Điều này trái lại với nước Mỹ, nơi mà trứng được để ở ngăn lạnh cùng với bơ, pho-mát và sữa. Tại sao lại như vậy?
Xem ra mối liên hệ giữa cách bảo quản trứng với quy trình xử lí chúng ngay từ các nông trại ở Mỹ và Anh, cũng như các nước châu Âu khác, sẽ cho chúng ta câu trả lời.
Ở Mỹ, những quả trứng phải trải qua quá trình rửa và khử trùng bằng các chất hóa học trước khi đem ra bán vì bộ Nông nghiệp Hoa Kì cho rằng việc này sẽ giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella (một vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm).
Còn ở Anh, trứng của những chú gà được xếp loại A sẽ không phải qua công đoạn rửa vì họ lại cho rằng việc này tạo điều kiện cho những vi khuẩn như salmonella từ bên ngoài được đưa vào bên trong quả trứng.
Theo lời cộng tác viên của tạp chí Forbes, Nadia Arumugam, những quả trứng qua kiểm duyệt của bộ Nông nghiệp Hoa Kì sẽ không được bán một cách hợp pháp ở Anh (và ngược lại) vì phương pháp xử lý khác nhau.
Nhưng tại sao trứng ở Mỹ lại phải qua công đoạn rửa và việc này liên quan gì đến cách bảo quản trứng bằng tủ lạnh?
Khuẩn salmonella có thể thâm nhập vào quả trứng bằng 2 cách. Trứng có thể bị nhiễm vi khuẩn từ bên trong do lây từ gà mẹ, hoặc từ bên ngoài do dính phân của gà mẹ.
Nông dân Mỹ thường thích nuôi nhốt gà số lượng lớn hơn là chăn thả ngoài trời vì họ sẽ thu được nhiều trứng hơn mà không tốn quá nhiều diện tích. Nhưng cho dù công tác vệ sinh có tốt đến cỡ nào thì môi trường công nghiệp vẫn khiến những quả trứng gà dễ bị ô nhiễm hơn.
Những quả trứng được vận chuyển lập tức từ chuồng đến máy rửa trứng. Công đoạn rửa này phải được thực hiện hết sức cẩn thận, nếu không nó sẽ càng làm tăng nguy cơ trứng bị nhiễm vi khuẩn từ phân gà.
Người châu Âu lại có cách khác để xử lí khuẩn salmonella. “Ưu tiên hàng đầu trong sản xuất trứng là chúng đã phải sạch ngay từ khâu thu hoạch chứ không phải là cố gắng làm sạch chúng sau đó”, các cơ quan về an toàn thực phẩm ở Ireland cho biết.
Thêm vào đó,các nhà khoa học nhận thấy công đoạn rửa sẽ làm hỏng lớp biểu bì ở vỏ trứng, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập hơn. Cho nên, nhiệt độ thấp sẽ giảm nguy cơ thối hỏng của trứng cũng như giảm sự sinh sôi của vi khuẩn.
Sau khi trứng được làm lạnh vào khoảng dưới 7 độ C, chúng sẽ phải được bảo quản ở nhiệt độ đó. Những quả trứng đã được làm lạnh không nên để ở nhiệt độ thường quá 2 giờ vì nó sẽ khiến vi khuẩn có điều kiện xâm nhập vào trứng.
Đó là lí do người dân Mỹ thường được khuyến cáo bảo quản trứng ở nhiệt độ dưới 7 độ C. Tuy nhiên ở châu Âu, nhiệt độ thích hợp để bảo quản trứng lại vào khoảng 17-23 độ.
Nhưng còn 1 lí do khác khiến người Anh không quá bận tâm vào việc trứng phải được rửa sạch như người Mỹ. Những nông dân Anh Quốc đã bắt đầu tiêm phòng salmonella cho gà từ năm 1997, sau khi hàng ngàn người đã nhiễm bệnh vì vi khuẩn này. Vậy nên, salmonella không còn là mối đe dọa về sức khỏe lớn đối với họ.
Mặc dù việc tiêm vaccine cho gà đã cho thấy sự giảm thiểu đáng kể các ca nhiễm salmonella ở Anh, chính phủ Mỹ vẫn chưa yêu cầu việc miễn dịch. Năm 2010, cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kì (FDA) đã nói rằng họ sẽ không yêu cầu tiêm vaccine cho gà vì không có đủ bằng chứng cho thấy gà được tiêm chủng sẽ ngăn ngừa việc nhiễm bệnh ở người.
Ngoài ra, những người nông dân cũng cho rằng việc đó thật tốn kém. Thay vào đó, FDA kiểm soát salmonella qua việc kiểm tra định kỳ, các tiêu chuẩn về bảo quản lạnh và các yêu cầu khắt khe về vệ sinh chuồng trại.
Theo FDA, khuẩn salmonella là nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm ở Mỹ. Ước tính hằng năm có hơn 140.000 ca ngộ độc do ăn trứng nhiễm khuẩn, gây nên các triệu chứng như tiêu chảy, chuột rút và ói mửa.