Cổ tích của nạn nhân bị chọc mù hai mắt

Tưởng là người đã dùng đũa chọc vào mắt anh Nguyễn Văn Dũng khiến anh bị mù cả hai mắt và bị liệt nửa người. Tại tòa, do bị cáo tự đập đầu vào vành móng ngựa và “im như thóc” nên tòa phải hoãn xử.

Lúc này trời bắt đầu mưa to. Nơi hàng ghế người bị hại đang ngồi, nạn nhân Dũng (25 tuổi) đang quay nhìn xung quanh nhưng không biểu lộ được cảm xúc. Kế bên Dũng là cô gái có dáng vẻ hiền lành. Cô nắm tay Dũng, “chỉ” cho Dũng biết những gì đang diễn ra xung quanh. Khi chủ tọa tuyên bố hoãn xử, cô gái đứng dậy dìu Dũng bước về hướng cổng. Ai đó nói: “Vợ nó đấy, không quen biết gì mà trời xui khiến sao từ Biên Hòa xuống đây chăm sóc thằng Dũng…”.

Khi tôi tìm đến căn phòng trọ nhỏ của hai vợ chồng Dũng ở thị trấn Phước Bửu, vài người hàng xóm cũng tới chia sẻ. Căn phòng trống hoác, chỉ có vài bộ quần áo, một nồi cơm điện, cái bếp gas mini, thùng mì tôm cùng vài ký gạo để ở góc nhà. Vậy nhưng vợ chồng Dũng vẫn cười, nói với nhau những lời âu yếm, hạnh phúc. Vợ chồng Dũng nói hình như đây là duyên nợ kiếp trước nên bây giờ trời run rủi để họ đến với nhau…

Cổ tích của nạn nhân bị chọc mù hai mắt ảnh 1

Không chỉ là đôi mắt của Dũng, Dung còn là cô tiên của đời anh. Ảnh: TK

Vợ Dũng tên là Nguyễn Huỳnh Phương Dung, 29 tuổi, nhà ở phường Tam Hiệp (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Gia đình có bốn anh chị em, Dung là chị đầu, làm công nhân trong công ty giày da, lương tháng ổn định. Trước đây Dung không hề biết Dũng. Qua đọc báo, Dung biết về vụ án khiến Dũng bị mù hai mắt, thấy thương. Trong bài báo có ghi số điện thoại người dì của Dũng. Vậy là Dung liên lạc hỏi thăm rồi nói chuyện, động viên Dũng. Khi đó Dũng đã tỉnh lại sau nhiều ngày hôn mê sau ca mổ để lấy hai chiếc đũa ra khỏi đầu.

Đầu năm 2014, sau một thời gian ngắn liên lạc, Dung quyết định xuống gặp rồi yêu thương, gắn bó và quyết đến với Dũng. Khi đó Dung biết hai mắt của Dũng đã mù, nửa người bị liệt.

Biết ý định của Dung, cha mẹ cô đã phản đối, đòi từ mặt, cấm Dung không được đưa Dũng về nhà và định gạch tên Dung khỏi sổ hộ khẩu. Nhưng những điều ấy đã không ngăn được tình yêu của Dung.

Dũng tiếp lời kể về Dung với niềm tự hào không tả hết. Dũng bảo Dung là người vợ tuyệt vời, đã chăm sóc, lo lắng cho Dũng trong những ngày tháng khó khăn nhất của cuộc đời. Từ khi về ở với nhà Dũng, Dung làm việc chăm chỉ, chăm lo cho Dũng từng chút, luôn vui vẻ với mọi người.

Dũng cười buồn: “Cha mẹ Dung nghĩ em chỉ mù một bên mắt nên đồng ý gả cưới. Nhưng khi gặp, biết cả hai mắt em đều không còn thì cha mẹ nhất quyết phản đối. Đã vậy, mẹ em lại còn hắt hủi Dung. Người dì thương nên trả tiền thuê phòng cho hai vợ chồng ra ở riêng. Số tiền được các mạnh thường quân giúp đỡ đều do mẹ cầm và chi tiêu. Khi ra ở riêng, vợ chồng em không có nổi 100.000 đồng trong người, Dung phải bán cả đồ trang sức. Trước đây em kiếm sống bằng nghề bốc vác, thu nhập cũng khá nhưng giờ thì hết làm được gì rồi…”.

Dung muốn xin đi làm công ty nhưng chưa có hộ khẩu và giấy tờ cần thiết. Hiện giờ hai vợ chồng đang sống nhờ vào sự giúp đỡ của người quen, hàng xóm. Người cho thùng mì tôm, người cho gạo. Tuy vậy, căn phòng trọ của họ vẫn luôn đầy ắp tiếng cười. Dũng bảo Dung là “đôi mắt” của mình, bất kể đi đâu cả hai đều có nhau.

Khi nhắc chuyện vụ án, nhắc đến Tưởng (bị cáo) - người vô cớ hại đời mình, Dũng nói có hận cũng không thay đổi được nữa khi số phận đã như vậy. Vì thế Dũng phải tạm quên để sống. Dũng bảo đôi khi trong giấc ngủ, Dũng mơ thấy khi tỉnh dậy mắt mình sáng lại như trước đây. Nhớ ra đó chỉ là giấc mơ, Dũng khóc. “Nhưng giờ có Dung rồi, em không còn cô đơn nữa. Nếu có một số vốn nhỏ, tụi em sẽ mua xe nước mía hay bán tạp hóa tại nhà. Và trên hết, chúng em mong tình cảm của mình sẽ được hai bên gia đình chấp nhận” - Dũng nói.       

TRÙNG KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm