Con tôi đi bụi

Người mẹ này có lẽ cũng như tất cả những người mẹ khác, khi con bước vào tuổi thiếu niên đã nghĩ đến những rắc rối có thể có do tâm lý lứa tuổi xảy đến với chúng. Nhưng dù có lo âu hay tưởng tượng đến đâu, chị cũng không hình dung được điều tồi tệ này: con bỏ nhà đi bụi!

Con tôi đi bụi ảnh 1

Minh họa: Vũ Đình Giang

Tôi nhận ra đi bụi đã cho cháu một quyền lực mà trước đó cháu không có: quyền được làm điều mình muốn mà không ai được phép can thiệp hay bắt bẻ! Rõ ràng có một sự thay đổi trong nhà tôi, dù vẫn mâu thuẫn nhau trong cách tiếp cận cháu nhưng hai chị cháu và chồng tôi đều bối rối vì không biết phải ứng xử thế nào, hầu như ai cũng sợ cháu sẽ bỏ nhà đi lần nữa.

Tôi có ba con gái, Q. - đứa út - cách chị nó đến tám tuổi, hiện đang học lớp 8, đây là đứa con mà vợ chồng tôi cố gắng với hi vọng sẽ là một thằng con trai cho đủ nếp tẻ nhưng bất thành. So với hai chị, cháu không được lanh lợi bằng, học hành kém hơn và làm gì cũng chậm chạp. Tôi thương cháu nhất, có lẽ vì cháu là con út nên gần gũi với tôi hơn.

Hành trình đuổi bắt

Dù không được đánh giá cao như hai chị nhưng cháu vẫn là trung tâm của sự chú ý trong gia đình, đơn giản chỉ vì cháu làm gì cũng phải nhắc nhở hai ba lần mới xong. Điều này xảy ra với mật độ ngày càng tăng vì cháu đã lớn và bắt đầu phải cáng đáng việc nhà nhiều hơn. Hầu như lúc nào cháu cũng bị phàn nàn, mà càng la mắng cháu càng tỏ ra chậm chạp, đôi lúc tôi có cảm giác cháu cố tình làm vậy để phản ứng lại, thái độ này càng làm tôi tức giận hơn. Bài vở cũng không khả quan, tôi đã phải đến trường đôi ba lần để nghe cô giáo cảnh báo về tinh thần học tập của cháu.

Dù rất nỗ lực để trao đổi với con, mắng mỏ có, khuyên nhủ có, tạo điều kiện để con gắn bó với gia đình như cùng đi bơi, làm bánh, mua sắm áo quần… nhưng mọi việc vẫn cứ giậm chân tại chỗ. Q. hào hứng tham gia tất cả trò vui chơi nhưng lại thờ ơ và lười nhác mỗi khi tôi kêu làm việc nhà. Cứ rảnh một chút là Q. mở mạng tải bài hát, mở tivi xem những bộ phim nhảm nhí. Nhưng kinh khủng nhất là cháu để mái tóc rũ rượi trước trán mà nói cách nào cũng không chịu cài lên cho tươm tất.

Có lần chồng tôi giận dữ hét ầm lên ngay trong bữa ăn chỉ vì anh nóng mắt, chịu hết nổi với mái tóc che hết nửa mặt của cháu. Bất chấp mọi chỉ trích, cháu vẫn để mái tóc đó như một cách chọc tức mọi người. Trong lần đón cháu ở trường, tôi ngạc nhiên nhận ra trong lớp cháu cứ mười đứa con gái thì hết chín đứa để mái tóc lòa xòa như thế! Đến nước này thì tôi nghĩ nhà mình cũng như nhà người, con cái có lúc này lúc khác và thầm hi vọng cháu sẽ đi qua cái tuổi “dở dở ương ương” này như một quy luật tất yếu.

Trong khi tôi loay hoay chưa biết giải quyết thế nào, cộng với công việc hằng ngày khiến tôi có lúc buông xuôi để mặc mọi chuyện thì tất cả lật nhào vào một buổi tối khi cháu không về nhà ăn cơm. Mọi người túa đi tìm nhưng vô phương. Liên hệ với nhà trường, cô giáo chủ nhiệm cho biết cháu không đến lớp hai ngày nay. Tôi chạy đôn chạy đáo khắp nơi nhưng đành bất lực về nhà lúc nửa đêm. Đó là đêm dài nhất bắt đầu cho những đêm dài khác chờ mong con đến khắc khoải.

Rồi tôi cũng có được manh mối đầu tiên, bạn bè cho biết con tôi thường chơi với hai bạn gái ngoài lớp và một trong số đó là L. đã bỏ học. Tôi đến nhà L., mẹ L. tiếp đón tôi lạnh nhạt và bảo con bà không liên can gì nhưng cuối cùng L. cho biết con gái tôi có một nhóm bạn thường bỏ nhà đi chơi lêu lổng, hay tụ tập tại một số tiệm cà phê hay tiệm net quen thuộc. Tôi huy động cả anh chị mình vào cuộc và chúng tôi tóm được cháu khi cháu đang rôm rả trò chuyện với đám bạn.

Cháu về nhà được hai ngày thì lại trốn. Vài ngày sau thấy cháu lấp ló ngoài hiên, tôi lao ra thì cháu bỏ chạy. Có lúc tôi nghe ai đó báo thấy cháu ở đâu đó, vội vã chạy đến thì mất dấu. Trong lúc tôi tuyệt vọng tưởng đã mất con thì cháu trở về, lầm lì, lặng lẽ và thu mình lại. Tôi nhìn con, lòng đau như xát muối.

Hậu đi bụi

Không gì có thể diễn tả hết tâm trạng của tôi trong những ngày cháu đi bụi, tôi không thể ngồi, không thể nằm, không thiết gì đến ăn uống, áo quần, công việc. Tim tôi lúc nào cũng đập dồn dập, bụng dạ quặn thắt. Cứ ngơi tay một chút hay nhắm mắt lại là tôi lại hình dung đến những điều khủng khiếp có thể xảy đến với con: cháu có thể bị bọn xấu lừa đem qua biên giới hay bị lạm dụng tình dục, bị lạm dụng lao động hay biết đâu còn bị lôi kéo nghiện hút hay phạm pháp.

Có lẽ con đi bụi là nỗi đau lớn nhất vì mình không biết con làm gì, ở đâu, với ai. Đó là nỗi bất lực, là cảm giác như chính mình đã phạm tội hay sai lầm khủng khiếp với con cái, là nỗi đau vì đứa con rứt ruột đẻ ra lại từ chối mình, là sự tự vấn bản thân liên tục, là nỗi sợ hãi sẽ mất con vĩnh viễn…

Biết bao điều tiêu cực mà tôi nghĩ đến rồi lại gạt đi để còn tập trung tinh thần tìm lại con. Nhưng đâu đã hết. Tôi còn phải đối diện với những cuộc tranh cãi trong gia đình, chồng tôi kết tội tôi không chú ý đến con, hai đứa lớn bảo mẹ quá chiều chuộng em, tôi nói chồng tôi không thương con vì cháu là con gái, tôi mắng hai đứa chị quá xét nét em út. Chúng tôi lên án nhau, phủ nhận nhau và chảy nước mắt vì chẳng biết lúc nào mới có thể tìm lại được một mái ấm đúng nghĩa khi có một thành viên đang bứt mình ra khỏi gia đình.

Khi con trở về, tôi không biết con đang nghĩ gì.  Tôi  cố chuyện trò, nhỏ to khuyên nhủ, cháu nghe một cách hờ hững và hỏi: “Mẹ xong chưa, con muốn ngủ”. Giờ đây cháu bị cho thôi học vì đã nghỉ quá thời gian cho phép. Ở nhà nhưng cháu không chịu động tay vào việc gì, chỉ cuộn mình trong chăn hoặc lên mạng nghe nhạc. Mỗi khi tôi bảo làm việc, thậm chí vệ sinh cá nhân, cháu đều bảo nhức đầu.

Gia đình tôi thay phiên nhau trông cháu, điều tôi lo lắng nhất là liệu con gái tôi có quan hệ tình dục hay không và nếu có thì có hậu quả gì không. Mà thật ra tôi còn chưa biết phải mở miệng với con như thế nào về vấn đề tế nhị này vì cháu không chịu hé răng trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Tôi nhận ra đi bụi đã cho cháu một quyền lực mà trước đó cháu không có: quyền được làm điều mình muốn mà không ai được phép can thiệp hay bắt bẻ! 

Rõ ràng có một sự thay đổi trong nhà tôi, dù vẫn mâu thuẫn nhau trong cách tiếp cận cháu nhưng hai chị cháu và chồng tôi đều bối rối vì không biết phải ứng xử thế nào, hầu như ai cũng sợ cháu sẽ bỏ nhà đi lần nữa.

Tôi cũng sợ nhưng không thể để cháu nghĩ mình đã hành xử đúng, đi bụi không phải là cách trả thù gia đình, càng không phải là cách để chứng minh bản thân. Với tôi đó có thể là một phản ứng nhưng đứa con nhỏ bé dại dột của tôi không biết rằng cái giá phải trả quá đắt. Cháu có thể hủy hoại gia đình mình, hủy hoại bản thân nhưng dường như không chịu nhận ra điều đó. Tôi không biết mình có tìm lại được đứa con ngày trước hay không dù giờ đây vẫn ở trong nhà mình.

Khi trao đổi với cô giáo chủ nhiệm, tôi mới biết con tôi từng bị điểm tên vì có hành vi phá hoại của công liên quan đến một vụ đánh nhau nhưng vì chưa rõ ràng nên chỉ bị cảnh cáo trước trường. Thật bất ngờ khi cô bảo đã có kinh nghiệm về vấn đề này vì trong 14 năm đi dạy, cô giải quyết được tám trường hợp mà trong đó năm trường hợp xảy ra chỉ trong vòng ba năm trở lại đây! Có nghĩa Q. không phải là trường hợp đơn lẻ hay cá biệt mà theo cô là đã trở nên quen thuộc và ngày càng có xu hướng tăng lên!

Cô cũng cho biết đi bụi thường có tính tập thể, nhóm, ít nhất là hai trẻ, hiếm khi một mình. Hành vi này có thể “gây nghiện” vì trẻ thấy có người đồng tình, cổ vũ, ủng hộ hoặc đồng cảm với hoàn cảnh của mình nên sẽ có khuynh hướng bỏ nhà đi nhiều lần.

Trong những ngày dò tìm mọi manh mối về con, tôi tìm thấy những dòng chữ ở trang sau vở học của con: “Mình chán ghét gia đình, ai cũng bắt mình làm thế này thế kia, nhưng mình là vậy. Tôi là vậy!”.

Theo KHÁNH HÀ (TTCT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm