Có phòng vắt sữa, các bà mẹ vui

16 giờ chiều, chị Nguyễn Song Thùy, công nhân Tổng Công ty Việt Thắng (trụ sở tại quận Thủ Đức), nghỉ sớm hơn các đồng nghiệp để mang phần sữa của chị (đã vắt trong ngày) về cho con đang nhờ bà ngoại chăm ở nhà.

Lúc đầu sợ… đau, sau thấy thoải mái

Tại phòng vắt sữa dành cho các bà mẹ nuôi con nhỏ được bố trí gần khu vực nhà ăn, chị Thùy tâm sự: “Vợ chồng tôi đều làm công nhân, ăn ở với nhau 15 năm mới có với nhau một mặt con, con hiếm muộn nên vợ chồng dành hết tình thương cho cháu. Trong giờ làm, mỗi lúc căng sữa tôi xin nghỉ giữa chừng đến phòng vắt sữa để chiều mang về cho con bú”.

Chị Thùy cho biết từ ngày công ty bố trí phòng vắt sữa, không chỉ chị mà nhiều chị em khác trong công ty có con nhỏ đều tìm đến đây vắt sữa để dành cho con bú dần. Nắm bắt nhu cầu của chị em, công ty hoàn toàn tạo điều kiện cho chị em khi căng sữa xin nghỉ để vắt chứ không khống chế giờ giấc khiến các bà mẹ rất phấn khởi. Tuy nhiên, do làm khoán sản phẩm nên vẫn còn một bộ phận chị em ngại giảm thu nhập nên chưa mạnh dạn nghỉ việc đi vắt sữa.

Chị bảo lúc chưa có phòng vắt sữa, đa số chị em đều tranh thủ vào toilet vắt bỏ sữa rất lãng phí, trong khi con ở nhà phải đi mua sữa vừa tốn tiền vừa không đảm bảo vệ sinh và sức đề kháng bằng sữa mẹ. “Lúc đầu nhiều chị em ái ngại, sợ máy vắt làm đau nhưng khi dùng thử rồi ai cũng cảm thấy rất thoải mái, không gây đau. Thêm nữa, khi các bà mẹ vắt sữa đều đặn, sữa được kích thích tiết ra đều hơn” - chị Thùy cho biết.

 
Tranh thủ giờ giải lao, các công nhân Tổng Công ty Việt Thắng đến phòng vắt sữa để dành cho con. Ảnh: P.ĐIỀN

Cần nhiều máy vắt

Bà Đàm Minh Hoa, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Việt Thắng, cho chúng tôi biết phòng vắt sữa được bố trí gần khu vực nhà ăn, khá thuận lợi cho việc chị em giải lao buổi trưa vào đây vắt sữa. Thời gian đầu chị em còn e dè, về sau một bà mẹ rồi nhiều bà mẹ tìm đến vắt sữa cất trữ tủ đông để dành cho con.

Bà Hoa cho biết công ty hiện có hơn 2.000 công nhân, trong đó có khoảng 1.400 lao động nữ, số bà mẹ nuôi con nhỏ khoảng 80 người. Trước mắt công ty bố trí một phòng có trang bị tủ lạnh để các bà mẹ sau khi vắt sữa xong bỏ vào bảo quản đảm bảo chất lượng, vệ sinh. Các thiết bị đi kèm gồm hai máy vắt sữa, bình đun nước sôi tiệt trùng và bồn rửa tay.

Bà Hoa cũng cho rằng phòng vắt sữa cần bố trí người để quản lý, hướng dẫn để đảm bảo vệ sinh cho các bình vắt sữa. Các bình sữa do các chị mang theo cần dán tên rõ ràng để tránh nhầm lẫn. Ngoài ra, với những công ty có nhiều bà mẹ nuôi con cần trang bị nhiều máy vắt để các bà mẹ khỏi ngồi chờ lâu, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập.

Thuận lợi cho các bà mẹ

Bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, Trưởng ban Nữ công Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM, cho hay: Trước khi Bộ luật Lao động có hiệu lực, từ năm 2013 Công ty Pouyen (quận Bình Tân) và Công ty Vinh Tiến (huyện Bình Chánh) đã tiên phong triển khai lắp đặt phòng vắt sữa cho các bà mẹ. Hai mô hình phòng vắt sữa này do LĐLĐ Việt Nam phối hợp cùng Alive&Thrive (dự án do Bill Gates tài trợ) triển khai.

Tuy nhiên, theo bà Liên, do chưa có kinh nghiệm, một cabin đặt ở xa nơi công nhân làm việc khiến công nhân ngại di chuyển; cabin thứ hai đặt gần nơi sản xuất, tiếng ồn lớn, không tế nhị nên không thu hút được các bà mẹ vào vắt sữa.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pouyen, cho biết rút kinh nghiệm công ty đang tính toán lắp đặt cabin ở chỗ kín đáo, gần nơi làm việc hơn để thuận lợi cho các chị em đến nghỉ ngơi vắt sữa.

Theo bà Liên, hiện quy định này đã được luật hóa, thuận lợi cho các bà mẹ sau khi sinh dành sữa cho con. Ngược lại vẫn còn doanh nghiệp băn khoăn do việc này quá mới, trước đó chưa chú ý đến, nay cần phải tính toán bố trí cabin sữa cho phù hợp với điều kiện, diện tích nhà máy. Ngoài ra, phía doanh nghiệp cũng đặt vấn đề trong quy trình sản xuất, máy móc đang vận hành nếu bà mẹ có nhu cầu để dành sữa cho con thì tính toán như thế nào cho phù hợp để không ảnh hưởng đến sản xuất.

Các doanh nghiệp quan tâm

Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ (có hiệu lực từ 15-11-2015) ghi rõ tại khoản 3 Điều 7: “Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Võ Minh Thư, Trưởng phòng Quản lý lao động Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM, cho hay nghị định này được các doanh nghiệp rất quan tâm. Tuy nhiên, họ cũng băn khoăn về diện tích lắp cabin 6 m2 cần bố trí như thế nào cho hợp lý, quy cách như thế nào cho đảm bảo thu hút các bà mẹ. Theo đó các doanh nghiệp đang xin ý kiến phòng xây dựng của Ban Quản lý các KCX-KCN để vận dụng triển khai.

“Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng băn khoăn về nơi cung cấp thiết bị vắt sữa hợp vệ sinh, đảm bảo chất lượng. Những vấn đề này cần được ghi nhận để tham vấn, chia sẻ cùng doanh nghiệp và người lao động nuôi con nhỏ” - bà Thư nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới