Có nên xem xét đơn thư nặc danh?

Làm tới cùng để tạo niềm tin

Trong các hội nghị tuyên dương gương điển hình chống tham nhũng, hầu hết các ý kiến đều cho rằng nếu các cơ quan chức năng vào cuộc tới cùng thì sẽ tạo niềm tin rất lớn cho việc tố giác tham nhũng. Thực tiễn cho thấy các vụ tố giác tham nhũng thành công phần lớn là do chính sự quyết liệt của các cơ quan phòng chống tham nhũng (PCTN) trung ương.

Nhiều ý kiến góp ý cho đề án nâng cao năng lực PCTN do PGS-TS Đặng Ngọc Dinh làm chủ nhiệm đề tài cũng nhận xét: Người dân nhìn vào kiểu xử lý đầu voi đuôi chuột trong PCTN cộng hưởng với việc nguồn tin tố giác không được bảo vệ sẽ dẫn đến tâm lý nghi ngại trong đấu tranh chống tham nhũng.

“Cơ chế hiện nay đã gần như vô hiệu hóa việc chống tham nhũng trong các đơn vị, điều này bắt buộc phải có “áp lực” từ phía ngoài. Cụ thể là các ban chỉ đạo PCTN và các cơ quan điều tra liên quan cần phải hành động một cách mạnh mẽ hơn nữa. Tôi nghĩ chỉ cần thực hiện chừng 30% những cơ chế đã có hiện nay thì cũng giải quyết được rất nhiều vấn đề” - TS Lê Văn In nói.

Nếu cơ quan chức năng vào cuộc tới cùng thì sẽ tạo niềm tin cho việc tố giác tham nhũng. Trong ảnh: Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân (bìa trái) và Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến gặp gỡ các điển hình về phòng chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN

Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, phân tích thêm: “Nhiều cấp cơ sở vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của địa phương nên không dám mạnh dạn trong công tác PCTN. Chúng ta có quyết tâm chính trị đối với căn bệnh được xem là nghiêm trọng này thì cũng phải quyết liệt hơn nữa trong hành động. Có thế dân mới tin để cùng nhà nước chống lại tham nhũng”.

Xử nặng người tiết lộ nguồn tin

Luật PCTN có quy định về trách nhiệm xử lý của người tiếp nhận nguồn tin tố giác tham nhũng và trách nhiệm phải đảm bảo tính bí mật của nguồn tin và an toàn cho người tố giác. Tuy nhiên, chế tài đối với việc để lộ nguồn tin và nguồn tin bị trù dập lại chưa thật rõ.

“Trong khi rất nhiều vụ trù dập xảy ra thì lại chưa thấy vụ nào xử lý những người vô tình hay cố ý để lộ nguồn tin tố giác. Điều này là một sự bất hợp lý” - ông Lê Hiếu Đằng bình luận.

Theo TS Lê Văn In, phải có cơ chế xử lý người có trách nhiệm tiếp nhận và bảo mật thông tin tham nhũng. “Việc để lộ nguồn tin tố giác tham nhũng nếu gặp phải sự trả đũa từ phía bị tố giác sẽ gây ra không ít phiền toái, thậm chí nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của người tố giác. Vì vậy, phải xử lý nghiêm hành vi để lộ nguồn tin tố giác tham nhũng. Một mặt để đảm bảo thông tin tố giác được điều tra đúng quy trình nhằm tìm ra đúng, sai; mặt khác nhằm đảm bảo cho nguồn tin tố giác được an toàn. Có như thế mới tạo thêm niềm tin từ phía người tố giác và tạo nên những cảnh giác cần thiết đối với người có trách nhiệm bảo mật nguồn tin” - TS In nói.

Nặc danh không phải là phá hoại

Một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra nhằm khuyến khích việc chống tham nhũng và bảo vệ nguồn tin tố giác là cần phải chấp nhận thư nặc danh.

PGS-TS Đặng Ngọc Dinh nói: “Với tâm lý lo ngại bị trù dập, đe dọa, trả thủ đối với nguồn tin tố giác tham nhũng hiện nay thì cần phải đa dạng hóa cách thức tố giác. Trong đó có việc xem xét đơn thư nặc danh”.

TS Lê Văn In phân tích: Cơ chế hiện nay dẫn đến tình trạng rất ít ai dũng cảm để có thể đương đầu chống tham nhũng trong chính cơ quan mình. Cán bộ khi tố cáo, nếu liên quan đến lãnh đạo cơ quan là phải đối đầu với chính cấp trên của mình, áp lực sẽ rất lớn. Thực tiễn cho thấy có rất nhiều vụ quyền lợi người tố cáo bị ảnh hưởng rất nhiều trong khi đúng sai chưa được làm rõ. “Vì vậy, nếu thư nặc danh có cơ sở thì phải cho tiến hành điều tra. Không nên cho thư nặc danh là phá hoại” - TS In kết luận.

Tự thú, tố giác tham nhũng vẫn bị tù

Đó là trường hợp anh Lê Duy Sơn, Chi cục HTX phát triển nông thôn Hải Dương. Anh Sơn được cấp trên “chỉ đạo” nâng khống giá mua trang thiết bị cho cơ quan để trục lợi, bản thân anh cũng được chia 3 triệu đồng. Áy náy, lo sợ vì đã làm việc sai trái, anh đã tố giác, nộp lại tiền và cung cấp nhiều thông tin quan trọng giúp cơ quan điều tra khui ra vụ tiêu cực này.  Tại phiên xử sơ thẩm tháng 8-2007, TAND TP Hải Dương đã tuyên phạt anh 24 tháng tù treo. Tại phiên sơ thẩm lần hai, anh Sơn bị tuyên 26 tháng tù giam (trong khi bị cáo đầu vụ cũng chỉ bị phạt 30 tháng tù giam). Quá bức xúc, gia đình anh Sơn gửi đơn kêu cứu nhiều nơi. Ngày 10-8-2009, Viện trưởng VKSND Tối cao đã ra kháng nghị giám đốc thẩm, trong đó nhận định xử bị cáo Sơn về tội tham ô tài sản là đúng luật, song mức án phạt 26 tháng tù giam là quá nặng…

MINH CƯỜNG

Kỳ tới: Phải có cơ chế đặc thù

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới