Có nên cho phép cha mẹ được từ con?

Tuy nhiên, các yêu cầu này đều bị từ chối bởi pháp luật không có quy định…

Mới đây, TAND một quận tại TP.HCM đã từ chối thụ lý vụ ông bà HT yêu cầu tòa cho từ đứa con trai ruột duy nhất của mình.

Ra tòa, đăng báo từ con

Theo đơn yêu cầu của ông bà T., con trai họ nay đã gần 30 tuổi, không nghề nghiệp, suốt ngày chỉ lông bông. Tuy nhiên, việc đó không gây phiền lòng ông bà bằng việc đứa con này thường xuyên lấy cắp tài sản trong nhà đem đi cầm hay bán, nợ nần lung tung rồi bắt ông bà phải gánh. Thậm chí những lúc không lấy được tiền hay tài sản, nó còn sẵn sàng chửi bới, “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với ông bà. Vì tình thương con, ông bà đã cố gắng bỏ qua, dung thứ nhưng tình trạng trên cứ lặp đi lặp lại, nay ông bà đã không thể chịu đựng nổi nữa nên yêu cầu tòa chấp nhận cho được từ con...

Sau khi xem xét, tòa đã quyết định từ chối thụ lý vụ kiện của ông bà T. vì hiện nay pháp luật không có quy định nào về vấn đề này.

Mấy năm trước, nghệ sĩ cải lương M. lại lựa chọn con đường đăng báo để từ con gái đầu. Nội dung từ con được đăng tải trên một tờ báo văn hóa nghệ thuật như sau: “Kể từ đây, tôi là… xin từ con là diễn viên… và không chịu trách nhiệm gì về mọi hành động sai trái của nó. Kính mong thân bằng, quyến thuộc, bạn bè gần xa còn thương tôi thì chớ nên giao tiếp, liên hệ tiền bạc với… nữa. Tôi rất mang ơn!”.

Có nên cho phép cha mẹ được từ con? ảnh 1

Trước đó người con gái đầu này lợi dụng lúc nghệ sĩ M. bị bệnh nặng đã liên lạc với bạn bè, người thân, người ái mộ của ông ở bên Mỹ để quyên góp tiền, quà. Sau khi biết chuyện, nghệ sĩ M. đã nhiều lần gọi điện thoại sang Mỹ xin lỗi những người này và yêu cầu con chấm dứt ngay việc làm đó. Và cho rằng đây là trò lường gạt của con, cố tình “gây tiếng oán” cho ông, nghệ sĩ M. đã nhờ báo chí đăng thông báo từ con như trên.

Luật hiện hành chưa cho phép

Hiện nay pháp luật không có quy định nào cho phép cha mẹ được đuổi con ruột ra khỏi nhà, xóa tên con khỏi hộ khẩu và từ con. Với con ruột, nếu có hành vi phạm pháp với cha mẹ thì tùy mức độ vi phạm mà cơ quan chức năng sẽ xử lý hành chính hay hình sự. Pháp luật chỉ mới quy định về việc cha mẹ nuôi có quyền yêu cầu tòa ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi nếu con nuôi có hành vi nghiêm trọng xâm phạm thân thể, nhân phẩm hoặc có hành vi khác làm cho tình cảm của cha mẹ nuôi không còn nữa.

Theo nhiều chuyên gia, trước đây pháp luật phong kiến ở nước ta có các quy định cho phép cha mẹ được từ con ruột. Việc từ con phải có lý do hợp lý, chính đáng, có chứng cứ rõ ràng, chẳng hạn con cái không nghe lời, khó dạy dỗ, bất hiếu vô đạo… Đến thời chế độ cũ cũng có các quy định về các trường hợp được phép từ con ruột và tòa án chính là nơi thụ lý giải quyết yêu cầu.

Tuy nhiên, sau ngày thống nhất đất nước đến nay, pháp luật về hôn nhân và gia đình không quy định về việc từ con ruột. Trong quá trình soạn thảo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, việc này đã từng được đưa vào dự thảo nhưng về sau không được thông qua. Lúc ấy nhiều người cho rằng nếu con cái xâm phạm đến cha mẹ thì các quy định hiện hành của pháp luật hành chính, hình sự đã đủ để xử lý, không cần đến chế định từ con ruột trong pháp luật dân sự nữa.

Nên quy định hay không?

Theo một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM, pháp luật dân sự không điều chỉnh việc từ con ruột là phù hợp. Pháp luật của các nước khác cũng không có chế định này. Bởi lẽ mối quan hệ giữa cha mẹ và con ruột là mối quan hệ huyết thống, đương nhiên không thể từ bỏ, phủ nhận. Ngay cả trường hợp trái đạo nhất như con giết cha mẹ thì pháp luật cũng chỉ quy định truất quyền thừa kế của người con nếu cha mẹ không có di chúc cho hưởng. Còn trên thực tế người con đó vẫn là con của họ.

Ở một góc độ khác, hai luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) và Nguyễn Thị Hồng Liên (Phó Trưởng cơ quan đại diện tại TP.HCM của Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đặt vấn đề: Thực tế đã có tình huống phát sinh mà pháp luật lại không có quy định điều chỉnh, còn bỏ ngỏ là chưa phù hợp.

Theo hai luật sư này, về mặt tinh thần, mối quan hệ cha mẹ với con cái là ruột thịt, tuyệt đối không thể thay đổi được. Tuy nhiên, việc từ con chỉ nhằm để cha mẹ không phải chịu trách nhiệm, giải thoát được gánh nặng bất an, phiền muộn với những hành vi sai trái, lừa lọc, vô đạo đức… của con. Nếu cha mẹ đã khổ sở vì con như trường hợp của ông bà T. nói trên mà vẫn phải sống chung nhưng tòa lại không giải quyết thì hậu quả sẽ ra sao?

Từ con ngay từ khi mới sinh

Nhiều cán bộ hộ tịch kể thực tế có những trường hợp người làm cha làm mẹ từ con ngay từ khi mới sinh. Họ là những cặp đôi sống chung chưa kết hôn, sau đó có con (chủ yếu là du học hay làm việc một thời gian ở nước ngoài). Vì không muốn có vướng bận sau này, một trong hai người đã đồng ý lập thỏa thuận từ con, trao toàn quyền chăm sóc con cho người còn lại. Để tránh chuyện sau này bên từ con quay lại đòi quyền làm mẹ, làm cha và ảnh hưởng tới việc chăm sóc, phát triển nhận thức của con, bên còn lại thường làm giấy khai sinh và không ghi tên mẹ hoặc cha. Khi cơ quan chức năng hỏi vì sao thiếu tên cha hoặc mẹ, họ thường đưa văn bản thỏa thuận hai bên đã ký để hợp thức hóa thủ tục.

Pháp luật chưa đủ sức răn đe

Ngày càng có nhiều trường hợp cha mẹ muốn từ con có một phần nguyên nhân là do pháp luật chưa đủ sức răn đe đối với con cái bất hiếu.

Thời phong kiến, luật Hồng Đức, luật Gia Long sắp tội bất hiếu trong nhóm tội thập ác và phải bị xử lý hình sự. Người xưa xử lý hình sự con cái bất hiếu vì đề cao chữ hiếu và công ơn sinh thành, dưỡng dục của bậc cha mẹ. Còn hiện nay, con cái bạc đãi cha mẹ chủ yếu cũng chỉ bị xử phạt hành chính khi có tố cáo của cha mẹ, chỉ trừ khi vi phạm có mức độ, tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Trong Bộ luật Hình sự, tội bất hiếu cũng không được quy định riêng thành một tội độc lập. Hành vi con cái ngược đãi cha mẹ được xử chung trong tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151) hay tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 152)…

Luật gia ĐẶNG ĐÌNH THỊNH, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia Việt Nam

Đăng báo từ con chỉ có ý nghĩa thông tin

Việc đăng báo từ con chỉ có ý nghĩa về mặt thông tin chứ không làm phát sinh các hệ quả pháp lý trong mối quan hệ cha mẹ - con cái. Đồng thời, nếu con cái đã thành niên có việc vay mượn, lừa đảo người khác thì phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, cha mẹ không phải chịu trách nhiệm.

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm