccine dịch vụ do người dân tự trả tiền theo nhu cầu, không phải vaccine tiêm chủng  mở rộng được miễn phí. Hai loại vaccine trên đều đã có số đăng kí lưu hành tại Vệt Nam. Vì vậy việc nhập khẩu vaccine theo Nghị định 187/2013 ngày 20/11/2013 của chính phủ quy định các doanh nghiệp được nhập khẩu không giới hạn số lượng, giá trị và không phải xin phép Bộ Y tế mà chỉ căn cứ vào nhu cầu của thị trường. 

Vừa qua, theo thông báo của nhà sản xuất nước ngoài, hai loại vaccine này đang gặp khó khăn về nguồn cung do thay đổi công nghệ, có chuyển địa điểm sản xuất, do biến động của thị trường, một số vaccine bị hỏng nên mất sáu tháng sau mới cung cấp được lô vaccine khác... Hơn nữa, tại Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng đang sử dụng loại vaccine 5 trong 1 miễn phí nên thị phần tại Việt Nam của hai vaccine này không được nhà sản xuất ưu tiên. Các lý do trên đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt như bạn phản ánh. 

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, nhu cầu sử dụng vaccine dịch vụ trong thời gian qua chủ yếu là ở hai thành phố lớn: Hà Nội và TP.HCM. Theo ước tính, chỉ khoảng 8% tổng số trẻ em tiêm chủng vaccine là tiêm loại vaccine 6 trong 1 và 5 trong 1. 

Trong khi đó, hàng năm cả nước có khoảng 1,5 triệu trẻ em được tiêm vaccine Quinvaxem 5 trong 1 theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông thời gian qua còn có những hạn chế, do đó còn một bộ phận người dân đã chưa chủ động cho con em đi tiêm chủng mở rộng hoặc sử dụng các vaccine khác: 3 trong 1, 4 trong 1 kèm theo vaccine đơn. 

Việc tiêm vaccine dịch vụ và vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng có điểm gì khác nhau? (Lê Nguyên Hương, 39 tuổi, Hà Nam) 

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiện nay việc tiêm chủng tại Việt Nam được thực hiện dưới hai hình thức tiêm chủng mở rộng (TCMR) và tiêm chủng dịch vụ. TCMR là hình thức tiêm chủng miễn phí, do nhà nước đảm bảo với 12 loại vaccine. Đây là các loại vaccine phòng những bệnh nguy hiểm đối với trẻ em. Chương trình TCMR bắt đầu thực hiện từ những năm 80 đến nay, mỗi năm tiêm cho khoảng 1,6 triệu trẻ em. Đây là một trong những chương trình hiệu quả nhất của chương trình mục tiêu và y tế. Các bệnh có vaccine phòng bệnh đã giảm từ hàng trăm đến hàng nghìn lần. Đặc biệt, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000 và bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005.

Chương trình TCMR do nhà nước đảm bảo do đó có kế hoạch cung ứng hàng năm đủ để tiêm chủng hàng tháng cho tất cả trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng và hiện nay được tổ chức tại các trạm y tế xã phường. Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, TCMR là tiêm chủng bắt buộc, như vậy tất cả trẻ em phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, nếu không có thể bị mắc bệnh truyền nhiễm đối với trẻ em đó và dẫn đến miễn dịch trong cộng đồng không cao. Nếu như miễn dịch cộng đồng không cao thì có thể gây ra dịch bệnh truyền nhiễm.

Tiêm chủng dịch vụ là hình thức tiêm chủng do người dân tự chi trả, đảm bảo thực hiện theo cơ chế cung - cầu. Việc cung cấp phụ thuộc vào các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà nhập khẩu, do vậy số lượng các loại vaccine này không ổn định và khó được đảm bảo.

Tất cả các vaccine, kể cả tiêm chủng dịch vụ và TCMR trước khi đưa ra sử dụng đều phải được kiểm tra chất lượng tại các cơ sở sản xuất, khi nhập khẩu vào Việt Nam phải được Viện Kiểm định quốc gia kiểm tra và đạt chất lượng kiểm tra mới được phép sử dụng.

Tất cả các điểm tiêm chủng vaccine dịch vụ và vaccine trong chương trình TCMR phải tuân thủ các quy định của Bộ Y tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự. 

Như vậy, về cơ bản thì không có sự khác nhau về mặt chất lượng giữa việc tiêm vaccine tại các điểm tiêm chủng dịch vụ và TCMR. Gia đình bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi đưa cháu đi tiêm chủng.

Thiếu vaccine dịch vụ không phải là câu chuyện của năm 2015, mà trước đó năm 2014, thiếu vaccine dịch vụ cũng đã được nhắc đến rất nhiều. Các nhà nhập khẩu vaccine không lập kế hoạch dẫn đến thiếu vaccine hay do nguyên nhân nào? (Nguyễn Thị Thảo, TP. Lào Cai)  

Dược sĩ Nguyễn Tất Đạt

Dược sĩ Nguyễn Tất Đạt: Nói như vậy chưa thật chính xác. Để phục vụ nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của người dân, hiện nay có tới 56 vaccine có số đăng kí còn hiệu lực để phòng 20 loại bệnh. Theo số liệu tổng kết năm 2014, chỉ có ba loại vaccine bị thiếu cục bộ tại một số nơi là 5 trong 1, 6 trong 1 và vaccine thủy đậu, còn các loại vaccine khác vẫn đủ cho nhu cầu tiêm chủng của thị trường. 

Đối với vaccine 5 trong 1 và 6 trong 1, bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các đơn vị tiêm chủng phải sử dụng vaccine tương ứng đang sẵn có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, không để trẻ chờ tiêm vaccine dịch vụ. Riêng Vaccine thủy đậu, Cục quản lí Dược đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu tích cực tìm nguồn cung thay thế và kể từ giữa năm 2014 đến nay, nguồn cung luôn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. 

Còn nguyên nhân cụ thể về việc thiếu vaccine 5 trong 1 và 6 trong 1 thì tôi đã nói cụ thể như trên.

Vaccine dịch vụ có thu tiền của dân khi tiêm còn vaccine chương trình TCMR miễn phí. Chất lượng cũng như công dụng của hai loại này ngang nhau. Tại sao vẫn có người dân chỉ lựa chọn vaccine dịch vụ? (Đỗ Văn M, Lâm Đồng)

PGS.TS Trần Đắc Phu: Theo chúng tôi thì hoàn toàn không phải như vậy. Như vừa rồi tôi đã trả lời là việc tiêm vaccine dịch vụ chủ yếu được thực hiện ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM và chỉ có rất ít trẻ em thực hiện theo hình thức. Ví dụ, năm 2014 có khoảng 1,6 triệu trẻ em được tiêm chủng vaccine Quinvaxem với tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95%. Trong khi đó, số lượng trẻ em tiêm vaccine 5 trong 1 và 6 trong 1 thuộc tiêm dịch vụ chỉ vào khoảng 100.000 trẻ. 

Số lượng hai loại vaccine trên được sử dụng qua hình thức tiêm chủng dịch vụ chỉ bằng khoảng 8% số lượng vaccine Quinvaxem trong TCMR.

Trong thời gian qua có sự băn khoăn về chất lượng vaccine dịch vụ phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và Hib (vaccine Infanrix hexa) và vaccine Pentaxim tốt hơn vaccine Quinvaxem phòng các bệnh tương ứng dùng trong TCMR. Thực tế đây chỉ là những lo lắng của các bậc làm cha làm mẹ chứ chất lượng các vaccin đều rất đảm bảo. 

Tôi xin nhắc lại rằng vaccine là loại thuốc đặc biệt khi đưa ra sử dụng phải được kiểm định rất chặt chẽ của Tổ chức Y tế thế giới cũng như cơ quan kiểm định của Việt Nam về tính an toàn và hiệu quả. 

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, tất cả các loại vaccine đều có một tỷ lệ phản ứng nhất định. Qua nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, cũng như thực tế tại Việt Nam, hai loại vaccine trên có những phản ứng nặng sau tiêm giống nhau. Trong khi đó, vaccine Quinvaxem, do có chứa thành phần ho gà toàn tế bào nên tỷ lệ phản ứng nhẹ như sốt, đau tại chỗ tiêm cao hơn đối với vaccine ho gà vô bào dùng trong tiêm chủng dịch vụ.

Hiện nay đang ở trong giai đoạn cuối cùng của chiến dịch tiêm vaccine sởi-rubelle cho trẻ em từ 1-14 tuổi ở toàn quốc. Đây là một chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay được thực hiện. Kết quả đến thời điểm này như thế nào? Đánh giá bước đầu về kết quả của chiến dịch lần này? (Phan Minh T, Hà Nội) 

TS Nguyễn Văn Cường: Chiến dịch tiêm vaccine Sởi- Rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi năm 2014 - 2015 cho khoảng hơn 20 triệu trẻ em trong toàn quốc đã được hơn 5 tháng. Hầu hết các địa phương đã triển khai xong chiến dịch này, một vài nơi hiện đang triển khai tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm chủng do các lý do khác nhau. Kết quả triển khai chiến dịch được báo cáo và cập nhật hàng ngày. Hiện đã có trên 19 triệu trẻ được tiêm chủng vaccine  Sởi- Rubella. Chiến dịch tiêm vaccine Sởi- Rubella có sự chỉ đạo và tham gia của các cấp, các ngành liên quan và đã đạt được mục tiêu của chiến dịch là đạt tỉ lệ tiêm chủng cao và an toàn.

Với những đối tượng chưa được tiêm vaccine, hoặc phải hoãn tiêm do sốt hoặc do một lý do bất khả kháng khác thì làm thế nào? (Thanh Thành, Phường 7, Quận 3, TPHCM) 

PGS-TS Trần Như Dương: Như tôi đã trình bày ở trên, trong tiêm chủng việc tiêm chủng đầy đủ đúng lịch rất quan trọng để phòng bệnh cho trẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng rất cần thiết phải có các bước tư vấn, khám sàng lọc để chỉ định tiêm chủng cho đúng. Trong một số trường hợp trẻ nằm trong diện hoãn tiêm hoặc chưa được tiêm cho bất kỳ lý do gì. Những trường hợp này rất cần các bậc phụ huynh sớm đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng ở xã, phường nơi gia đình cư trú hoặc các điểm tiêm chủng nơi gần nhất để được cán bộ y tế tư vấn và tiêm chủng bổ sung cho các cháu.

 PGS-TS Trần Như Dương

Tôi có hộ khẩu thường trú ở Ngọc Khánh. Hiện nay có hai cháu, một cháu bốn tuổi, một cháu 3 tháng tuổi. Nhưng cả hai cháu đều không nhận được bất kỳ thông báo nào về tiêm vaccine cho con, chỉ có một vài lần cháu lớn được uống vitamin A. Vậy tôi nên làm thế nào? (Nguyễn Thị Hường, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội, điện thoại 0983.916.xxx)  

PGS-TS Trần Như Dương: Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm và được triển khai từ rất sớm, từ những năm 1985. Hiện tại chương trình tiêm chủng mở rộng thực hiện tiêm miễn phí 12 loại vaccine để phòng 12 bệnh phổ biến và nguy hiểm nhất ở trẻ em tại tất cả các xã phường trong cả nước. Các loại vaccine phòng 12 bệnh là: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi-viêm màng não do Hib, sởi- rubella, viêm não Nhật Bản. Riêng vaccine tả và thương hàn được thực hiện ở  vùng có nguy cơ cao. 

Để đảm bảo việc tiêm chủng phòng bệnh cho cháu trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chị nên chủ động liên hệ với trạm y tế xã, phường nơi gia đình cư trú để đăng ký, quản lý và tiêm các vaccine đầy đủ cho các cháu. 

Con gái của em nay đươc hơn 5 tháng tuổi, đã chích muỗi đầu tiên 6 trong 1 ngày 17.12.2014. Mũi 2 chích 5 trong 1 ngày 17.01.2015 ở Bênh viên nhân dân Gia Định TPHCM, nhưng đến mũi thứ 3 (do bé bị sốt nên trễ gần 01 tháng chưa chích và hiện nay do hết vaccince 6 trong 1) có thể chích 5 trong 1 được không? Các mũi vaccine tiếp theo phải chích như thế nào? (Nguyễn Thị Ngọc Hân, 23 tuổi, ấp An phú xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Nghề nghiệp công an) 

PGS-TS Trần Như Dương: Trong trường hợp của cháu chị nên nhanh chóng đưa bé đến trạm y tế xã, phường nơi gia đình cư trú, hoặc điểm tiêm chủng nơi gần nhất để tiêm vaccine 5 trong 1 (Quivaxem) và uống vaccine bại liệt thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng. Chị không nên chờ đợi vaccine dịch vụ vì sẽ làm chậm lịch tiêm chủng dẫn đến bé có nguy cơ bị mắc bệnh trước khi được tiêm. Các vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng hoàn toàn đảm bảo chất lượng và miễn phí để phòng bệnh cho trẻ. 

Tôi có một bé 11 tuổi và một bé 6 tuổi. Hai cháu đã tiêm đầy đủ các mũi thuộc chương trình tiêm chủng quốc gia. Tôi thấy ở bệnh viện hiện giờ có cả "rừng" vaccine mà giá mắc quá, tôi không biết nên cho con mình tiêm ngừa những loại bệnh gì vì tôi không có khả năng tiêm ngừa cho con hết các loại bệnh vì tôi thấy không cần thiết. (Thanh Huyền, TPHCM) 

PGS-TS Trần Như Dương: Tiêm chủng là một biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Hiện nay, chương trinh tiêm chủng mở rộng đã đưa vào 12 loại vaccine để phòng 12 bệnh phổ biến và nguy hiểm ở trẻ em. Tuy nhiên, một số các vaccine khác chưa nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũngrất nên được tiêm cho trẻ để phòng những bệnh khác. Chị nên đưa cháu đến các điểm tiêm chủng để các bác sĩ tư vấn, từ đó chị có thể lựa chọn những vaccine phù hợp nhất cho các cháu và điều kiện của gia đình.

Hai vợ chồng tôi đi làm ăn xa, con tôi từ 6 tháng đã phải gửi bà ngoại ở nhà chăm sóc. Tới giờ cháu đã được 3 tuổi nhưng bà không nhớ là đã đưa cháu đi tiêm những mũi nào vì theo bà nói là cứ thấy xã phát loa là bà đưa cháu lên trạm xá xã để tiêm chủng, nhưng khi nào bận việc thì có thể bà không đi. Cũng vì tiêm ở xã nên không có giấy tờ hay sổ ghi cháu đã tiêm mũi nào, chưa tiêm mũi nào. Tôi rất muốn cháu được tiêm đầy đủ, nhưng phải làm thế nào để biết. Mong bác sĩ hướng dẫn cho tôi. (Trần Anh Tuấn, Ninh Bình) 

PGS-TS Trần Như Dương: Việc tiêm chủng ở các xã, phường trong chương trình Tiêm chủng mở rộng đều được quản lý và theo dõi tại các trạm y tế. Ngoài việc ghi chép các lần tiêm chủng vào phiếu tiêm chủng hoặc sổ tiêm chủng cá nhân cho gia đình quản lý thì tại các trạm y tế xã, phường đều có lưu các sổ tiêm chủng để theo dõi quá trình tiêm chủng của từng trẻ. Anh, chị nên đến trạm y tế xã, phường nơi cháu tiêm chủng để yêu cầu lấy các thông tin về tiền sử tiêm chủng của cháu được lưu trữ tại đây và tiếp tục tiêm bổ sung các loại vaccine chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ y tế. 

PGS.TS Trần Đắc Phu

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các Sở Y tế yêu cầu các điểm tiêm chủng dịch vụ của nhà nước tiêm vaccine thay thế tương ứng nếu hết vaccine dịch vụ. Việc này sẽ được triển khai như thế nào. Liệu có cơ chế nào kiểm soát và ngăn chặn tình trạng lạm dụng kinh doanh vắc xin dịch vụ, sao nhãng phục vụ vắc xin TCMR ở đây? (Phóng viên báo Pháp luật TPHCM) 

PGS.TS Trần Đắc Phu: Trước tiên, tôi khẳng định quyết định này là để đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch phòng chống các bệnh truyền nhiễm lên hàng đầu. Nghĩa là để cho trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, bởi vì vừa qua, do tình trạng các bà mẹ chờ đợi vaccine tiêm chủng dịch vụ không cho con em đi tiêm chủng vaccine mở rộng dẫn đến trẻ có thể mắc một số bệnh truyền nhiễm và đặc biệt là vừa qua có bệnh ho gà, sởi.

Bộ Y tế đã quyết định các điểm tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch mà không đảm bảo đầy đủ vaccine dịch vụ đó thì phải tiêm vaccine tương ứng từ trong chương trình TCMR. Đến nay thì các điểm tiêm chủng dịch vụ có số lượng trẻ đến tiêm chủng đông như Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP. HCM, Viện Kiểm định vaccine và sinh phẩm y tế đã triển khai tư vấn và tiêm chủng cho trên 1.000 trẻ trong TCMR đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo an toàn.

Khi triển khai TCMR tại các điểm tiêm chủng dịch vụ sẽ tăng gánh nặng cho các điểm tiêm chủng dịch vụ đó, như tăng thêm nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng phải đặt lợi ích của trẻ em và lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu. Công tác tổ chức TCMR tại các điểm tiêm chủng dịch vụ bảo đảm đúng các quy định. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời cho các cơ sở thực hiện và tổ chức các đoàn đi giám sát, kiểm tra việc thực hiện.

Tôi thấy rất nhiều mẹ đưa con đi chích ngừa cúm hàng năm để ngừa bệnh cúm. Tôi biết vaccine này không nằm trong những loại vaccine buộc phải chích ngừa, mũi chích đó có thực sự cần thiết không hay có thể bỏ qua? (Đặng Vũ, Quảng Nam) 

PGS-TS Trần Như Dương: Bệnh cúm mùa là một bệnh rất phổ biến và khá nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em. Do virus cúm luôn luôn biến đổi nên việc tiêm vaccine cũng phải được thực hiện hàng năm. Hiện nay, mặc dù vaccine cúm mùa chưa nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng nhưng tôi cho rằng đây là loại vaccine cần thiết để phòng bệnh. Nếu gia đình anh chị có điều kiện thì nên đưa cháu đi tiêm loại vaccine này. 

Thiếu vaccine dịch vụ hiện nay là do cơ chế độc quyền vaccine. Hiện trên thế giới có ít nhất 6 nhà sản xuất vaccine tổng hợp dành cho trẻ dưới 6 tuổi. Vậy tại sao lại lệ thuộc vào một, hai nhà sản xuất. Hai nhà sản xuất này có nhiều sản phẩm đa dạng từ 4 đến 6 thành phần tại sao khi vào Việt Nam lại chỉ có hai loại Pentaxim và Infrarix Hexa? Ông có thể lí giải về vấn đề này? (Song Hào) 

Dược sĩ Nguyễn Tất Đạt: Thông tin trên là chưa chính xác, vì hiện nay những quy định liên quan đến đăng kí, nhập khẩu vaccine đều rất công khai, minh bạch, không có cơ chế độc quyền. Bất kì bộ hồ sơ nào của doanh nghiệp đề nghị cấp số đăng kí lưu hành tại Việt Nam (đối với cả vaccine trong nước và nhập khẩu) đều được bộ Y tế tiếp nhận, thẩm định và cấp số đăng kí nếu đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật. Theo quy định hiện hành, bất kì doanh nghiệp nào đủ điều kiện kinh doanh vaccine đều được nhập khẩu vaccine có số đăng kí (Nghị định 187/2013 của Chính phủ quy định) mà không cần cấp phép của bộ Y tế và không giới hạn về giá trị). 

Hiện nay ở Vệt Nam có một số vaccine phối hợp khác: vaccine Tetract Hib (bạch hầu, uốn ván, ho gà và Hib), Tetraxim (bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt).

Theo quy định hiện hành thì nhà sản xuất hoặc doanh nghiệp đăng kí được quyền đăng kí một hoặc toàn bộ dòng sản phẩm của doanh nghiệp tại Việt Nam. Điều này phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ Y tế xem xét cấp số đăng kí cho các hồ sơ đã nộp. 

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu của người dân, Cục Quản lí Dược cũng khẩn trương yêu cầu các đơn vị tìm nguồn cung thay thế. Tuy nhiên vaccine là sản phẩm đặc thù, theo đó nhà sản xuất phải nhận được kết hoạch đặt hàng trước 6 đến 12 tháng. Ngoài ra, do vaccine dùng cho đối tượng trẻ em khỏe mạnh nên việc đảm bảo an toàn chất lượng phải đảm bảo đặt lên hàng đầu. Và đáp ứng được tiêu chí này thì số lượng cung cấp trên thế giới cũng rất hạn chế

Bộ Y tế thì chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng thúc đẩy và khuyến cáo người dân chấp thuận sử dụng vắc xin TCMR thay thế vắc xin dịch vụ đang khan hiếm. Có cơ chế nào kiểm soát cũng như xử lý những cá nhân, tập thể không tuân thủ trong việc này? (Nguyễn Văn Minh) 

PGS.TS Trần Đắc Phu: Bộ Y tế đã có công văn số 1500/BYT-DP ngày 9-3-2015 về việc triển khai điểm tiêm vaccine TCMR tại cơ sở tiêm chủng dịch vụ, yêu cầu các đơn vị phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi từ tiêm chủng dịch vụ và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ không thực hiện việc cung ứng hoặc không đảm bảo đủ các vaccine phòng các bệnh thuộc chương trình TCMR mà cơ sở đó thực hiện tiêm chủng dịch vụ.

Bộ Y tế đã thành lập 11 đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra, giám sát các địa phương về công tác TCMR, tiêm chủng dịch vụ và chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi- rubella. Khi kiểm tra sẽ tiến hành rút kinh nghiệm và để chỉ đạo việc thực hiện ngày một tốt hơn.

Được biết Bộ Y tế đang triển khai một chương trình về sản xuất vaccine. Ông có thể cho biết rõ hơn về chương trình này. Bộ Y tế kỳ vọng gì từ chương trình này? (Trần P. Hồng, Đà Nẵng) 

Có hay không việc độc quyền nhập khẩu vaccine? ảnh 5

Toàn cảnh chương trình Giao lưu trực tuyến chiều ngày 16/3/2015 về vấn đề tiêm chủng 

Dược sĩ Nguyễn Tất Đạt: Phát triển sản xuất trong nước thuốc nói chung và vaccine nói riêng luôn là ưu tiên hàng đầu trong các chính sách dược của Việt Nam. Hiện nay, các công ty sản xuất vaccine của Việt Nam đã sản xuất và cung ứng được 10/12 loại vaccine trong chương trình TCMR. Không có nhiều quốc gia tại khu vực hay các quốc gia có điều kiện tương đương Việt Nam có thể chủ động được vaccine như vậy. 

Đặc biệt ngày 31 - 12 - 2013, Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định về chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 trong đó có chương trình sản phẩm quốc gia vaccine phòng bệnh cho người. Mục tiêu về khoa học công nghệ của chương trình là chủ động hoàn toàn được công nghệ tạo chủng và bộ chủng giống vaccine để có thể sản xuất với quy mô công nghiệp phục vụ CTTCMR, sản xuất khi có dịch bệnh đối với các loại bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, Viêm gan B, bại liệt, viêm não mô cầu, tiêu chảy do vi rút Rota, viêm não Nhật bản, cúm mùa, thương hường, bệnh dại, viêm gan A và một số dịch bệnh nguy hiểm khác. Bên cạnh đó, chương trình cũng đặt mục tiêu làm chủ các công nghệ sản xuất vaccine ở quy mô công nghiệp, thương mại hóa được 7 dạng vaccine với các công nghệ tiên tiến như: vaccine đa giá, Hib cộng hợp và bại liệt bất hoạt, vaccine Rota, vaccine viêm gan A trên tế bào lưỡng bội, vaccine dại trên tế bào vero, vaccine thương hàn Vi cộng hợp.

Một số chị cùng công ty tôi khuyên rằng trước khi cho bé đi tiêm phòng viêm gan A, nên đưa bé đi thử máu xem có kháng thể chưa rồi hãy tiêm vì viêm gan A rất phổ biến và dễ lây. Bé nhà tôi năm nay 2 tuổi rưỡi, cũng đã đến lúc tiêm vaccine phòng viêm gan A được rồi. Tôi có nên đi thử máu cho bé trước khi tiêm không? (Vũ Hồng Nhung, Đống Đa, Hà Nội) 

PGS-TS Trần Như Dương: Trước khi tiêm vaccine viêm gan A không cần phải xét nghiệm để xác định đã có kháng thể hay chưa, vì việc xét nghiệm xét nghiệm mất thời gian và tốn kém chi phí. Vaccine viêm gan A rất an toàn, ngay cả khi đã có kháng thể thì việc tiêm vaccine  càng củng cố thêm khả năng miễn dịch cho người được tiêm mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Con của chị gái tôi năm nay 4 tuổi, cháu tiêm đầy đủ các mũi chích ngừa theo đúng hướng dẫn và đúng lịch. Tuy nhiên, vừa qua khi mẹ cháu cho cháu đi tầm soát lao, cháu vẫn chưa có kháng thể lao mặc dù cháu có chích đầy đủ kể cả mũi tiêm sớm nhất ngay sau khi sinh. Như vậy là lý do làm sao thưa bác sĩ? Liệu sau khi tiêm ngừa bất cứ bệnh gì tôi đều phải đưa bé đi tầm soát cho chắc ăn không? (Vy Thị Lệ Hằng, Cát Hải, Hải Phòng)

PGS-TS Trần Như Dương: Thông thường, sau khi tiêm vaccine chỉ khoảng 85-95% số người được tiêm vaccine tạo được miễn dịch. Lý do sau tiêm chủng không tạo được miễn dịch thì có rất nhiều, nhưng phải kể đến khả năng đáp ứng miễn dịch của từng cá thể. Trên thực tế sau khi tiêm vaccine không cần phải đi xét nghiệm để xác định có kháng thể hay không. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cá biệt cơ thể không đáp ứng tốt với vaccine thì có thể đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn chi tiết hơn. 

Con em sinh ngày 5/4/2014, lúc sinh bệnh viện có chích 1 mũi viêm gan B vào ngày 5/4/2014, nhưng mũi Lao thì tới 10/04/2014 bệnh viện mới chích (do họ quên chích lúc sinh). Do em thấy 2 mũi này phải chích sau khi sinh trong vòng 24h. Chích như vậy có làm giảm hiệu quả phòng bệnh không bác sĩ, có bị ảnh hưởng gì sau này không? (Phạm Thị Bích Trâm, quận 9, TPHCM)

PGS-TS Trần Như Dương: Lịch tiêm vaccine phòng lao (BCG) trong chương trình tiêm chủng mở rộng được Bộ Y tế quy định thực hiện trong vòng một tháng sau khi sinh càng sớm càng tốt. Việc con chị tiêm vaccine phòng lao (BCG) trong vòng năm ngày sau khi sinh vẫn hoàn toàn đảm bảo đúng lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng và phát huy được hiệu quả phòng bệnh. 

Vaccine thì Bộ Y tế ko cấm nhập nhưng doanh nghiệp muốn nhập lại phải xin cấp phép và hiện giờ Bộ Y tế lại đang xem xét cấp phép mới chết dở. Chắc có lẽ doanh nghiệp bộ muốn cấp phép lại không được nhà sản xuất hợp tác bán hàng cho nên nó mới hoãn vậy.

Dược sĩ Nguyễn Tất Đạt: Có lẽ bạn đang nhầm lẫn giữa số đăng kí lưu hành và giấy phép nhập khẩu vaccine. 

Theo quy định của Luật Dược thì thuốc nói chung và vaccine nói riêng chỉ được lưu hành tại VN sau khi có số đăng kí hoặc giấy phép nhập khẩu.

Đối với vaccine đã có số đăng kí thì theo quy định Nghị định 187/2013, bất kì DN nào đủ điều kiện nhập khẩu vaccine đều được nhập khẩu không cần giấy phép của bộ Y tế và không hạn chế về số lượng, giá trị. 

Còn đối với các vaccine chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng, bộ Y tế sẽ xem xét việc nhập khẩu vaccine chưa có số đăng kí lưu hành tại VN.  Theo Quyết định 151/2007 của Thủ tướng Chính phủ thì DN phải gửi hồ sơ đến bộ Y tế để xin phép nhập khẩu. Quy định này nhằm đảm bảo tất cả vaccine được sử dụng tại VN đều đạt tiêu chuẩn về hiệu quả và độ an toàn. 

 Tỷ lệ tử vong khi tiêm vaccin là bao nhiêu. Ý tôi là tỷ lệ thông thường, được ghi nhận trên thế giới và theo nghiên cứu. (Thanh Hải, Đà Nẵng)

TS Nguyễn Văn Cường: Tất cả các vaccine đều an toàn và đạt tiêu chuẩn về chất lượng thì mới được cấp phép lưu hành. Tuy nhiên tiêm chủng vaccine cũng như việc sử dụng thuốc vaccine có thể gây ra những phản ứng thông thường như sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm….Rất hiếm khi vaccine gây ra những phản ứng sau khi tiêm chủng nặng như : Sốc….Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) vaccine có thành phần ho gà toàn tế bào có tỉ lệ phản ứng nặng khoảng 20/1 triệu mũi tiêm. Trong thực tế nhiều trường hợp tử vong được xem xét và đánh giá là sự trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh sẵn có của trẻ khi tiêm chủng. 

Nếu trẻ mà không tiêm vaccin thì có những nguy cơ gì? Ở chỗ nhà em nhiều người không cho con đi tiêm lắm (Thanh Hải, Đà Nẵng) 

PGS.TS Trần Đắc Phu: Trẻ em không tiêm vaccine sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, rubella, viêm não Nhật Bản B… Việc một trẻ không tiêm vaccine bản thân trẻ đó có thể mắc bệnh song việc tiêm vaccine cũng phải đạt một tỷ lệ cao trong cộng đồng mới có tác dụng miễn dịch bền vững cho cộng đồng đó. 

Việc chính sách tiêm chủng bị bỏ quên và nằm ngoài Luật BHYT, Bộ có ý kiến như thế nào? (Trần Minh Hà, Hải Phòng) 

PGS.TS Trần Đắc Phu: Căn cứ vào Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, nhà nước có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho việc sử dụng vaccine sinh phẩm y tế cho trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình TCMR. Như vậy, trẻ em thuộc đối tượng TCMR được sử dụng vaccine hoàn toàn miễn phí.

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế, hiện nay, bảo hiểm y tế mới chỉ chi cho các hoạt động khám, chữa bệnh và việc chi này phù hợp với mức đóng hiện nay của người dân, chưa có việc chi cho các hoạt động y tế dự phòng nói chung trong đó có tiêm chủng. Tuy vậy, trong thời gian tới, để xã hội hóa công tác tiêm chủng, tăng cường sự tiếp cận của người dân đối với việc sử dụng vaccine phòng bệnh, đồng thời từng bước đưa các vaccine mới vào TCMR và mở rộng diện đối tượng được sử dụng vaccine phòng bệnh, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về đổi mới, tăng cường công tác tiêm chủng trong đó có đề xuất giao cho Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng gói dịch vụ bảo hiểm y tế phục vụ cho công tác tiêm chủng.

Về việc khan hiếm vaccine dịch vụ, tôi thấy Bộ Y tế vẫn khẳng định vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng bảo đảm chất lượng, lại được miễn phí sao các bậc phụ huynh vẫn chỉ muốn mất tiền để được dùng vaccine dịch vụ? Câu hỏi đặt ra là do chất lượng vaccien hay do sự tuyên truyền chưa đúng hướng? (Nguyễn Dũng, Như Quỳnh, Hà Nội) 

PGS.TS Trần Đắc Phu: Việc tiêm vaccine dịch vụ chỉ thực hiện ở một số các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM và với một số lượng ít trẻ em tham gia dịch vụ này. Đồng thời, vaccine dịch vụ do người dân phải trả tiền nên cũng chỉ thực hiện được đối với những gia đình có điều kiện kinh tế. Trong thời gian qua, đa số trẻ em đã và đang tham gia việc tiêm chủng dưới hình thức TCMR. Về chất lượng vaccine, dù có được cung cấp dưới hình thức dịch vụ hay TCMR đều phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, an toàn vì có thể coi vaccine là một thuốc đặc biệt. Hoàn toàn không phải cứ loại vaccine phải trả tiền là tốt hơn vaccine miễn phí. Tuy vậy, trong thời gian qua, có một số bà mẹ đã có tâm lý chờ đợi vaccine dịch vụ, không đưa con em đi TCMR dẫn tới một bộ phận trẻ em không được đầy đủ và đúng lịch, có thể mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi và ho gà.

Trong thời gian qua, việc tuyên truyền đã được tăng cường, do đó nhiều bà mẹ đã chủ động cho con em đi tiêm chủng. Chúng tôi thấy rằng cần phải tăng cường tuyên truyền hơn nữa để các bà mẹ cho trẻ em đi tiêm chủng trong chương trình TCMR, một chương trình miễn phí, thể hiện sự quan tâm của nhà nước ta. Qua đây, chúng tôi cũng mong muốn các bà mẹ hãy tin tưởng vào vaccine trong TCMR để đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Các thông tin về tiêm chủng, các bạn có thể tìm hiểu trên website của Cục Y tế dự phòng (www.vncdc.gov.vn) hoặc website của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (www.tiemchungmorong.vn).

Có hay không việc độc quyền nhập khẩu vaccine? ảnh 6
 

Số lượng vaccine có đủ đáp ứng nhu cầu của người dân không? Vì sao cứ đến dịp tiêm vaccine lại thấy tình trạng chen lấn như thế? Hay là do công tác quản lý, phân bổ, truyền thông kém nên khiến người dân đổ xô đến trong cùng 1 ngày?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Các vaccine TCMR được nhà nước đầu tư miễn phí có kế hoạch hàng năm, đảm bảo không thiếu, đủ cung ứng để tiêm cho trẻ em đầy đủ và đúng lịch và tiêm cho khoảng 1,6 triệu trẻ em mỗi năm. 

Thời gian của mỗi đợt tiêm chủng được phân bố hợp lý, tùy từng địa điểm, căn cứ theo số lượng trẻ trên mỗi địa bàn, căn cứ nhân lực,.. Tuy nhiên, có thể là do các gia đình cùng đưa con đến trong một ngày nên mới có sự chen lấn như vậy. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông để các gia đình đều hiểu rằng Nhà nước luôn đảm bảo cả chất lượng và số lượng vaccine nên các gia đình có thể đưa con đến tiêm trong những ngày sau đó để tránh tình trạng chen lấn mà bạn đề cập. 

Tôi sinh con ở quê, vì không để ý nên sau khi sinh bé cũng không tiêm mũi  ngừa viêm gan B như các bé khác. Giờ bé đã được 3 tuổi, tôi có thể bổ sung mũi viêm gan B bây giờ được không? (Ngọc Ánh, Nghệ An) 

PGS-TS Trần Như Dương: Vaccine viêm gan B được chỉ định cho cả trẻ em và người lớn. Nếu con chị đến nay ba tuổi mà chưa được tiêm vaccine viêm gan B thì vẫn hoàn toàn tiêm được vaccine này. Chị nên nhanh chóng đưa cháu đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm vaccine cho cháu.  

Con tôi được tiêm một mũi vaccine Quinvaxem 5 trong 1. Sau đó vaccine này phải tạm ngưng sử dụng một thời gian do có nghi vấn về chất lượng vaccine. Đến khi con tôi 24 tháng tuổi, tôi đưa con đi tiêm vaccine thì BS nói quá tuổi và không tiêm vĩnh viễn mũi này được nữa. Như vậy có đúng không và thiếu mũi nhắc lại này có ảnh hưởng gì không? (Nguyễn Thu Hằng, Hà Nội)

TS Nguyễn Văn Cường: Trong thành phần của vaccine Quinvaxem 5 trong 1 bao gồm 5 loại vaccine phòng 5 bệnh là: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viên gan B và  viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Lịch tiêm chủng vaccine Quinvaxem là lúc 2,3 và 4 tháng tuổi. Nay con bạn đã 24 tháng tuổi thì cần tiêm nhắc vaccine bạch hầu- ho gà- uốn ván (DPT). Bạn cũng có thể cho cháu tiêm dịch vụ vaccine viêm gan B. Vaccine Hib không có chỉ định tiêm chủng cho trẻ trên 24 tháng tuổi trở lên. 

Trong khi thế giới đang bỏ dần sử dụng vaccine đơn ngừa 3 bệnh Sởi - Quai bị - Rubella. Các nhà sản xuất lớn như Mỹ cũng không ưu tiên xuất các vaccine đơn giá một trong 3 bệnh này ra thị trường (Trừ Cu Ba, Czech, Ấn Độ). Vậy sử dụng "2 trong 1" MR-Vac II sau 2 lần tiêm Sởi đơn (các cháu trên 2 tuổi), thì các trẻ trai ở nông thôn, vùng sâu vùng xa (những vùng ít được tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng trả phí) làm sao để bảo vệ được bệnh quai bị? (Song Hà) 

TS Nguyễn Văn Cường: Chương trình TCMR được triển khai tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1981 với 6 loại vaccine phòng cách bệnh Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt và Sởi. Tới năm 1997 có 4 loại vaccine mới được đưa vào chương trình TCMR tại 1 số vùng nguy cơ bao gồm viêm gan B, viêm não Nhật Bản , Thương hàn và tả. Năm 2002 100% trẻ dưới 1 tuổi là đối tượng được tiêm vaccin viêm gan B. Từ 2010 vaccine Hib trong thành phần vaccine Quinvaxem được đưa vào TCMR. Từ năm 2014 100% trẻ từ 1- 5 tuổi là đối tượng được tiêm vaccin viêm não Nhật Bản. Việc triển khai các Vaccin trong TCMR dựa trên khả năng đáp ứng từ nguồn kinh phí của nhà nước và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Năm 2014 - 2015 Việt Nam tổ chức chiến dịch tiêm vaccine Sởi- Rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi với sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu của vaccine và tiêm chủng (GAVI). Từ năm 2015 vaccine Sởi-Rubella sẽ được đưa vào tiêm chủng thường xuyên cho trẻ lúc 18 tháng tuổi. 

Hiện nay, nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cho TCMR mới chỉ đáp ứng nhu cầu trên. Một số loại vaccine khác hiện chưa đưa vào chương trình TCMR bởi vì hạn chế về ngân sách. 

Mặt hàng vaccine công ty nào muốn nhập bao nhiêu cũng được hay Cục Quản lý Dươc kiểm soát về quota hay thả nổi số lượng cho các nhà phân phối? Ông Nguyễn Tất Đạt có thể công khai quota nhập vaccine hàng năm cho bạn đọc biết được không? (Song Hà) 

Dược sĩ Nguyễn Tất Đạt: Theo Nghị định 187/2013 ngày 20/11/2013 của chính phủ thì các doanh nghiệp được nhập khẩu không giới hạn số lượng, giá trị và không phải xin phép Bộ Y tế mà chỉ căn cứ vào nhu cầu của thị trường. Theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế thì việc cấp giấy phép nhập khẩu đối với thuốc đã có số đăng kí chỉ áp dụng với Thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc phóng xạ (bao gồm cả thuốc thành phẩm ở dạng đơn chất và phối hợp). Đối với thuốc thành phẩm và chữa bệnh cho người, đã có số đăng kí thì được nhập khẩu theo nhu cầu không phải xác nhận đơn hàng nhập khẩu. Quy định này cũng được thể hiện rất rõ trong Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29 - 12 - 2010.

Hàng năm, Cục Quản lý Dược đều công khai danh sách đầy đủ các thuốc nói chung và vaccine nói riêng được nhập khẩu trên trang web của Cục quản lí dược theo địa chỉ: www.dav.gov.vn. Danh sách các vaccine được cáp số đăng kí cũng thường xuyên được cập nhật tại địa chỉ trên.

Câu hỏi dành cho ông Trần Đắc Phu và Nguyễn Văn Cường: Kinh phí dành cho Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (EPI) có từ 2 nguồn: Ngân sách nhà nước (thuế do dân đóng) & viện trợ/hỗ trợ các tổ chức quốc tế (GAVI/UNICEF,...), vậy 2 ông có thể công khai kinh phí dành cho EPI hàng năm là bao nhiêu và kinh phí cho EPI trong 5 năm gần nhất, từ 2010-2014?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Chào anh Hào. Trước tiên, chúng tôi rất cám ơn anh đã có quan tâm tới công tác tiêm chủng của Việt Nam trong thời gian qua cũng như hiện nay. Đúng là việc đầu tư miễn phí cho công tác TCMR của Việt Nam trong thời gian qua được có từ hai nguồn chính là của Chính phủ Việt Nam cũng như của các tổ chức quốc tế. Về số kinh phí đầu tư đều được các đơn vị có trách nhiệm tiến hành tiếp nhận, thanh quyết toán theo quy định về tài chính. Trong buổi chiều hôm nay, tôi chưa trả lời được về vấn đề này vì cần phải có những thống kê và báo cáo của cơ quan sử dụng, mong anh thông cảm. Song cũng như anh đã có suy nghĩ, chương trình TCMR trong thời gian qua được đánh giá là một trong những chương trình mục tiêu y tế quốc gia hiệu quả nhất.

Sở dĩ có hiện tượng xếp hàng tiêm vaccine dịch vụ đông như hiện nay là do vaccine của chương trình TCMR, sau khi tiêm các bé thường phản ứng sốt cao, còn vaccine của Pháp, Bỉ được tiêm bằng hình thức tiêm chủng dịch vụ thì tỉ lệ phản ứng rất thấp. Vậy tại sao Bộ Y tế không nhập vacxin của Pháp, Bỉ cho TCMR? (Facebook Mui Qoat) 

TS Nguyễn Văn Cường: Hiện nay trong tiêm chủng dịch vụ nhiều gia đình muốn được tiêm chủng vaccine 6 trong 1 (của Bỉ) vaccine 5 trong 1 (của Pháp) vì trong thành phần của hai vaccine này có vaccine Ho gà vô bào. Vaccine Quinvaxem trong TCMR có thành phần Ho gà toàn tế bào khi tiêm chủng có tỉ lệ  gây sốt nhẹ (Dưới <  38,5  độ C) cao hơn so với vaccine có thành phần Ho gà vô bào. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khả năng phòng bệnh của vaccine Ho gà toàn tế bào tốt hơn so với vaccine.

Em đăng kí mua hai liều vaccine dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim do Pháp sản xuất tại Trung tâm dịch vụ vx (Viện kiểm điịnh vx quốc gia - Bộ Y tế) với giá tiền 1.386.000 đồng vào ngày 5-3. Trung tâm hẹn đầu tháng 4 sẽ có thuốc nhưng mới đây họ lại thông báo đến tháng 6 mới có thuốc về. Lỡ đến tháng 6 lại không có thuốc thì Bộ Y tế sẽ giải quyết việc này thế nào? (Hoàng Nam Giang, Hà Nội)

PGS.TS Trần Đắc Phu: Ngày 9-3-2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định về việc các điểm tiêm chủng dịch vụ tiêm vaccine phòng các bệnh giống trong chương trình TCMR nếu không cung cấp đủ vaccine sẽ phải tự lập điểm tiêm chủng vaccine tương ứng thuộc chương trình TCMR cho trẻ em để trẻ em được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, tránh mắc các bệnh truyền nhiễm trước khi được tiêm chủng. Vậy bạn có thể đưa con đến điểm tiêm chủng dịch vụ đó để tiêm. Cụ thể là việc tiêm vaccine Quinvaxem cho con bạn miễn phí trong khi không có vaccine Pentaxim như bạn đã nói ở trên.

Tôi biết rằng cha mẹ cần phải cho con đi chích ngừa đúng lịch để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao nhất. Tuy nhiên, khi đến lịch chích ngừa mũi 5 trong 1 vừa qua cho tới nay, con tôi cứ bệnh miết chưa khỏi, hết viêm phế quản, dị ứng thức ăn rồi tới rối loạn tiêu hóa… Đến nay thì lịch chích ngừa đã quá 3 tuần mà cháu vẫn chưa khỏi bệnh.Tôi muốn hỏi là liệu với sức khỏe của cháu hiện như vậy thì tôi có thể trì hoãn chích vaccine được bao nhiêu lâu? (Nguyễn Thị Bích Hạnh, Quận 12, TP.HCM).

TS Nguyễn Văn Cường: Tiêm vaccine đúng lịch, đủ mũi thì có tác dụng phòng bệnh tốt nhất. Tuy nhiên việc tiêm vaccnine cho các đối tượng thì cần phải được khám sàng lọc bởi cán bộ tiêm chủng. Chỉ những đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng mới tiêm chủng vaccine. Cháu nhà bạn hiện đang thuộc diện tạm hoãn tiêm chủng vì đang mắc bệnh cấp tính. Cháu sẽ được tiêm chủng khi khỏi bệnh gia đình nhớ đưa cháu đi tiêm chủng các mũi tiếp theo để phòng bệnh cho cháu. Trước khi tiêm chủng cháu sẽ được khám sàng lọc và có chỉ định thích hợp bởi cán bộ tiêm chủng.

Tôi có một câu hỏi nhỏ thôi, mong bác sĩ giải đáp giúp tôi. Việc chích vaccine buổi sáng hay buổi chiều có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bé không ạ? (Kim Chi, Đồng Nai)

TS Nguyễn Văn Cường: Việc tiêm chủng vaccine phòng bệnh cho trẻ cần phải thực hiện đúng lịch tiêm chủng đối với từng loại vaccine mà không phụ thuộc vào tiêm buổi sáng hay tiêm buổi chiều. Trước khi tiêm chủng trẻ cần được ăn ông uống đầy đủ và gia đình cần thông báo cho cán bộ tiêm chủng về tiền sử tiêm chủng và tình trạng sức khỏe của cháu.

Nhà báo Phan Lợi, đại diện báo Pháp luật TPHCM tặng hoa và cảm ơn các khách mời đã đến tham dự chương trình Giao lưu trực tuyến Giải đáp những băn khoăn về tiêm chủng. 

(PLO) - Để giúp các cha mẹ và cộng đồng hiểu rõ hơn vai trò của tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch với phòng chống dịch bệnh nguy hiểm nhằm mang lại niềm hạnh phúc cho trẻ thơ, Báo Pháp Luật TP.HCM và Bộ Y tế tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Giải tỏa mối lo về vaccine, tiêm chủng”.

Buổi giao lưu trực tuyến sẽ diễn ra từ 14 giờ đến 16 giờ 30 chiều 16-3.Các chuyên gia của Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ cung cấp thông tin toàn diện cũng như giải đáp các thắc mắc về các vấn đề liên quan đến tiêm chủng: Chất lượng vaccine trong chương trình TCMR, lợi ích của TCMR, têm chủng đầy đủ và đúng lịch, vaccine trong chương trình TCMR và vaccine dịch vụ, tiêm vét vaccine sởi- rubella… 

Khách mời tham gia chương trình giao lưu gồm có:

- PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng
- TS NGUYỄN TẤT ĐẠT, Cục phó Cục Quản lý Dược
- PGS-TS TRẦN NHƯ DƯƠNG, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
- TS NGUYỄN VĂN CƯỜNG, Phó trưởng Ban điều hành dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thắc mắc về chương trình tiêm chủng mở rộng, vaccine, có thể đặt câu hỏi vào ô bên dưới.PLO

  • 1. Thời gian: 00:00 14/03/2015
  • 2. Địa điểm: Trụ sở Tòa soạn Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh

Danh sách khách mời

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

PGS-TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

PGS-TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

TS Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Ban điều hành dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

TS Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Ban điều hành dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

TS Nguyễn Tấn Đạt, Cục phó Cục Quản lý Dược

TS Nguyễn Tấn Đạt, Cục phó Cục Quản lý Dược

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm