Bởi lẽ quy định này có thể dẫn đến việc mở rộng lấy lời khai của công an xã với cả những người phạm tội và đây sẽ là việc “lấn sân” sang hoạt động điều tra theo Bộ luật Tố tụng hình sự và Pháp lệnh Điều tra hình sự.
Bốn công an xã Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) đánh chết người đã phải nhận mức án từ tám đến 17 năm tù.
Băn khoăn này có lý do bởi thực tế thời gian qua, có nơi công an xã bắt được tội phạm không giao ngay lên cấp trên mà để ở xã lập biên bản lấy lời khai của người phạm tội, người bị hại, người làm chứng và những người liên quan; thu thập tài liệu rồi mới đưa lên giao cho công an huyện. Tuy nhiên, có những vụ công an xã lấy lời khai của người phạm tội gây ra những hệ quả đáng tiếc (vụ bốn công an viên xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội đánh chết ông Nguyễn Mậu Thuận là điển hình). Có trường hợp lời khai ban đầu ở công an xã là nhận tội nhưng khi lên công an huyện, công an tỉnh thì khai lại vì cho rằng “bị đánh nên nhận bừa”. Mà những lời khai ban đầu rất quan trọng, cơ quan tố tụng hay sử dụng làm căn cứ buộc tội nên khó tránh oan, sai…
Luật quy định nhiệm vụ và quyền hạn của công an xã rất cụ thể tại Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Nghị định 73/2009 của Chính phủ và Thông tư 12/2010 của Bộ Công an. Trong đó không có quy định nào cho phép công an xã lấy lời khai của người phạm tội mà chỉ được kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người có hành vi vi phạm pháp luật quả tang; tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường và báo cáo ngay cho cơ quan có thẩm quyền; lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, người biết vụ việc, thu giữ, bảo quản vật chứng.
Nếu cho rằng người phạm tội quả tang cũng là “người biết vụ việc” thì không thuyết phục. Công an xã chỉ được bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã. Còn các trường hợp tình nghi thì không được bắt.
Người phạm tội quả tang là người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt (Điều 82 Bộ luật Tố tụng hình sự). Sau khi bắt người phạm tội quả tang, phải lập biên bản theo quy định và dẫn giải ngay đối tượng lên công an cấp trên. Không có quy định nào cho phép công an xã lấy lời khai của người phạm tội quả tang cả.
Đã là phạm tội quả tang thì cần gì phải lấy lời khai? Công an xã chỉ cần lập biên bản rồi dẫn giải người phạm tội đó lên công an cấp trên (công an huyện). Trong quá trình khởi tố, điều tra, cơ quan điều tra lấy lời khai của họ là để xác định họ có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, nếu phạm tội thì phạm tội gì, quy định ở điều khoản nào của Bộ luật Hình sự; nếu không thuộc thẩm quyền của công an huyện thì chuyển lên công an tỉnh, mọi hoạt động sau khi tiếp nhận người phạm tội quả tang của công an huyện là hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Cũng chính vì vậy mà pháp luật không quy định công an xã phải lấy lời khai của người phạm tội quả tang. Họ là người phạm tội, chẳng lẽ lại coi họ là người biết vụ việc sao!? Cách suy diễn này rõ ràng là không ổn, mặt khác trong thực tế không ai suy diễn như vậy cả.
Đành rằng vai trò của công an xã trong việc phá án, giữ an ninh trật tự tại địa phương là rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu cho họ lấy lời khai người phạm tội trong thời điểm hiện tại là chưa phù hợp vì mặt bằng nghiệp vụ chung của công an xã chưa đáp ứng.
ĐINH VĂN QUẾ