Nhịn ăn giảm cân, một thiếu nữ tử vong?

Minh họa: LAP

Theo bác sĩ Phạm Thị Trà Giang, khoa cấp cứu Bệnh viện Thanh Nhàn, T. vào viện khi đã ngừng tim, ngừng tuần hoàn.

Nhịn ăn khoảng 10 ngày

"Kể cả những trường hợp chịu đựng được việc nhịn ăn 12 ngày, cơ thể không chỉ tiêu mỡ mà còn ảnh hưởng đến cơ, xương, nguy hại lâu dài đến sức khỏe"

TS CAO THỊ HẬU
(nguyên giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng quốc gia)

Phong trào nhịn ăn thanh lọc cơ thể, nhịn ăn giảm ký đang rộ lên trên khắp các diễn đàn mạng (Tuổi Trẻ, ngày 17-6) nên cái chết của T. khiến rất nhiều người ngỡ ngàng.

Ngay các bác sĩ điều trị cho T. cũng rất bất ngờ và còn đợi kiểm thảo tử vong mới có thể đánh giá căn nguyên ca tử vong này.

Theo bác sĩ Giang, T. nhập viện lúc 8g30 ngày 7-7 trong tình trạng ngừng tim, ngừng tuần hoàn, các bác sĩ đã cấp cứu tích cực mất 55 phút bệnh nhân mới có nhịp tim trở lại.

Tuy nhiên chỉ sau chưa đầy một ngày cấp cứu, bệnh nhân đã ra đi vĩnh viễn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, T. cao 1,60m và nặng khoảng 80kg. Theo lời kể của gia đình với bệnh viện, trước thời điểm bị nạn khoảng 10 ngày, T. bắt đầu thực hiện một liệu pháp nhịn ăn để giảm ký, chỉ thỉnh thoảng uống chút sữa dành cho người ăn kiêng.

Đến ngày thứ 10, trọng lượng cơ thể T. giảm còn 76kg nhưng sáng 7-7, khi người nhà phát hiện có bất thường và những người hàng xóm đến đưa T. vào bệnh viện cấp cứu, phải mất 50 phút họ mới đưa được cô thiếu nữ vào bệnh viện, một phần vì nhà cao, một phần vì T. cũng mập mạp.

“Khi bệnh nhân vào viện, chúng tôi xác định đã ngừng tim trước đó khoảng 50 phút, mà thời điểm vàng có thể cấp cứu người đã ngừng tim chỉ là 4 phút”- bác sĩ Giang cho biết.

Bác sĩ Chu Thị Dự, phó giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, cho rằng nạn nhân là thanh niên trẻ mà lại có dấu hiệu ngừng tim bất thường nên bệnh viện đã làm các xét nghiệm độc chất, thuốc gây nghiện, thuốc ngủ... xem T. tử vong có phải do tự tử, uống phải thuốc độc hay vấn đề gì khác, nhưng tất cả đều âm tính.

Xét nghiệm máu thời điểm T. vào viện cho thấy chỉ số đường huyết ở mức 10,1 mm/l, không có gì bất thường. Chỉ có bất thường là chỉ số kali ở mức bình thường trong khi lẽ ra với tình trạng bệnh nhân chỉ số này phải ở mức thấp hơn. “Tất cả những trường hợp ngừng tim ngoại viện chúng tôi không xác định được căn nguyên tử vong”- bà Dự cho biết.

Có nên nhịn ăn để “thanh lọc”?

Phong trào nhịn ăn để giảm béo và tẩy độc cơ thể đang xuất hiện khắp các diễn đàn, Facebook cá nhân. Có nhiều phương pháp tẩy độc khác nhau: có người chỉ uống nước chanh pha mật ong hoặc đường theo tỉ lệ vừa đủ ngọt vừa chua trong 12 ngày, có người chỉ ăn trái cây và uống nước trong vòng 2-5 ngày, có người chỉ dùng loại thực phẩm ăn kiêng của các hãng cung cấp thực phẩm chức năng.

Chị Thùy Linh ở Quán Thánh, Hà Nội cho biết trước chị nặng 66kg, sau 12 ngày nhịn ăn hoàn toàn chỉ uống nước chanh đường đã giảm được 7kg.

“Nhưng 12 ngày ấy tôi vật vờ chỉ nằm và uống nước, bạn tôi có người vẫn đi làm trong thời gian thanh lọc cơ thể, chỉ có vấn đề sau khi ăn trở lại, chúng tôi lại dư ký gần như trước đây”- chị Linh cho biết.

Theo bác sĩ dinh dưỡng Hà Việt Hòa, việc nhịn ăn chỉ uống nước trong 12 ngày rất bất hợp lý, thậm chí nhịn ăn 1-2 ngày là bất hợp lý rồi.

Theo bác sĩ Hòa, chỉ nên giảm cân bằng chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý. “Kể cả khi giảm cân bằng thực phẩm giảm cân chuyên dụng vẫn phải bổ sung đạm tổng hợp và vitamin, vì cơ thể dù được cung cấp năng lượng nhưng cũng cần bổ sung vitamin và khoáng chất”- bác sĩ Hòa cho biết.

Theo LAN ANH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm