Cớ sao gà mái hóa gà cồ?

Thế mới kẹt vì giọng bỗng khàn, da thành nhờn, tóc dễ rụng, người trở nên nặng nề, cứ như… đàn ông!

Thông thường, tình trạng cường điệu của nội tiết tố nam tính chỉ làm khổ phụ nữ đã bước vào tuổi mãn kinh nhưng bệnh lý này cũng có thể xuất hiện trên thiếu nữ hãy còn rất trẻ. Do đó nên tìm đến thầy thuốc để ghi nhận biến đổi trên ngoại hình và chức năng sinh lý, chẳng hạn ngực đang căng bỗng chảy xệ, đường kinh càng lúc càng ít, càng lúc càng trễ và “chuyện kia” càng lúc càng thưa…

Âm dương bổ trợ

Học thuyết âm dương với hình tròn - biểu tượng của một tổng thể bao gồm hai phần mang màu đối nghịch. Trong phần sáng lại có một điểm tối và ngược lại, trong nửa phần tối đen cũng gài nhẹ đốm nhỏ màu đối nghịch. Trong âm nếu không có chút dương và ngược lại, dương mà thiếu âm thì không thể biến đổi qua lại, thì không còn nguồn sống vì sống bao giờ cũng đi đôi với động.

Có đến 90% phụ nữ ở trong tình cảnh “gà mái hóa gà cồ” đồng thời bị stress.

Ý nghĩa đó càng rõ hơn nữa nếu thử chọn thí dụ với hệ nội tiết ở phái nữ. Cơ thể của phái yếu tuy một mặt rõ ràng chịu sự chi phối của hai nội tiết tố estrogen và progesteron để tùy theo tỉ lệ giữa hai loại này mà ngoại hình của giới chân yếu tay mềm phát triển một cách bình thường, từ vóc dáng thướt tha, chu kỳ kinh nguyệt đều đặn cho đến chức năng sinh lý như mong muốn, kể cả khuynh hướng tư duy theo kiểu “đàn bà”. Nhưng mặt khác, nội tiết tố nam tính testosteron cũng được tổng hợp trong cơ thể phụ nữ, tuy không chiếm ưu thế về số lượng nhưng phải có, để góp phần một cách gián tiếp vào cán cân quân bình nội tiết. Trước hết, testosteron có nhiệm vụ ngăn ngừa hoạt tính thái quá của progesteron nếu chất này vì lý do nào đó bỗng trở nên cường điệu. Kế đến là vai trò đòn bẩy cho phản ứng tổng hợp nội tiết tố estrogen thông qua một chuỗi phản ứng sinh hóa với nhiều công đoạn phức tạp. Nói cách khác, phụ nữ không thể môi son má đào nếu thiếu chút nội tiết tố của phái nam.

Chân dung “thủ phạm”

Thống kê thực hiện với 100 quý bà ở độ tuổi 50-55 đến phòng khám vì “chuyện đó” dạo sau này cứ như trời ganh trời ghét, bởi họ đang là nạn nhân của tình trạng “bốc hỏa dù ngoài trời lạnh căm căm” cho thấy phần lớn đang thừa vài món. Đó là:

- 90% có cuộc sống thừa stress.

- 70% có lượng nội tiết tố testosteron vượt quá định mức bình thường.

Mặt khác, số người buồn bực vì đường kinh tắt bóng lại thiếu hụt ít món khó tìm. Đó là:

- 80% thiếu ngủ, trong số đó hơn 60% vẫn dễ ngủ nhưng lại bật dậy (dù không ai đánh thức) lúc 1-2 giờ sáng rồi trăn trở, bực bội chờ sáng. Tình trạng này cũng do thừa testosteron.

- Không dưới 60% thiếu canxi (Ca) và magiê (Mg). Hai khoáng tố này rất cần thiết cho tiến trình chuyển hóa năng lượng. Nạn nhân vì thế vừa dễ mệt chỉ sau ít giờ làm việc, vừa dễ quạu khi đối phó với trục trặc chẳng đáng là bao, lại thêm chuột rút giữa đêm khuya khiến đang ngủ ngon phải la làng.

Điểm đáng nói là tất cả đối tượng nêu trên đều đã tìm nhiều thầy, chạy nhiều thuốc mà tiền tuy mất nhưng tật vẫn mang, thậm chí vướng thêm phản ứng phụ do lệ thuộc thuốc an thần.

Hễ nghèo dễ mắc cái eo

Càng thêm éo le ở mối liên hệ trật đường ray giữa tuyến giáp trạng và nội tiết tố giới tính. Mãn kinh với cơ thể chẳng khác nào một loại stress, thậm chí nguy hại hơn công việc căng thẳng. Do phản ứng cường điệu của tuyến giáp trạng vì stress liên tục chào hàng, nội tiết tố thyroxin được phóng thích với lượng cao hơn nhu cầu trên thực tế. Lượng thyroxin thặng dư là nguyên nhân khiến:

- Tiến trình tổng hợp nội tiết tố nữ tính estrogen và progesteron bị phong bế một cách oan uổng với hậu quả là lượng testosteron tăng dần vì không được dùng đúng cách!

- Các sinh và khoáng tố cần thiết cho khả năng ham muốn như C, kẽm, magiê… bị hao hụt rất nhanh vì tuyến giáp trạng tiêu xài các chất này rất hào phóng để xúc tác phản ứng tổng hợp nội tiết tố chống stress. Đã vậy thiếu các chất này thì testosteron không được biến thể thành nội tiết tố nữ tính.

Có bệnh có thuốc

Giải pháp rất gần trong tầm tay vì nhiều công trình nghiên cứu cho thấy chuyện nội tiết tố nam tính phát triển bất thường ở phụ nữ bỗng thành chuyện nhỏ nếu biết cách áp dụng cây thuốc tác động trên trục thần kinh - nội tiết để điều chỉnh nội tiết tố, càng sớm càng tốt, càng kiên nhẫn cho đến lúc nạn nhân tìm lại được yên bình trong nội tâm càng hay, thay vì đầu độc cơ thể bằng thuốc an thần, bằng thuốc nội tiết tố hóa chất tổng hợp để rồi trả giá quá đắt vì phản ứng phụ nghiêm trọng.

Gần đây tôi có dịp đọc lại truyện Lục Vân Tiên. Nếu không khéo kiểm soát cho được nội tiết tố nam núp kín trong giai đoạn mãn kinh, e có khi phải sửa nhẹ nguyên bản của văn hào Đồ Chiểu. Thử tưởng tượng cảnh Vân Tiên ra oai nam tử, đơn thân tuốt kiếm tả xông hữu đột vì tiếng khóc tỉ tê của xuân nữ họ Kiều. Ai dè: “Diệt xong lũ kiến đàn ong/ Hỏi ai than khóc ở trong xe này” thì hảo hán họ Lục mới biết mình hố nặng. Nguyệt Nga nức nở không do cướp cạn giật điện thoại di động giữa ban ngày, mà chỉ vì khi soi gương nàng bỗng tình cờ phát hiện mình đã… mọc râu!

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm